Hen phế quản còn được gọi là hen suyễn, một bệnh đường hô hấp khá phổ biến với các dấu hiệu khó thở, nặng ngực, ho tái diễn … Việc hiểu về bệnh để điều trị cũng như phòng bệnh hiệu quả là điều cần thiết. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này trong nội dung chia sẻ dưới đây nhé.
1. Hen phế quản là gì?
Hen phế quản còn gọi là hen suyễn, một bệnh lý đường hô hấp với đặc trưng là tình trạng viêm đường dẫn khí mãn tính. Khi người bệnh tiếp xúc với các yếu tố kích thích thì phế quản vốn rất nhạy cảm sẽ phản ứng một cách dữ dội với các triệu chứng như khó thở, khò khè, nặng ngực và ho. Tùy vào mức độ kích thích các tiểu phế quản và tùy vào cơ địa của từng người bệnh mà cơn hen phế quản sẽ có biểu hiện ở mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Bệnh hen phế quản thường không thể điều trị khỏi hẳn nhưng có thể điều trị giảm, cải thiện các triệu chứng của bệnh để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bệnh có thể tái đi tái lại nhất là khi thời tiết giao mùa và diễn biến nhanh thậm chí có thể gây tử vong nếu không kịp thời xử trí.
2. Nguyên nhân bệnh hen phế quản
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hen phế quản và có cả những yếu tố nguy cơ, có thể chia thành nhóm các tác nhân dị ứng và các tác nhân không dị ứng.
Các tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất, gồm có:
- Dị nguyên đường hô hấp: Bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm,… thường là dị nguyên đường hô hấp và cũng có thể là những chất trong công nghiệp như bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…
- Dị nguyên thực phẩm: Đó là các loại hải sản như tôm, cua, cá, sò và trứng, thịt gà, lạc.
- Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin,…
- Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở người bệnh có cơ địa dị ứng.
Các tác nhân không dị ứng có:
- Di truyền: Có thể bị hen suyễn khi trong gia đình có người bị hen phế quản.
- Yếu tố tâm lý: Tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý,…
- Rối loạn tình dục.
3. Triệu chứng bệnh hen phế quản
Hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ và triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết sau khi người bệnh có tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Cơn khó thở thường kéo dài 5 – 15 phút cũng có khi hàng giờ hoặc hàng ngày. Khi mới bắt đầu cơn khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ mà người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Sau đó cơn khó thở sẽ giảm dần và kết thúc là một trận ho, khạc đờm dãi trong quánh và dính.
4. Đường lây truyền bệnh hen phế quản
Hen phế quản không phải là một bệnh truyền nhiễm, không do virus hay vi khuẩn gây ra, nên không lây truyền từ người này sang người khác thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Không có tính lây lan nhưng bệnh hen phế quản lại có tính di truyền. Nếu trong gia đình có người bị mắc bệnh hen phế quản như bố mẹ thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
5. Đối tượng nguy cơ bệnh hen phế quản
Do hen phế quản có tính di truyền nên đối tượng dễ mắc hen là người có bố hay mẹ mắc hen. Ngoài ra người có cơ địa dị ứng cũng là đối tượng dễ bị hen phế quản. Đối với những người bệnh đã được chẩn đoán hen phế quản, việc tiếp xúc với các tác nhân kích thích có thể dẫn đến việc khởi phát cơn hen cấp.
Xem thêm:
- Hen phế quản ở người lớn: Dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
- Tìm hiểu về bệnh hen phế quản ở bà bầu để kịp thời điều trị
- Hen phế quản ở trẻ em: Cha mẹ cần làm gì để giúp con khỏe mạnh?
6. Các biện pháp chẩn đoán bệnh hen phế quản
Để có thể chẩn đoán bệnh hen phế quản thì bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và tiến hành các biện pháp sau:
- Các triệu chứng lâm sàng: Người bệnh thường đi khám khi thấy các triệu chứng của một cơn hen phế quản cấp.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ căn cứ vào lý do vào viện của người bệnh và các triệu chứng kèm theo, từ đó định hướng chẩn đoán và tiến hành khám lâm sàng. Việc này sẽ giúp chẩn đoán bệnh và giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp…
- Đo chức năng hô hấp: Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện hô hấp ký, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì người bệnh có khả năng cao bị hen phế quản.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-Quang ngực hay CT Scan có thể cho những hình ảnh bất thường trong bệnh hen phế quản.
- Một số xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholine, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đờm… có thể hữu ích với một số người bệnh.
7. Các biện pháp điều trị bệnh hen phế quản
Bác sĩ sẽ khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có cách điều trị thích hợp. Người bệnh cần tuân thủ điều trị mới có thể kiểm soát được bệnh hen. Điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
Nội khoa
- Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: Đây là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hàng ngày và hạn chế xuất hiện cơn hen cấp. Các thuốc phổ biến có Corticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp, Leukotrien, Theophylin,…
- Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh: Người bệnh có thể sử dụng thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, Coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium,… để cải thiện các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp ngay lập tức.
- Điều trị dị ứng có thể được đặt ra ở người bệnh hen phế quản dị ứng.
Lối sống
- Người bệnh nên tập thể dục đều đặn, tập nhẹ nhàng.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, ăn nhiều trái cây và rau xanh.
- Nên chú ý phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ, …
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh của từng người. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám để bác sĩ có thể đánh giá mức độ kiểm soát hen từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình điều trị ở thời gian tiếp theo.
Xem thêm:
- List thuốc dự phòng hen phế quản thường dùng hiện nay
- Hướng dẫn cách kiểm soát hen phế quản hiệu quả, an toàn
- Các bài thuốc nam chữa hen phế quản hiệu quả tại nhà
8. Phòng ngừa bệnh hen phế quản
Có thể phòng ngừa bệnh hen phế quản nhờ những thói quen sau:
- Nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa….
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và nên tránh nuôi chó, mèo trong nhà.
- Người bệnh hen phế quản dị ứng với thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Khi đi ra ngoài đường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải khói bụi.
- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
- Nên chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vacxin phòng COVID-19 và đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.
- Người bệnh hen phế quản cần thận trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm non steroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
Ngoài các điều trị này thì người hen phế quản có thể sử dụng sản phẩm xịt rửa mũi hàng ngày. Trẻ em có thể dùng xịt rửa mũi có Natri clorid, natri benzoat, polysorbate, tinh dầu tràm, nước tinh khiết. Sản phẩm sẽ giúp vệ sinh mũi hàng ngày, giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy và loại bỏ tác nhân gây viêm mũi xoang, làm sạch và thông mũi, phòng ngừa và làm giảm sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang; làm ẩm, phục hồi độ ẩm tự nhiên của niêm mạc mũi giúp làm giảm tình trạng khô mũi, giảm kích ứng đặc biệt trong thời tiết hanh khô, phòng điều hòa; phòng ngừa sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi xoang, phòng tránh các bệnh đường hô hấp. thích hợp dùng cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.
Người lớn thì dùng sản phẩm xịt rửa có Natri clorid, natri benzoat, polysorbate, tinh dầu bạc hà, nước tinh khiết cũng có công dụng giúp vệ sinh làm sạch xoang mũi giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như ngạt mũi, chảy nước mũi làm thông thoáng đường thở, đào thải dịch nhầy và loại bỏ tác nhân gây viêm mũi xoang; hỗ trợ, làm giảm triệu chứng của viêm mũi, viêm xoang, giúp làm giảm đau đầu, nhức hốc mắt do viêm xoang; phòng ngừa sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi xoang, phòng tránh các bệnh đường hô hấp.
Hen phế quản là bệnh lý hô hấp phổ biến có thể gây ra ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe của người bệnh. Do đó hãy điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và áp dụng các biện pháp phòng tránh cơn hen xuất hiện, tái phát.
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn