Tập yoga để cải thiện tình trạng hen suyễn là phương pháp được khá nhiều người bệnh áp dụng. Các bài tập yoga luôn chú trọng đến nhịp thở, từ đó giúp làm chậm tốc độ thở, cải thiện được các triệu chứng khó thở, nghẹt thở của bệnh hen suyễn. Hãy cùng tìm hiểu 6 bài tập yoga chữa hen phế quản dễ thực hiện trong bài viết dưới đây nhé.
1. Lợi ích của bài tập yoga với người bị hen suyễn
Yoga là bộ môn tốt cho thể chất và tinh thần của người tập. Quá trình luyện tập yoga chú trọng đến việc điều chỉnh hơi thở, cung cấp oxy, duy trì tốc độ thở ổn định, thông đường phế quản và cải thiện chức năng phổi. Chính vì vậy, bộ môn này rất phù hợp cho bệnh nhân hen suyễn.
Kết quả của một nghiên cứu được thực hiện trên 824 bệnh nhân hen suyễn về đo lường tác động của yoga tới chức năng hô hấp và chất lượng sống của người bệnh cho thấy: các tư thế yoga và cách thở giúp làm giảm đáng kể triệu chứng bệnh hen suyễn. Đa phần các bệnh nhân đều cảm thấy thở tốt hơn khi thực hiện các bài tập yoga.
Bài tập yoga cho người bị hen suyễn còn mang lại nhiều lợi ích khác như:
- Giảm tình trạng cao huyết áp, cải thiện sức bền của cơ thể.
- Kiểm soát căng thẳng, lo lắng, cải thiện tâm trạng.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch và tuần hoàn, hỗ trợ hô hấp tốt hơn.
2. 6 bài tập yoga cho người hen suyễn
Một số bài tập yoga chữa hen phế quản dễ tập và hiệu quả tốt như:
2.1. Bài tập cây cầu
Đây là bài tập yoga cơ bản có tác dụng thư giãn và mở rộng các khoang phổi, thúc đẩy sự hoạt động của đường hô hấp tốt hơn.
Cách thực hiện:
- Nằm trên thảm, hai chân rộng bằng vai. Duỗi thẳng cả 2 tay lên sàn và úp cả lòng bàn tay xuống.
- Dùng bàn chân và cánh tay làm điểm tựa để nâng hông lên cao, đồng thời thực hiện việc hít vào một cách chậm rãi để giúp đường thở được mở rộng.
- Hạ phần khung xương chậu xuống rồi tiếp tục thở ra.
- Duy trì thực hiện động tác nhiều lần để giúp mở rộng đường thở, giúp cho không khí vào bên trong cơ thể được nhiều hơn.
2.2. Bài tập xoắn cột sống khi ngồi
Tư thế xoắn cột sống này tác động tới phần lưng, giúp cơ lưng được kéo căng, từ đó làm thư giãn phần cột sống và điều chỉnh hơi thở của bạn một cách đáng kể.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi ở trên ghế với tư thế thẳng lưng, hai chân đặt trên sàn.
- Xoay người sang phía bên phải, hai tay đặt trên đùi để người được căng hết sức, giữ tư thế này trong khoảng 3 đến 5 nhịp thở.
- Lặp lại tư thế ban đầu rồi đổi bên.
- Duy trì thực hiện mỗi ngày để cải thiện tình trạng bệnh lý.
2.3. Bài tập thở Yogic (Thở luân phiên hai bên mũi)
Cách tập thở Yogic là kỹ thuật thở luân phiên hai bên mũi. Khi thực hiện bài tập thở này giúp cải thiện chức năng phổi và hô hấp, làm giảm đáng kể nhịp tim và nhịp thở trung bình, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi bắt chéo chân trên sàn hoặc giường.
- Đặt ngón cái lên lỗ mũi phải, hít vào bằng lỗ mũi trái. Sau đó, đặt ngón đeo nhẫn lên lỗ mũi trái và thở ra bằng lỗ mũi bên phải.
- Thực hiện xen kẽ nhiều lần để cải thiện triệu chứng bệnh.
2.4. Bài tập thở Victorious
Victorius là bài tập thở bằng cơ hoành, có tác dụng cải thiện chức năng phổi một cách rõ rệt. Đồng thời bài tập này còn giúp điều hòa nhịp thở và thư giãn rất tốt.
Cách thực hiện:
- Bệnh nhân ngồi khoanh chân trên sàn.
- Hít vào từ từ bằng mũi. Sau đó thở ra bằng miệng với môi khép lại. Hít vào bằng mũi, sau đó thở ra ở phía sau cổ họng.
2.5. Tư thế con mèo – con bò
Đây là tư thế cơ bản trong yoga, có lợi ích rất tốt với phần lưng, giúp giãn và duy trì độ dẻo dai của cột sống. Điều này cũng giúp tăng cường lưu thông máu, duy trì chức năng hô hấp, đồng thời giảm căng thẳng, thư giãn tâm lý.
Cách thực hiện:
- Chống người bằng hai tay và đầu gối, sao cho hai bàn tay thẳng, song song. với hai chân, cột sống là đường thẳng nối vai và hông.
- Giãn cổ và cúi xuống.
- Hít vào và chuyển sang tư thế con bò.
- Nhón ngón chân.
- Kéo xương chậu về phía sau, mông nhô lên một chút.
- Hạ bụng xuống sau đó hít vào.
- Mắt hướng lên trần nhà, cổ giữ nguyên không di chuyển. Thở ra rồi bước vào tư thế con mèo
- Áp ngón chân xuống sàn nhà, đồng thời đẩy xương chậu về phía trước.
- Thở ra, hóp bụng
- Thả đầu xuống
- Đưa mắt về phía rốn.
2.6. Bài tập tư thế rắn hổ mang
Khi tập tư thế rắn hổ mang, phần ngực sẽ được kéo căng hơn, nhờ đó tăng khả năng hít thở và hoạt động của phổi.
Cách thực hiện:
- Nằm úp người ở trên thảm, mu bàn chân duỗi thẳng, hai lòng bàn tay úp xuống hai bên.
- Hai bàn tay chống xuống sàn làm điểm tựa để nâng thân và đầu cao thành tư thế rắn hổ mang, mặt hướng lên trần nhà, đồng thời hít vào, thở ra từ từ.
- Giữ tư thế này khoảng 4-5 nhịp thở rồi thở ra và về vị trí ban đầu.
Trên đây là 6 bài tập yoga cho người bị hen suyễn mà người bệnh có thể áp dụng mỗi ngày để cải thiện triệu chứng bệnh. Kiên trì thực hiện các bài tập này kết hợp với điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp đẩy lùi bệnh hiệu quả.
Xem thêm: Hen phế quản là bệnh gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Nguồn tham khảo:
- [1] 10 Effective Yoga Asanas for Asthma Cure https://www.artofliving.org/in-en/yoga/yoga-sequences-for/effective-yoga-asanas-for-asthma
- [2] 6 Great Yoga Poses to Help With Asthma https://www.everydayhealth.com/asthma-pictures/great-yoga-poses-for-asthma-relief.aspx#
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn