Bệnh tai biến ở người già – Mối đe dọa khôn lường từ tuổi tác

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
12 Tháng mười 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
3434

Có thể nói người già là đối tượng có tỉ lệ bị tai biến cao nhất trong các nhóm tuổi khác. Ngoài nguyên nhân đến từ tuổi tác, xong vẫn còn những yếu tố khác dẫn đến tình trạng này. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu thường gặp của bệnh tai biến ở người già và cách chăm sóc, ngăn ngừa tai biến trong bài viết dưới đây.

Những điều cần biết về bệnh tai biến ở người già
Những điều cần biết về bệnh tai biến ở người già

1. Tai biến ở người già là bệnh lý như thế nào?

Tai biến hay đột quỵ là tổn thương nguy hiểm ở não do mạch máu não bị vỡ gây chảy máu vào nhu mô hoặc tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu máu lên não. Hai tình trạng này đều làm ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng và hoạt động của hệ thần kinh não bộ. Bệnh có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng người già là đối tượng có nhiều yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến khởi phát cơn tai biến mạch máu não hơn so với người trẻ. Khi cơn tai biến mạch máu não thực sự xảy ra, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả sẽ dẫn đến phù não, tụ máu và gây tổn thương các tế bào não xung quanh. Người bệnh có thể bị mất ý thức tạm thời nếu không cấp cứu ngay hay bỏ lỡ thời điểm vàng (cấp cứu sau 3 – 4,5 tiếng) thì có thể dẫn đến tàn phế vĩnh viễn thậm chí bị tử vong. Tai biến mạch máu não chia thành 2 dạng là tai biến nhẹ và tai biến nặng dựa vào mức độ của bệnh. Trong đó tai biến nhẹ là tình trạng mạch máu não bị vỡ hoặc tắc nghẽn ở gần vỏ não, vùng não lân cận ít chức năng nên thường ít nguy hiểm hơn so với tai biến nặng. Tai biến nặng là trường hợp mạch máu não bị vỡ nằm sâu trong não, ở vị trí quan trọng và phức tạp, ổ xuất huyết lớn, lượng máu chảy nhiều.

2. Nguyên nhân gây tai biến mạch não ở người già

Người già thường bị tai biến do 5 nguyên nhân sau:

2.1. Xơ vữa động mạch

Người già bị tai biến do xơ vữa động mạch
Người già bị tai biến do xơ vữa động mạch

Nguyên nhân này xảy ra do tình trạng động mạch bị xơ cứng và nhỏ hẹp hơn bình thường. Sự đông cứng và các mảng xơ này sẽ làm cho mạch máu ngày càng co lại, máu sẽ không thể lưu thông như bình thường tuần hoàn khắp cơ thể. Máu không thể lưu thông lâu ngày sẽ tạo thành các cục máu đông và sẽ vẫn tiếp tục lưu thông như trước, tức là cục máu đông sẽ chạy dần lên não gây tắc nghẽn dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não ở người già.

2.2. Dị dạng mạch máu não

Đây là hiện tượng mà các mạch máu trở nên bất thường, rối loạn trong não, gây chảy máu não và có thể khiến gây tử vong đột ngột. Dị dạng mạch máu não thường phát triển âm thầm, các mạch máu ngày càng biến dạng và yếu đi. Khi người già stress, lo lắng, sợ hãi quá mức… là tác động mạnh gây căng vỡ mạch gây ra tình trạng xuất huyết não.

2.3. Huyết áp cao

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tai biến mạch máu não, nên người bị cao huyết áp thường có nguy cơ bị tai biến cao gấp 3-4 lần so với người bình thường. Huyết áp cao là sự tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch khiến cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương nhất định. Đồng thời khi áp lực dòng máu đột ngột tăng cao sẽ làm cho mạch máu bị vỡ ra gây vỡ mạch máu não.

Người già bị cao huyết áp rất dễ mắc tai biến mạch máu não
Người già bị cao huyết áp rất dễ mắc tai biến mạch máu não

Với những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, nhưng khi huyết áp tăng cao đi kèm rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol sẽ làm cho thành mạch bị dày lên, làm hẹp lòng mạch, khiến máu khó lưu thông đến nuôi dưỡng tế bào não gây tai biến mạch máu não.

2.4. Bệnh tim

Các bệnh lý tim mạch như u nhày nhĩ trái, rung nhĩ, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn… cũng có thể là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não ở người già. Những cục máu đông từ buồng tim rụng ra khi gặp tác động mạnh trôi theo dòng máu lên động mạch cảnh làm tắc dòng máu lên não, gây ra đột quỵ do nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não.

2.5. Bệnh tiểu đường

Bệnh lý này sẽ làm cho quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn ở người bệnh tiểu đường so với người bình thường, nên sẽ thúc đẩy việc hình thành các cục máu đông, dần dần các cục máu đông này sẽ tiến tới hệ thần kinh và chặn đường máu lên não, gây nên vỡ thành mạch máu, đột quỵ hay nguy hiểm hơn nữa là tử vong.

3. Các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở người già

Các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở người già
Các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở người già

Triệu chứng tai biến thường xảy ra đột ngột với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện:

  • Đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, buồn nôn…
  • Đột ngột xuất hiện cảm giác tê mặt, tay chân một bên hoặc liệt nửa người.
  • Đột ngột nói đớ, nói khó khăn hoặc nói lẫn lộn.
  • Đột ngột thấy mắt mờ hoặc không nhìn thấy hoặc nhìn đôi.
  • Đi tiểu không tự chủ.
  • Mất ý thức: Người bệnh đột ngột lú lẫn không biết gì, khó đánh thức hoặc đột ngột hôn mê, đôi khi tử vong.

Một số trường hợp, người bệnh chỉ bị đột quỵ nhẹ hoặc những triệu chứng trên có thể xảy ra nhưng sau đó biến mất trong vòng 24 giờ. Tình trạng này được gọi là “cơn thoáng thiếu máu não”. Thiếu máu não thoáng qua là những dấu hiệu báo trước sắp xảy ra một cơn đột quỵ nặng thực sự. Do đó mà người bệnh chớ chủ quan, cần đến khám bác sĩ để được điều trị triệt để nhằm phòng tránh mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trong tương lai.

4. Cách xử lý bệnh tai biến ở người già

Các biện pháp xử lý bệnh tai biến ở người già
Các biện pháp xử lý bệnh tai biến ở người già

Khi thấy một người già có các triệu chứng kể trên thì nên đỡ người bệnh để không bị té ngã và đặt nằm xuống chỗ thoáng khí.

  • Nếu người bệnh nôn ói hoặc lơ mơ thì phải đặt nghiêng đầu sang một bên, lau sạch chất ói hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.
  • Không cạo gió, chích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà người bệnh thường uống).
  • Tuyệt đối không vắt chanh hay cho bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh.
  • Gọi cấp cứu hoặc dùng phương tiện cá nhân nhanh chóng đưa tới bệnh viện gần nhất. Tốt nhất là đưa người bệnh đi cấp cứu ở tư thế nằm.
  • Đừng để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.

5. Phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não ở người cao tuổi

Các biện pháp phòng ngừa bệnh tai biến ở người cao tuổi
Các biện pháp phòng ngừa bệnh tai biến ở người cao tuổi

Để có thể phòng ngừa bệnh tai biến ở người cao tuổi thì nên:

  • Kiểm soát cholesterol trong máu: Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần, bao gồm cholesterol toàn phần, LDL-C, triglycerid và HDL-C. Mục tiêu là LDL-C dưới 2,6 mmol/l (100mg/dl), triglycerid dưới 2,3 mmol/l (200 mg/dl) và HDL-C bằng hoặc trên 1,0mmol/l (40mg/dl).
  • Người cao tuổi nên tăng cường vận động, tham gia các hoạt động thể dục, thể thao phù hợp, vừa sức như tập dưỡng sinh, yoga, đi bộ…
  • Không lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia…
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh lý nếu có.
  • Chú ý không ăn nhiều mỡ, chất ngọt, tinh bột,  hạn chế ăn mặn, muối, nên ăn nhiều rau, củ, quả, bổ sung vitamin… để kiểm soát tốt trị số huyết áp dưới 140/90mmHg.
  • Cần kiểm soát cân nặng, đường huyết, tránh tăng cân, béo phì.
  • Tránh stress, xúc động hay chấn thương tâm lý…
  • Đi ngủ đúng giờ, tránh thức khuya quá, duy trì giấc ngủ 7 tiếng/ngày.

Tai biến là một căn bệnh nguy hiểm, xong đối với người già thì đây chính xác là một nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội ngày nay cũng như tiến bộ của y học thì bệnh tai biến ở người già hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa hiệu quả bằng cách thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh kết hợp sử dụng sản phẩm hỗ trợ tốt nhất.

>> Xem thêm: [Giải đáp] Người bị tai biến sống được bao lâu?

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.