Phù nề não, viêm phổi, đau tim, trầm cảm… là các biến chứng nguy hiểm người bệnh có thể phải đối mặt sau khi bị đột quỵ. Tùy theo tình trạng đột quỵ cũng như nguyên nhân thiếu máu hay chảy máu não và thời gian được cấp cứu, người bệnh có thể gặp các biến chứng đột quỵ khác nhau.
1. Đột quỵ là gì?
Đột quỵ được hiểu đơn giản là tình trạng não bị tổn thương do quá trình cấp máu bị gián đoạn hoặc giảm khiến não bị thiếu oxy cũng như không đủ dưỡng chất cần thiết để nuôi não bộ. Trong vòng vài phút, nếu não bộ không được cung cấp đầy đủ máu thì các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Vậy nên, đối với những bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian cấp cứu là yếu tố then chốt quyết định những biến chứng có thể gặp sau khi đột quỵ. Bởi thời gian cấp cứu càng lâu thì số lượng các tế bào não chết càng nhiều và càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng vận động, tư duy… hay thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
2. Các dấu hiệu đột quỵ
Triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ có thể nhận thấy dễ dàng:
- Méo miệng, đặc biệt rõ hơn khi nói hoặc cười.
- Đột ngột bị yếu liệt một bên chi hoặc nửa người, đứng không vững.
- Buồn nôn, nôn, hoa mắt, chóng mặt, toát mồ hôi, đau đầu.
- Nói năng không thành câu, ú ớ, nói chậm, khó nói.
- …
3. Các biến chứng có thể gặp sau đột quỵ
Một số biến chứng bệnh nhân có thể gặp sau khi bị đột quỵ.
3.1. Phù nề não
Biến chứng đầu tiên người bệnh có thể gặp phải đó chính là phù nề não. Đây được hiểu là tình trạng não sưng phù ở bên trong hộp sọ dẫn đến ảnh hưởng của dòng chảy oxy và máu lên não. Biến chứng này có thể gây ra tình trạng tụt não làm bệnh nhân có khả năng tử vong cao hơn nên cần cấp cứu gấp.
3.2. Viêm phổi
Do sau khi đột quỵ, người bệnh cần nằm lâu một chỗ để theo dõi kèm theo tai biến nên dễ có hiện tượng nuốt sặc khiến thức ăn vào phổi và gây ra viêm phổi. Tình trạng này rất dễ nhận biết thông qua một số biểu hiện như: khó thở, ho có đờm, sốt, ớn lạnh… Đây được coi một trong những biến chứng đột quỵ thường thấy.
3.3. Đau tim
Theo một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có đến 50% các trường hợp đột quỵ có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch, gia tăng nguy cơ đau tim sau đột quỵ bởi cơ thể vẫn tồn tại các mảng xơ vữa.
3.4. Trầm cảm
Bên cạnh những biến chứng về thể chất, người bị đột quỵ cũng có thể gặp các biến chứng liên quan đến sức khỏe tinh thần dẫn đến trầm cảm. Một số triệu chứng của người trầm cảm sau đột quỵ mà người nhà, người chăm sóc thể cảm nhận được rõ nhất đó là: luôn cảm thấy trống rỗng, buồn bã, hoặc lo lắng trong thời gian dài (khoảng hơn 2 tuần), không có hứng thú với các hoạt động hàng ngày, cảm thấy bản thân vô dụng, cơ thể không còn năng lượng… Nhiều trường hợp bệnh nhân sau đột quỵ còn cảm thấy muốn tự tử.
3.5. Loét do tỳ đè (thời gian nằm liệt giường kéo dài)
Các trường hợp sau động kinh, bệnh nhân thường phải nằm lâu do mất khả năng vận động. Tình trạng nằm lâu trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến các cơ quan bị tì đè bị viêm loét.
3.6. Động kinh
Biến chứng tiếp theo mà bệnh nhân có thể gặp sau khi đột quỵ đó chính là động kinh. Bởi đột quỵ có thể làm tổn thương các tế bào não, dẫn đến tình trạng động kinh, co giật. Hiện tượng co giật do động kinh cũng có thể làm thiết oxy vào não và làm não bị tổn thương nhiều hơn.
3.7. Rối loạn thị giác
Với những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ, người bệnh có thể gặp các biến chứng liên quan đến rối loạn thị giác với các biểu hiện như: giảm thị lực ở một mặt hoặc thậm chí là cả hai mắt.
3.8. Co cứng chi
Biến chứng co cứng chi cũng là một trong những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân bị đột quỵ. Các cơ tay, chân sẽ bị rút ngắn, co cứng khiến người bệnh cảm thấy đau đớn cũng như mất khả năng vận động. Vậy nên, ngay sau ổn định nội khoa, người bệnh cần nhanh chóng luyện tập.
>> Xem thêm: Đột quỵ liệt nửa người điều trị như thế nào?
3.9. Nghẽn mạch máu
Các bệnh nhân đột quỵ có thể bị mất khả năng vận động hoặc hạn chế vận động sau khi bị đột quỵ. Tình trạng này sẽ khiến cơ thể hình thành các cục máu đông trong tĩnh mạch chân.
3.10. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Biến chứng tiếp theo mà các bệnh nhân đột quỵ thường mắc phải đó chính là nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng để nhận biết người bệnh đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu đó là: nước tiểu đục, tiểu ra máu, khi người bệnh đi tiểu có cảm giác đau rát, đau vùng bụng dưới hoặc có cảm giác chuột rút ở vùng bụng dưới…
3.11. Giảm nhận thức
Một trong những biến chứng nặng nề nhất của đột quỵ đó chính là sự suy giảm nhận thức dẫn đến sa sút trí tuệ. Khi bị giảm nhận thức, người bệnh sẽ có một số biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không được tỉnh táo, mất khả năng định hướng cả không gian lẫn thời gian, nhiều lúc không nhận biết được người thân trong gia đình, hoặc không hiểu được lời nói của người khác.
3.12. Mất chức năng ngôn ngữ đột ngột
Biến chứng này được hiểu là mất khả năng hiểu và tạo các tín hiệu ngôn ngữ do não đang bị tổn thương. Theo một thống kê đã chỉ ra rằng, có đến 85% các trường hợp mất ngôn ngữ là do tai biến mạch não bán cầu trái. Người bị mất chức năng ngôn ngữ được phân ra thành các nhóm như: rối loạn khả năng hiểu, rối loạn khả năng diễn đạt ngôn ngữ hoặc phối hợp. Khi gặp biến chứng này, người bệnh cần được đánh giá và lên kế hoạch điều trị bởi các chuyên gia âm ngữ trị liệu.
4. Phòng ngừa đột quỵ
Bạn có thể giảm nguy cơ đột quỵ bằng việc thay đổi các thói quen dưới đây:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đảm bảo cân bằng hàm lượng với các nhóm chất là protein, chất béo, tinh bột, khoáng chất và vitamin.
- Ưu tiên sử dụng các loại rau củ, hoa quả tươi sạch để bổ sung dưỡng chất tốt cho hệ thống mạch máu của cơ thể và tăng cường quá trình lưu thông máu.
- Sử dụng cá chứa nhiều omega-3 và các chất béo không no nhằm giảm thành phần cholesterol xấu trong máu, giảm xơ vữa mạch hay quá trình hình thành các cục máu đông.
- Ngủ đủ giấc, không thức khuya. Không nên uống cà phê hoặc trà vào buổi chiều tối vì có thể gây khó ngủ.
- Tập thể dục nhiều hơn: Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì đi thang máy ít nhất 5 ngày/ tuần. Nếu không liên tục tập thể dục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ ra thanh 10-15 phút/ lần và 2-3 lần/ngày.
- Hạn chế uống rượu bia và đồ uống có cồn khác.
- Không hút thuốc lá, nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn cách thích hợp. Ví dụ như sử dụng các sản phẩm cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán.
Ở trên là một số những biến chứng có thể gặp ở những bệnh nhân sau đột quỵ. Tùy vào thể trạng của mỗi bệnh nhân mà dấu hiệu cũng như các biến chứng sau đột quỵ cũng sẽ khác nhau.
>> Xem thêm: Các dạng đột quỵ phổ biến hiện nay bạn cần biết để phòng tránh
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn