Việc trẻ sơ sinh bú bình sữa thường gây nên chứng đầy hơi bởi lượng không khí thừa các bé nuốt phải khi bú bình rất nhiều. Vì vậy, việc giảm thiểu lượng khí dư thừa khi bú bình cho con là điều các mẹ cần làm khi chăm sóc trẻ sơ sinh để bé có một hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh. Vậy khi trẻ bú bình bị đầy hơi, chướng bụng thì cha mẹ phải làm sao? Cùng tìm kiếm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.
1. Nguyên nhân bé bị đầy hơi khi bú bình
Đầy hơi, chướng bụng ở trẻ sơ sinh là tình trạng thường gặp khi trẻ bú bình. Giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ chưa thực sự hoàn chỉnh nên rất dễ gặp “trục trặc”. Do đó, nếu bé bú quá no, bú không đúng cách, thay đổi loại sữa,… cũng gây áp lực lên dạ dày, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Có rất nhiều nguyên nhân làm bé bị đầy hơi khi bú bình, phải kể đến như:
1.1. Bé bú quá nhanh
Nếu bé quá đói bụng hoặc bé sẽ bú mạnh để ti được nhiều sữa hơn. Điều này khiến bé dễ nuốt cả không khí cùng sữa vào bụng, gây nên tình trạng đầy hơi, chướng bụng.
1.2. Do chưa đợi tan hết bọt trong bình bú
Khi pha sữa, mẹ phải lắc hoặc khuấy đều để sữa được hòa tan, điều này sẽ tạo ra các bọt khí nổi lên trên bề mặt sữa. Nếu mẹ cho bé bú sữa ngay, những bọt khí này sẽ đi theo dòng sữa vào bụng bé và gây tình trạng đầy hơi, chướng bụng hơn. Vì thế, mẹ cần mở nắp bình sữa, đợi khoảng 1 – 2 phút để bọt khí tan hết rồi cho bé bú nhé!
1.3. Do bé không tiêu hóa được protein trong sữa
Hiện tượng trẻ bú bình bị đầy hơi thường gặp khi mẹ đổi sữa mới cho bé. Lúc này, hệ tiêu hóa của con chưa kịp thích nghi với sữa mới nên không chuyển hóa được protein trong sữa, gây tích tụ, dẫn đến dẫn đến khó tiêu, đầy bụng hay nôn trớ.
1.4. Do bé không dung nạp đường Lactose
Lactose là một loại đường có trong các sản phẩm từ sữa. Để tiêu hóa và phân giải loại đường này cơ thể phải tiết ra enzyme Lactase. Do đó, nếu cơ thể bé không sản sinh đủ loại enzyme này, sẽ không chuyển hóa được đường này, dẫn đến chướng bụng, đầy hơi khi bú sữa.
Trẻ bất dung nạp lactose sẽ kèm theo những dấu hiệu khác như sau: tiêu chảy, buồn nôn, nôn trớ, xì hơi nhiều, quấy khóc (do đau bụng),…
1.5. Bé đang dùng kháng sinh
Bé phải dùng kháng sinh trong thời gian dài để điều trị bệnh sẽ tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Điều này làm giảm chức năng hệ tiêu hóa, dẫn đến tình trạng bé bị chướng bụng đầy hơi.
2. Dấu hiệu nhận biết bé bú bình bị đầy hơi
Mẹ có thể nhận biết bé bị đầy hơi khi bú bình thông qua những dấu hiệu sau:
- Bé thường xuyên ưỡn lưng, co chân sau khi ăn
- Quấy khóc, từ chối bú bình
- Vặn vẹo người khi đặt bé nằm, khi bế bé sẽ thấy dễ chịu hơn
- Bụng cứng, phình to bất thường
- Bé bị buồn nôn và có thể nôn trớ sau khi bú bình
- Xì hơi nhiều
- Khó ngủ, quấy vào ban đêm
- Phân lỏng hoặc sệt trong nhiều ngày, màu phân bất thường, bởi thức ăn chưa tiêu, làm thay đổi tình trạng phân.
3. Hướng dẫn cách cho bé bú bình không bị đầy hơi
Để tránh tình trạng bé bú bình bị đầy hơi, mẹ hãy áp dụng các mẹo đơn giản dưới đây nhé.
3.1. Bế bé sát người mẹ khi cho con bú
Khi cho bé bú, mẹ hãy bế bé sao cho đầu bé ở một góc 45º, sao cho bé nằm ở chỗ lõm khủy tay mẹ, cánh tay mẹ ép nhẹ nhàng dọc theo thân bé, còn bàn tay mẹ chạm tới mông của con.
Để bé nằm sát người mẹ nhất, bởi đây là tư thế tốt cho dạ dày của bé nhất. Ngoài ra, tư thế này cũng tạo cho con cảm giác an toàn và dễ chịu khi bú sữa.
3.2. Miệng bé bám tốt vào núm vú cao su
Miệng của bé ngậm được hết núm cao su sẽ giúp bé bú được nhiều sữa và hạn chế hít phải không khí thừa.
Ngay từ đầu, mẹ hãy dạy bé cách bú bình đúng. Ví dụ như mẹ cọ nhẹ núm vú cao su vào môi dưới của bé để khuyến khích bé mở to miệng hơn. Sau đó, mẹ đưa núm vú vào miệng bé sao cho bé ngậm được hết cả phần đầu ti trên núm vú cao su. Lưu ý, đầu ti cao su phải ở trên lưỡi của bé, không phải dưới bề mặt lưỡi. Miệng bé mở rộng nhưng phải thoải mái, không quá căng hoặc mím.
3.3. Kiểm soát dòng chảy của sữa
Núm vú cao su có nhiều loại tương ứng với từng giai đoạn phát triển của bé. Do đó, mẹ cần mẹ cần chọn loại núm vú phù hợp với con để ngăn cản bé nuốt phải khí thừa khi bú bình.
Núm vú có lỗ đục phù hợp để kiểm soát dòng chảy nhanh – chậm của sữa khi bé bú. Với những bé mới sinh, mẹ cần cho bé dùng núm vú cao su ở giai đoạn một. Khi bé lớn hơn thì thay bằng loại núm vú có lỗ đục to hơn, dòng chảy mạnh hơn.
3.4. Tránh đầy hơi khi cho bé bú bình bằng cách giúp bé ợ
Sau khi bé bú bình xong, mẹ hãy vỗ ợ hơi cho bé để tống hết không khí trong dạ dày ra ngoài, hạn chế được tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Có 3 tư thế phổ biến giúp bé ợ hơi là bế bé thẳng, để cằm bé dựa vai mẹ rồi vỗ nhẹ vào lưng bé, vừa vỗ vừa vuốt ngược từ dưới lên. Hoặc để bé ngồi trong lòng mẹ rồi mẹ vỗ lưng cho bé. Cách cuối cùng là để bé nằm sấp trên đùi mẹ rồi mẹ vỗ nhẹ và kết hợp vuốt lưng cho bé.
Lưu ý không nên vỗ mạnh khiến bé bị trớ sữa mà chỉ cần vỗ nhẹ nhàng. Nếu bé không ợ mẹ cũng không cần lo lắng, bởi không phải lần nào vỗ lưng bé cũng ợ.
Hi vọng những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp mẹ giải đáp thắc mắc tại sao trẻ bú bình hay bị đầy hơi chướng bụng và cách khắc phục hiệu quả. Việc chăm sóc trẻ không phải là một việc dễ dàng cho các ông bố bà mẹ. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa trong quá trình chăm sóc bé để con luôn có một sức khỏe và sức đề kháng tốt. Nếu mẹ nhận thấy ở con những triệu chứng nặng nề hơn cần kịp thời đưa bé đến gặp các bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và điều trị cho con kịp thời.
Bài viết liên quan: Trẻ sơ sinh bị sôi bụng đầy hơi phải làm sao?
Nguồn tham khảo
- [1] How do I Relieve Gas in my Formula or Bottle-fed Baby? https://www.happyfamilyorganics.com/learning-center/article/tips-for-bottle-fed-baby-gas/
- [2] 6 Tips for Baby Gas Relief. https://www.enfamil.com/articles/help-ease-babys-gas-everyday-tips/
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn