Lâu nay, nhiều người vẫn quan niệm rằng suy giảm trí nhớ là dấu hiệu tuổi già. Vì quan niệm này mà suy giảm trí nhớ ít được quan tâm tại các nước đang phát triển.
Theo báo cáo tại hội thảo Sa sút trí tuệ trong thực hành y khoa của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh kết hợp với Công ty Dược phẩm Janssen-cilag tổ chức vừa qua, khoảng 50% người bị suy giảm trí nhớ sẽ chuyển sang thành bệnh sa sút trí tuệ 3 năm sau đó.
Sa sút trí tuệ là tình trạng suy giảm mức trí tuệ đã đạt được từ trước. Bệnh nhân sẽ bị suy giảm trí nhớ, khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động… ảnh hưởng nặng nề đến chức năng và chất lượng cuộc sống.
Quá trình phát triển của hệ thần kinh từ trong phôi thai đến năm 25 tuổi thì hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này, mỗi ngày khoảng 3.000 nơron thần kinh bị hủy đi mà không có sự sinh sản thêm. Càng lớn tuổi, cơ thể càng ít tạo ra các chất trung gian cần thiết cho não hoạt động. Vì vậy, bước vào tuổi trung niên bạn đã có thể phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ. Nguyên nhân do tình trạng lão hóa nhanh của các tế bào thần kinh, môi trường sống, stress, thiếu một số chất quan trọng trong cơ thể…
Biểu hiện của chứng suy giảm trí nhớ
* Các dấu hiệu biểu hiện suy giảm trí nhớ do tuổi: Có các biểu hiện khó nhớ tên người mới gặp, quên một việc vừa dự định làm. Tuy nhiên, những kinh nghiệm và kiến thức thì ít bị ảnh hưởng, người ta vẫn nhớ được những sự kiện đã xảy ra từ rất lâu.
* Các dấu hiệu biểu hiện suy giảm trí nhớ do bệnh lý:
– Quên cách sử dụng những đồ vật đã từng dùng rất thường xuyên.
– Gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận các thông tin mới.
– Hay lặp lại một câu hoặc một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện.
– Gặp khó khăn trong việc giữ tiền.
– Không thể giữ nếp sống sinh hoạt thường ngày.
Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên giúp phát hiện sớm triệu chứng suy giảm trí nhớ ở người thân. Ở hình thức nhẹ, bệnh nhân có biểu hiện than phiền về tính đãng trí của mình, trí nhớ có giảm so với tuổi mặc dù nhận thức và hoạt động đời sống vẫn bình thường. Ở mức nhẹ sẽ không sa sút về trí tuệ.
Phòng ngừa
Để đối phó với tình trạng suy giảm trí nhớ, ta phải thường xuyên hoạt động trí não, sống trật tự, có phương pháp, việc nào ra việc ấy, luôn đọc sách, giao tiếp xã hội, luyện trí nhớ… Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt để duy trì khả năng tư duy vì nó thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho não.
Trong thực đơn hằng ngày, nên tránh uống rượu vì rượu làm tăng nguy cơ nhũn não. Để duy trì trí nhớ, người cao tuổi còn phải thực hiện một chế độ dinh dưỡng đa dạng, giàu chất sắt và các nguyên tố vi lượng cần thiết như phốtpho, kẽm, vitamin nhóm B, các loại dầu thực vật.
Giới trẻ nên tăng khẩu phần đạm trong bữa ăn (khoảng 300 gam/ngày) lấy từ thịt, cá, trứng, sữa… để “chăm sóc” cho các nơron thần kinh. Các loại đậu, mè, trứng chứa nhiều cholin (tiền chất tạo ra acetylcholin), acid béo thiết yếu như linoleic, arachidonic (từ dầu, mỡ, đậu nành, đậu phộng), vitamin E, B1, B6, PP, acid folic (trong rau quả tươi)… rất cần thiết cho trí não.
Điều trị
Với loại suy giảm trí nhớ do tuổi tác thì không phải dùng thuốc, vì đây là một tiến trình tự nhiên của lão hóa. Cần áp dụng một số biện pháp làm giảm ảnh hưởng của việc suy giảm trí nhớ trong sinh hoạt ngày thường và rèn luyện hoạt động trí não.
Nên liệt kê danh sách những việc cần làm, lập thời gian biểu cho công việc hằng ngày để có một cuộc sống ngăn nắp, nề nếp, xây dựng những nguyên tắc trong sinh hoạt…
Với những bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý thì cần được điều trị theo sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa với các loại thuốc có hỗ trợ thần kinh, thuốc ức chế men acetylcholinesterase làm quá trình nhớ dễ dàng hơn…
Theo TNO
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn