Rối loạn tuần hoàn não là một trong những dạng bệnh lý về thần kinh thường gặp. Nhận biết sớm các dấu hiệu rối loạn tuần hoàn não sẽ giúp bạn nhanh chóng điều trị và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
1. Bệnh rối loạn tuần hoàn não là gì?
Não là bộ phận quan trọng nhất của hệ thần kinh trung ương, chỉ chiếm 1% trọng lượng cơ thể nhưng lại cần tới gần 20% lượng máu được bơm từ tim để có đủ năng lượng hoạt động. Máu sẽ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào não thực hiện chức năng điều khiển mọi hoạt động sống của cơ thể. Quá trình lưu thông máu trong não được gọi là tuần hoàn não.
Người bình thường lưu lượng máu tưới não là 55ml máu/100g não/phút, khi lưu lượng máu não đến não quá thấp, dưới 20ml/100g não/phút thì não sẽ bị thiếu máu dẫn đến thiếu oxy não, các tế bào não sẽ bị tổn thương, chức năng não sẽ sai lệch hoặc ngừng trệ. Tình trạng này được gọi là rối loạn tuần hoàn não.
Hiện nay, các bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, nghiện rượu, hút thuốc lá… và những áp lực của công việc, cuộc sống đang làm cho chứng bệnh này có xu hướng mắc phải nhiều hơn.
2. Nguyên nhân gây rối loạn tuần hoàn máu não
Rối loạn tuần hoàn não là bệnh khá thường gặp, có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, có xu hướng tăng lên theo tuổi. Các nguyên nhân thường gặp dẫn đến tuần hoàn máu kém như:
- Xơ vữa động mạch cảnh: Xơ vữa động mạch cảnh làm hẹp lòng mạch, giảm cấp máu cho não. Tùy theo mức độ hẹp mà có biểu hiện triệu chứng khác nhau. Thường hẹp trên 70% lòng mạch sẽ có biểu hiện lâm sàng, với mức hẹp này cũng phải can thiệp để xử lý khối xơ vữa.
- Thoái hóa cột sống cổ: Thoái hóa đốt sống, làm hẹp lỗ mỏm ngang các đốt sống, chèn ép vào hệ thống động mạch đốt sống, làm giảm lượng máu lên não.
- Khuyết khối trong lòng mạch: Nguyên nhân ban đầu do mảng xơ vữa ở vị trí nào đó của mạch máu, khi mảng xơ vữa bị tổn thương nứt vỡ, hình thành cục máu đông tại vị trí bị tổn thương. Cục máu đông bong ra và di chuyển theo dòng máu đến động mạch não, gây tắc mạch não. Tùy theo mức độ tắc mạch nhiều hay ít, vùng não bị tổn thương nhiều hay ít mà gây ra bệnh cảnh nhồi máu não nặng hay nhẹ.
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu: Làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cũng là nguyên nhân rối loạn tuần hoàn não.
- Thiếu máu: Gặp khá nhiều, nhất là những người có thể trạng gầy, còi xương, suy dinh dưỡng, những người lao động nặng nhọc, bé gái bước vào tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai, cho con bú,… Khi thiếu máu, lượng máu cung cấp cho não không đủ, gây bệnh cảnh thiểu năng tuần hoàn não.
- Ít vận động: Khi vận động ít làm giảm lưu thông máu, là nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu năng tuần hoàn não.
- Người cao tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ xơ cứng thành mạch, làm hẹp lòng mạch, chính là yếu tố nguy cơ cao của bệnh thiểu năng tuần hoàn não. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều yếu tố bất lợi như áp lực, căng thẳng kéo dài khiến cho gia tăng tình trạng thiểu năng tuần hoàn não ở người trẻ tuổi.
- Một số bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy gan, suy thận, giãn tĩnh mạch, stress, nghiện rượu, hút thuốc lá,…. Cũng có thể dẫn đến thiểu năng tuần hoàn não.
3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh rối loạn tuần hoàn não
Các biểu hiện của bệnh gợi ý lúc đầu thường thoáng qua, nhiều khi không chú ý đến, sau đó tiến triển tăng dần và rất hay tái phát. Nhiều trường hợp đã điều trị khỏi rồi lại tái phát. Vậy nên người bị bệnh tuần hoàn máu thường thắc mắc “Thiểu năng tuần hoàn não có chữa khỏi được không?”. Việc này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và thể trạng của bệnh nhân. Người bệnh phát hiện triệu chứng sớm để có cách khắc phục kịp thời thì sẽ cải thiện nhiều. Các biểu hiện có thể gặp như:
- Đau đầu: Xuất hiện sớm nhất, thường gặp nhất, ban đầu đau sau gáy, vùng chẩm, đau âm ỉ hoặc từng cơn, sau đó lan lên đỉnh đầu, hoặc đau nửa đầu.
- Hoa mắt chóng mặt: Cùng với đau đầu là tình trạng hoa mắt, tối sầm, nhìn mọi vật nhòa đi, hoặc như có cái gì lởn vởn trước mắt, nhất là lúc mới đứng lên đột ngột.
- Rối loạn thăng bằng: Cảm giác lảo đảo, như mọi vật xung quanh đổ xuống, người bệnh không dám đứng lên, không dám đi lại, chỉ nằm tại chỗ.
- Rối loạn vận nhãn: Nhìn đôi, nhìn mờ sang hai bên
- Rối loạn vận động: Cảm giác hai chân như yếu đi, bước đi như bị hụt hẫng, nhưng hoàn toàn không bị liệt vận động, không có rối loạn về ý thức, người bệnh vẫn hoàn toàn tỉnh táo.
- Rối loạn giấc ngủ: Rất hay bị mất ngủ, một số bị rối loạn nhịp ngủ, thường thức dậy sớm, hay trằn trọc, nhiều khi đêm không ngủ được nhưng ban ngày lại ngủ gật.
- Các biểu hiện khác có thể gặp: Ù tai, nghe kém, buồn nôn, nôn,…
4. Cách điều trị rối loạn tuần hoàn não tốt nhất hiện nay
Bệnh rối loạn tuần hoàn não có nguy hiểm không được người người quan tâm, vì tuần hoàn não kém sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, làm khả năng lao động và làm việc, khó tập trung. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng tai biến mạch não.
Điều trị rối loạn tuần hoàn não, trước hết là điều trị nguyên nhân, điều trị các yếu tố nguy cơ song song với điều trị triệu chứng.
4.1. Điều trị nguyên nhân
Nếu xác định được nguyên nhân gây ra rối loạn tuần hoàn não, thì điều trị theo nguyên nhân.
- Chẳng hạn do xơ vữa động mạch cảnh, tiến hành điều trị tình trạng xơ vữa, nếu nặng có thể can thiệp động cảnh, như đặt stent động mạch cảnh, phẫu thuật động mạch cảnh.
- Do thoái hóa cột sống cổ, điều trị thoái hóa cột sống, nói chung điều trị thoái hóa cột sống rất khó khăn, ít cho kết quả tốt cải thiện tình trạng tuần hoàn não.
Điều trị các yếu tố nguy cơ như: Điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu,,…
4.2. Điều trị triệu chứng
Song song với điều trị nguyên nhân, hoặc trường hợp không rõ nguyên nhân là điều trị triệu chứng.
Bị rối loạn tuần hoàn não uống thuốc gì? Trường hợp nặng, phải sử dụng các thuốc theo đường tĩnh mạch, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch. Các thuốc đầu tay được lựa chọn sử dụng là thuốc giãn mạch ngoại vi và mạch não, điển hình là Piracetam Tùy theo mức độ, có thể sử dụng với liều 2 – 3g/ ngày, thậm chí đến 12g/ ngày, kết hợp với thuốc chống chóng mặt Tanganil với liều 1 – 2g/ ngày.
Thường điều trị bằng đường tĩnh mạch 2 – 3 ngày, hoặc khi qua giai đoạn nặng, thì duy trì bằng đường uống. Có thể phải uống duy trì hàng tháng, thậm chí vài tháng.
4.3. Điều trị hỗ trợ
- Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, có thể sử dụng sản phẩm có chứa Ginkgo biloba, giúp tăng tuần hoàn não, cải thiện tuần hoàn ngoại vi. Có thể uống thường xuyên hoặc kéo dài ít nhất 3 – 6 tháng để đạt kết quả tốt nhất. Tham khảo sản phẩm tại đây.
- Điều trị tình trạng thiếu máu, nâng cao thể trạng bằng các sản phẩm chứa sắt, acid folic, các vitamin và khoáng chất.
- Tăng cường vận động, thể dục thể thao, có tác dụng tốt giúp tăng cường sức khỏe thể lực, tăng lưu thông máu. Nên tập thường xuyên, ít nhất 60 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Với người gầy nhỏ, suy dinh dưỡng, bé gái tuổi dậy thì, phụ nữ có thai, cho con bú, thì cần tăng chế độ ăn giàu dinh dưỡng, uống thêm sữa hàng ngày. Đối với người thừa cân, béo phì cần giảm chế độ ăn giàu đạm, không ăn mỡ phủ tạng động vật, luyện tập giúp giảm cân.
- Hạn chế tình trạng căng thẳng, tránh stress, sống vui vẻ, có thể tham gia các hoạt động tập thể, tham gia câu lạc bộ, tích cực đi du lịch,…
Xem thêm: Người bị thiểu năng tuần hoàn não nên ăn gì cho nhanh khỏe?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn