Dù được coi là bệnh lành tính nhưng virus Rubella lại đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, bởi nó để lại nhiều biến chứng, khiếm khuyết cho thai nhi. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh Rubella khi mang thai nhé.
1. Bệnh Rubella là gì? Nguyên nhân gây bệnh?
Rubella có triệu chứng điển hình là xuất hiện tình trạng sốt phát ban. Dấu hiệu của Rubella dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Bệnh thường khởi phát và lây lan nhanh vào mùa đông xuân hàng năm.
1.1. Khái niệm bệnh Rubella
Rubella là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do virus cùng tên gây ra. Sau thời gian ủ bệnh khoảng 2 – 3 tuần, người bệnh mắc Rubella khi mang thai sẽ phát ban đỏ ngoài da, sưng hạch kèm theo sốt nhẹ. Bệnh tương đối lành tính với người bình thường nhưng lại gây hậu quả nặng nề với phụ nữ mang thai. Nếu bà bầu trong tam cá nguyệt thứ nhất bị mắc virus Rubella, chúng sẽ tấn công thai nhi qua nhau thai và gây hiện tượng sảy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh.
1.2. Nguyên nhân gây bệnh Rubella
Virus Rubella thuộc họ togavirus, có một bộ gen RNA sợi đơn. Virus này sinh sôi và phát triển mạnh vào mùa xuân. Virus cư trú trong vòm họng và hạch bạch huyết sau khi lây nhiễm qua đường hô hấp. Sau thời gian ủ bệnh, virus Rubella sẽ lây nhiễm theo đường máu và lan khắp cơ thể gây sốt, phát ban đỏ, nổi hạch, đau khớp…
Người bình thường sẽ bị lây nhiễm Rubella nếu tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của người bệnh khi ho, hắt xì hơi. Do đó nếu không phòng tránh tốt Rubella sẽ gây ra dịch bệnh ở quy mô lớn. Tuy nhiên, mỗi người chỉ mắc Rubella một lần trong đời, vì vậy tiêm vacxin là biện pháp tốt nhất để tạo miễn dịch chủ động phòng tránh bệnh.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh Rubella
Do Rubella có triệu chứng phát ban đỏ nên dễ bị nhầm lẫn với bệnh sởi. Tuy nhiên, thực tế dấu hiệu của bệnh thường nhẹ hơn, ngắn hơn và không gây nguy hiểm đến tính mạng như sởi. Dưới đây là một số dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của Rubella.
- Thân nhiệt tăng nhẹ: Tình trạng sốt nhẹ xuất hiện từ 1 đến 4 ngày. Nhiệt độ không quá cao thường dưới 38.3 độ. Đi kèm với sốt nhẹ là các triệu chứng chảy nước mũi, đau rát họng, nhức đầu. Các triệu chứng này sẽ giảm sau khi các ban đỏ xuất hiện.
- Nổi hạch bạch huyết: Trước khi ban đỏ nổi lên, hạch sẽ xuất hiện ở vùng cổ, chẩm, bẹn. Hạch mềm, nổi lớn và đau khi ấn tay vào. Hạch sẽ biến mất sau khi ban đỏ bay hết khoảng 1 tuần.
- Phát ban đỏ: Ban hơi đỏ hoặc hồng, hình tròn hoặc bầu dục, kích thước 1-2mm sẽ bắt đầu xuất hiện ở trên đầu. Sau đó ban sẽ lan dần xuống mặt rồi lan ra khắp toàn thân. Sau khoảng 3 ngày ban đỏ biến mất và để lại nốt thâm trên da. Vết thâm dần dần sẽ mờ đi sau khi khỏi bệnh hoàn toàn.
- Mắt bị viêm kết mạc: Một số trường hợp bệnh nhân mắc viêm kết mạc do biến chứng của bệnh Rubella.
- Đau khớp: Phụ nữ mắc Rubella còn đi kèm tình trạng đau khớp. Tình trạng này thậm chí còn kéo dài sau thời gian bệnh nhân đã khỏi bệnh.
3. Vì sao mắc Rubella khi mang thai lại nguy hiểm?
Rubella dù lành tính và không nguy hiểm với người bình thường nhưng lại vô cùng nguy hiểm đối với thai nhi. Dưới đây là một số nguy cơ mà bà bầu có thể gặp phải nếu không may phơi nhiễm với virus này trong thời gian mang thai.
- Sảy thai: Nhiễm Rubella trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai đối với bà bầu. Nguyên nhân là do virus Rubella xâm nhập qua nhau thai và gây chết bào thai (thai nhi mất trước 20 tuần).
- Thai chết lưu: Trong 20 tuần đầu, virus Rubella qua nhau thai trực tiếp xâm nhập và tấn công làm thai nhi chết lưu trong tử cung (thai nhi mất sau 20 tuần).
- Sinh non: Rubella không chỉ tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu mà còn khiến bà bầu phải đối mặt với nguy cơ sinh son (trước tuần thai thứ 37).
- Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS): Virus sau khi truyền từ mẹ sang thai nhi khiến trẻ sinh ra mắc hội chứng CRS. Trẻ sẽ gặp các vấn đề về thị lực, tim mạch, thính giác, chậm tăng trưởng thậm chí thiểu năng trí tuệ.
4. Trường hợp nào trẻ sinh ra dễ bị hội chứng Rubella bẩm sinh?
Bà bầu nhiễm virus Rubella càng ở giai đoạn thai kỳ sớm thì thai nhi phải đối mặt với nhiều nguy cơ càng cao. Con số thống kê cho thấy, 90% thai nhi mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) nếu mẹ phơi nhiễm virus này trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng sẽ giảm dần vào vào các giai đoạn sau. Cụ thể:
4.1. Trường hợp nhiễm rubella trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ
Thai nhi sẽ vô cùng nguy hiểm nếu mẹ nhiễm Rubella trong 12 tuần đầu. Không những tăng nguy cơ sảy thai mà có đến 85% – 90% thai nhi sẽ bị lây truyền virus và mắc hội chứng CRS với những biến chứng nặng nề. Do vậy, khám sàng lọc, tiêm phòng trước khi mang thai là biện pháp tối ưu để tránh căn bệnh quái ác này.
4.2. Khoảng từ tuần 13 đến tuần 20 đầu thai kỳ
Bước sang tam cá nguyệt thứ hai, có thể thai nhi ổn định và bước vào giai đoạn phát triển nhanh. Thêm vào đó, do không còn ốm nghén nên khả năng miễn dịch của mẹ từ tuần thứ 13 sẽ tốt hơn. Chính vì hai lý do trên, nếu bà bầu mắc Rubella trong khoảng từ tuần 13 đến 20, nguy cơ thai nhi bị nhiễm virus và gặp phải tình trạng CRS sẽ thấp hơn giai đoạn 12 tuần đầu thai kỳ.
4.3. Sau tuần thứ 20 của thai kỳ
Từ sau tuần thứ 20, khả năng tự miễn dịch của thai nhi tốt lên đáng kể. Chính vì vậy nếu mẹ không may phơi nhiễm Rubella, nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh đối với thai nhi là nhất nhỏ.
5. Cách xử lý khi bà bầu nhiễm Rubella khi mang thai
Rubella khi mang thai rất nguy hiểm trong 3 tháng đầu khi thai nhi ở dạng phôi. Trước tuần thứ 12 nguy cơ virus lây sang cho thai nhi lên đến 80%; trước tuần thứ 11, nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) lên đến 90%. Tuy vậy, do bệnh Rubella chưa có thuốc đặc trị, nên mẹ bầu cần tập trung bổ sung đủ chất, nghỉ ngơi để tăng cường sức khỏe và sử dụng một số thuốc đặc trị để giảm thiểu rủi ro hội chứng rubella bẩm sinh xảy ra. Phương pháp điều trị cụ thể là:
- Tập trung ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Chú trọng bổ sung các dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn mang thai để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra cần bổ sung nước để giúp người bệnh nhanh khỏi bệnh.
- Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu đối phó với virus Rubella dành cho phụ nữ mang thai. Hãy dùng thuốc theo đúng chỉ thị của bác sĩ để giảm nguy cơ lây nhiễm virus sang thai nhi và hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) xảy ra.
- Ngoài thuốc đặc hiệu, thai phụ có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để giảm triệu chứng khó chịu do hạch, đau khớp gây ra. Điều lưu ý là không được lạm dụng thuốc giảm đau bởi rất dễ gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
- Sử dụng các loại kem bôi đặc trị để giảm ngứa do ban đỏ Rubella gây ra. Tuyệt đối không được gãi bởi khi ban đỏ bị tổn thương nó sẽ để lại sẹo thâm vĩnh viễn.
- Thai phụ cần ở phòng riêng và không tiếp xúc với người xung quanh để tránh lây nhiễm chéo. Không gian cách ly của người bệnh cần thông thoáng và phải vệ sinh sạch sẽ. Khi chăm sóc bệnh nhân cần chú ý đeo khẩu trang, khử khuẩn để tránh phơi nhiễm.
6. Cách phòng ngừa Rubella ở phụ nữ mang thai
Nguy cơ và hệ lụy gây ra cho thai nhi nếu mẹ mắc Rubella khi mang thai là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, virus này có thể được ngăn chặn nếu như bà bầu có biện pháp phòng ngừa phù hợp. Dưới đây là những biện pháp phòng tránh hiệu quả với virus Rubella:
6.1. Tiêm phòng trước khi mang thai
Khi có kế hoạch sinh con, ngoài việc chuẩn bị về tâm lý, công việc, tài chính thì một cơ thể khỏe mạnh đủ miễn dịch với Rubella là một vấn đề vô cùng quan trọng. Do vậy, tiêm phòng trước khi mang thai biện pháp tốt nhất để bảo vệ thai phụ và bảo đảm một tương lai tốt đẹp cho thai nhi. Một số vấn đề khi tiêm phòng cần lưu ý đó là:
- Trước khi tiêm phòng, bà bầu có thể xét nghiệm huyết thanh để kiểm tra miễn dịch nếu không nhớ đã tiêm phòng hay chưa. Ngoài ra cần kiểm tra chính xác xem mình có mang thai hay không.
- Vắc xin phòng Rubella phổ biến sử dụng hiện nay là loại vắc xin phòng bệnh sởi – quai bị – rubella. Liều lượng là 01 mũi tiêm duy nhất. Thời điểm tiêm vắc xin tối thiểu trước 1 tháng và tốt nhất trước 3 tháng khi mang thai.
- Trường hợp phát hiện mang thai khi tiêm phòng chưa được 1 tháng, mẹ bầu cần gặp các bác sĩ sản khoa để kiểm tra, theo dõi và được tư vấn chăm sóc phù hợp.
6.2. Vệ sinh môi trường sạch sẽ
Thường vào thời điểm đông xuân, virus Rubella sinh sôi, phát triển mạnh trong không khí và xâm nhập ủ bệnh trong cơ thể. Do vậy, vệ sinh môi trường sạch sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự tồn tại của virus Rubella. Bên cạnh đó, việc vệ sinh môi trường cũng giúp ngăn chặn các dịch bệnh có nguồn gốc từ các loại virus khác.
6.3. Nâng cao thể lực bằng cách tập thể dục thể thao
Cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt là vũ khí để chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn gây bệnh. Muốn có sức đề kháng tốt ngoài chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi khoa học thì luyện tập thể thao là một trong những biện pháp rất hiệu quả. Ngoài việc có một thân hình đẹp, tập thể dục thể thao hàng ngày còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng giúp chống lại sự xâm nhập của virus Rubella. Thông qua đây chị em sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch mang thai của mình.
Đối với những phụ nữ đã mang thai, chị em cần áp dụng các bài tập thể dục phù hợp với từng giai đoạn của thai kỳ, để vừa có sức khỏe vừa không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
6.4. Hạn chế tiếp xúc với những bệnh nhân mắc Rubella
Rubella lây nhiễm từ người sang người thông qua đường hô hấp. Người lành sẽ bị phơi nhiễm virus nếu tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch nhầy của người bệnh. Do đó hạn chế tiếp xúc với người bệnh Rubella là khuyến cáo để tránh Rubella trở thành dịch bệnh lớn. Riêng đối với phụ nữ mang thai, cần tuyệt đối không tiếp xúc với bệnh nhân Rubella để tránh phơi nhiễm và để lại những hậu quả đáng tiếc.
6.5. Khám, xét nghiệm Rubella
Tiêm chủng cùng với khám, xét nghiệm Rubella trước và trong khi mang thai là hai biện pháp hiệu quả để phòng bệnh. Một số vấn đề lưu ý khi khám xét nghiệm virus Rubella như sau:
Phương pháp đang được áp dụng hiện nay là xét nghiệm định lượng Rubella IgM và IgG. Nếu như trong máu đã có tồn tại IgG thì tức là chị em đã có miễn dịch và không phải lo lắng với phơi nhiễm Rubella và chị em hoàn toàn yên tâm khi mang thai.
Đối với những bà bầu chưa từng mắc hoặc chưa từng tiêm phòng Rubella việc xét nghiệm nên được thực hiện ở tuần thứ 7 đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Lúc này căn cứ vào định lượng IgM và IgG để xác định tình trạng:
- Nếu kết quả xét nghiệm là IgM âm tính và IgG dương tính thì chứng tỏ bạn đã từng nhiễm Rubella tối thiểu 10 tuần trước khi xét nghiệm.
- Trường hợp xét nghiệm lần 1 IgG âm tính nhưng dương tính sau xét nghiệm lần 2 thì chứng tỏ bạn đã nhiễm hoặc đã được tiêm phòng.
- Nếu IgG dương tính và IgG tăng lên sau xét nghiệm 1 tuần thì bệnh nhân đang mắc Rubella cấp tính.
Trường hợp nồng độ IgM dương tính, IgG âm tính thì người bệnh mới bị phơi nhiễm Rubella. Nguyên nhân là do mới phơi nhiễm nên trong máu chỉ có kháng thể IgM. Người bệnh cần làm xét nghiệm sau 2 tuần nếu IgM vẫn dương tính và IgG xuất hiện trong máu thì chắc chắn thai phụ đã nhiễm virus rubella. Trường hợp xét nghiệm lần 2 IgM vẫn dương tính, IgG âm tính thì kết quả xét nghiệm IgM không đặc hiệu.
Trường hợp IgM dương tính, IgG dương tính: Đây là trường hợp rất hiếm gặp. Nhiều khả năng là dương tính giả do bà bầu bị mới bị nhiễm một loại siêu vi. Thông thường thai phụ cần xét nghiệm từ 2 đến 3 lần IgM và IgG để xác định chính xác.
Trường hợp IgM âm tính và IgG âm tính có thể thai phụ chưa từng bị nhiễm Rubella và sẽ có nguy cơ phơi nhiễm loại virus này. Thai phụ cần phải chú ý các biện pháp phòng tránh và bảo hộ để tránh phơi nhiễm. Đối với trường hợp này, sau hai tuần thai phụ cần làm xét nghiệm lại để tránh trường hợp kháng thể IgM và IgG chưa được tạo ra do Rubella đang trong thời gian ủ bệnh.
Nói tóm lại, để tránh trường hợp mắc Rubella khi mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có kế hoạch sinh con cần đi kiểm tra sức khỏe tiền sinh sản, đặc biệt cần tiêm vắc xin Rubella đúng liều lượng và thời gian để chuẩn bị cho một thai kỳ thuận lợi và phát triển tốt nhất.
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn