LOÃNG XƯƠNG
Phần 4: Điều trị loãng xương
Các biện pháp không dùng thuốc
– Thể dục thể thao, hoạt động thể lực rất quan trọng đối với việc củng cố chất lượng bộ xương. Cần duy trì các bài tập thể dục thông thường có chịu đựng sức nặng của cơ thể (đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ, tennis…), các bài tập tăng sức mạnh của cơ (bài tập kháng lực, nhấc vật nặng, cử tạ…) nếu không có chống chỉ định (lưu ý là bơi không có tác dụng phòng chống loãng xương).
– Cần đảm bảo chế độ ăn giầu calci, các vitamin và khoáng chất trong suốt cuộc đời, kể từ khi còn nằm trong bụng mẹ, thời niên thiếu và bất kỳ lứa tuổi nào. Nếu cần thiết có thể bổ sung calci, vitamin D, vitamin K2 dưới dạng thuốc. Tránh hút thuốc là và uống rượu.
– Các trường hợp có nguy cơ loãng xương cần tránh ngã, hoạt động thể lực mạnh.
– Khi đã biến dạng cột sống (gù, vẹo), cần đeo thắt lưng cố định cột sống để trợ giúp cột sống.
Điều trị thuốc
Chỉ định điều trị nhằm giảm nguy cơ gãy xương
Các đối tượng sau cần được chỉ định điều trị nhằm giảm nguy cơ gãy xương:
– Phụ nữ có T-score <-2, không có yếu tố nguy cơ
– Phụ nữ có T-score <-1,5, có yếu tố nguy cơ
– Phụ nữ > 65 tuổi, có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên điều trị ngay, có thể không cần đo BMD.
– Phụ nữ mãn kinh có gãy xương.
Các nhóm thuốc chống loãng xương
– Kết hợp calci và vitamin D3: trong mọi phác đồ phải cung cấp đủ calci trung bình 1g/ ngày. Nếu chế độ ăn không đủ cần cung cấp calci dưới dạng thuốc. Người nhiều tuổi nên uống kết hợp calci (1g/ ngày) và vitamin D3 (800 UI/ ngày).
– Nhóm biphosphonat: là nhóm có hoạt tính kháng hủy xương với sự giảm tiêu xương. Hiện được coi là nhóm thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị loãng xương. Khi chỉ số T-score ≤ 2,5 nên dùng nhóm biphosphonat. Hiện nay trên thị trường có các loại biphosphonat:
+ Foxamax 70mg (uống 1 viên/ tuần)
+ Foxamax Plus 70mg/2800UI (uống 1 viên/ tuần)
+ Actonel 35mg (uống 1 viên/ tuần)
Các thuốc này cần uống lúc đói, tốt nhất trước bữa ăn khoảng 30 phút và không được nằm sau uống thuốc ít nhất 30 phút để tránh trào ngược dạ dày thực quản.
+ Aclasta 5mg/100ml: mỗi năm truyền tĩnh mạch một lần trên cơ sở kết hợp 800UI vitamin D và 800 – 1200 mg calci mỗi ngày. Cách sử dụng Aclasta chai 5mg đóng 100ml dung dịch truyền, được dùng đường tĩnh mạch qua một dây truyền mở lỗ thông với tốc độ truyền hằng định. Thời gian truyền không được ít hơn 15 phút. Cần đảm bảo bệnh nhân không có giảm calci máu trước khi truyền, có thể cho uống bổ sung 800UI vitamin D và 800 – 1200mg calci vài ngày trước khi truyền Aclasta. Nên uống nhiều nước trước và sau khi truyền thuốc.
– Calcitonin: là thuốc chống loãng xương duy nhất có tác dụng giảm đau. Dạng thuốc: Miacalcic 50UI, Rocalcic 100UI tiêm bắp, ngày 1 ống.
Điều trị dự phòng
– Thực hiện lối sống và các biện pháp điều trị không dùng thuốc
– Các nội tiết tố: hiện nay được cho là chỉ có lợi ích về mặt sinh dục mà ít hiệu quả trong dự phòng mất xương sau mãn kinh.
+ Estrogen kèm progesteron được chỉ định với loãng xương sau mãn kinh (nếu bệnh nhân đã cắt tử cung thì chỉ cần dùng estrogen đơn độc).
+ Hormon tổng hợp: Tibolon (Livial 2,5mg), ngày uống 1 viên.
+ Nội tiết tố sinh dục nam: chỉ định dự phòng loãng xương ở nam giới.
Bs.Vũ Văn Lực
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Alexandre C. (1989), Osteoporose de l’adulte. EMC, Paris 14027 – 610.
- Trần Ngọc Ân (1999), “Bệnh loãng xương, bệnh thấp khớp”, NXB Y học, tr. 22 – 32.
- Avioli L.V. (1994), “Clinician’s manual on osteoporosis – 1994”, Science Rheumatology, London.
- Nguyễn Thị Ngọc Lan (2010), “Bệnh học cơ xương khớp nội khoa”, NXB Y học.
- Pongchaiyakul C, Apinyanurag c, Soontrapa S, Nguyen TV, Rajatanavin R. (2006), “Prevalence of osteoporosis in Thai men”, J Med Assoc Thai 89 (2): 160-9.
- Seeman E (1993), “Epidemiology and diagnosis of osteoporosis in men”, Proceeding of the 4th international symposium on osteoporsis and concensus development conference, pp. 186 – 189.
- Trần Đức Thọ (1998), “Bệnh loãng xương ở người có tuổi”, NXB Y học.
- Vũ Thị Thanh Thủy (1996), “Nghiên cứu một số nguy cơ lún đốt sống do loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh”, Luận án phó tiến sĩ y học, Trường đại học Y Hà Nội.
- World health organisation (1994), “Assessement of fracture risk and its application on screening for postmenopausal ostoporosis”, Geneva.
- Ngô Thị Mai Xuân (2007), “Nhận xét mật độ xương ở bệnh nhân nữ đái tháo đường týp 2 và các yếu tố liên quan”, Luận văn tốt nghiệp BSCK II, Trường đại học Y Hà Nội.
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn