Viêm họng là bệnh lý về đường hô hấp rất phổ biến, được chia thành nhiều dạng khác nhau. Việc tìm hiểu rõ cũng như phân biệt các loại viêm họng sẽ là chìa khóa rút ngắn thời gian và tăng hiệu quả điều trị bệnh. Dưới đây là 8 dạng viêm họng thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ.
1. Bệnh viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính thường gặp vào mùa lạnh hoặc thời điểm giao mùa. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt, nhưng hầu hết sẽ kèm với các bệnh viêm VA, viêm amidan, phát ban, cúm, sởi, bạch hầu, ho gà, vincent, tinh hồng nhiệt hoặc một số bệnh về máu.
Nếu viêm họng cấp do virus thì thường bệnh sẽ kéo dài trong 1 tuần, kèm các triệu chứng ớn lạnh toàn thân, mỏi người. Còn nếu nguyên nhân là do vi khuẩn thì các triệu chứng sẽ nặng nề hơn như sốt cao, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, có thể xuất hiện tình trạng hạch góc hàm sưng to gây đau hoặc viêm tấy hạch cổ.
Ngoài ra, viêm họng cấp có thể xuất hiện các biểu hiện khác như: sốt cao 39 – 40 độ, kèm cảm giác khô rát họng, khó nuốt, nuốt đau họng, khàn tiếng, ho khan….
2. Viêm họng mãn tính
Đây là tình trạng viêm lan rộng ở họng, thường phối hợp với các bệnh khác như viêm mũi, viêm xoang mãn tính, viêm thanh quản, khí quản, phế quản mãn tính. Với các biểu hiện như đau họng trong nhiều tuần liền, khó nuốt, nuốt thấy đau, cổ họng nóng ngứa, rát, vướng víu, ho khan, khàn giọng. Ngoài ra, còn có thể cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, toàn thân nhức mỏi.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng mãn tính chủ yếu do viêm mũi xoang mãn tính, nhất là viêm xoang sau. Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hơi hóa học, bụi xi măng, các chất kích thích như rượu, thuốc lá….hay các vấn đề cơ địa như dị ứng, suy gan, đái đường.
3. Viêm họng xung huyết
Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể không thích ứng kịp, gây suy giảm sức đề kháng và ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến nhiều người bị viêm họng xung huyết. Bệnh cũng thường gặp ở người suy gan, rối loạn nội tiết và dạ dày ruột.
Các triệu chứng điển hình của bệnh như cay nóng, ngứa họng, ho từng cơn, cơ ho thường xuất hiện khi bắt đầu ngủ. Đây là loại viêm họng nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm.
4. Viêm họng giả mạc
Nguyên nhân gây viêm họng giả mạc hay viêm họng bạch cầu là do cơ thể bị tác động bởi trực khuẩn Klebs – Loefler. Khi mắc bệnh vùng niêm mạc xuất hiện màng giả mạc với màu trắng, xám, dày, không bóc được, lan rộng xuống thanh quản, có thể gây biến chứng khó thở viêm thanh quản cấp. Bệnh xuất hiện ở cả người lớn và trẻ nhỏ, phần lớn là trẻ từ 2 – 7 tuổi.
Các triệu chứng điển hình khác có thể kể đến như: đau rát họng, ngạt mũi, cơ thể mệt mỏi, sốt cao trên 38,5 độ, chân tay lạnh, da tái xanh.
5. Viêm họng do liên cầu khuẩn
Vi khuẩn Streptococcus là tác nhân gây ra tình trạng đau rát họng.Thường gặp ở trẻ từ 5 – 15 tuổi và những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời bằng kháng sinh, thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm thận, viêm tai giữa cấp, áp xe amidan, sốt thấp khớp.
Người bệnh bị viêm họng do liên cầu khuẩn thường có dấu hiệu như đau rát cổ họng, sốt cao 39 – 40 độ C, đau đầu, toàn thân mệt mỏi, đau cứng các cơ, amidan bị viêm, sưng to, nôn mửa, khó nuốt, nuốt thấy đau.
6. Viêm họng do virus
Đây là tình trạng nhiễm trùng niêm mạc họng do sự tấn công của các chủng virus như virus sởi, cúm, adenovirus, coronavirus….và bùng phát mạnh khi thời tiết thay đổi hoặc khi chuyển lạnh.
Có thể nhận biết viêm họng do virus qua các triệu chứng như: sốt cao từ 39 – 40 độ, ăn ngủ kém, đau nhức cơ thể, họng khô nóng, đau rát, kho khan, khàn tiếng nhẹ, chảy nước mũi và ngạt mũi, niêm mạc họng sưng đỏ, phù nề và sung huyết, hạch dưới hàm và cổ sưng to.
Viêm họng do virus thường nhẹ và hầu hết không để lại biến chứng. Các dấu hiệu bệnh sẽ thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7 – 10 ngày dùng thuốc. Nếu viêm họng kéo dài, thì người bệnh có thể bị viêm amidan, phế quản, viêm họng mãn tính….
7. Viêm họng hạt
Viêm họng hạt hay viêm họng mãn tính quá phát, là dấu hiệu viêm họng mãn tính điển hình, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục, khiến niêm mạc bị sung huyết và xuất tiết liên tục, từ đó hình thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở thành sau họng. Bệnh thường gặp ở người bị viêm họng tái đi tái lại nhiều lần.
Các hạt này hình thành có thể do bị nhiễm trùng trong thời gian dài, khiến các nang lympho – các tác dụng bảo vệ cơ thể và các cơ quan hô hấp khỏi virus, vi khuẩn phải làm việc quá mức, dẫn đến tăng sản, hình thành các hạt nổi cộm trong niêm mạc họng.
Bệnh có các triệu chứng dễ nhận thấy như: thành họng có các hạt đỏ, hồng lồi ra, có cảm giác ngứa ngáy, khô họng, đau khi uống nước, nuốt thức ăn nước bọt.
8. Viêm họng trắng
Viêm họng trắng là hiện tượng niêm mạc phủ một lớp màu trắng, kèm các chấm mủ màu trắng hoặc vàng, có thể tách ra dễ dàng và đẩy ra khỏi cổ họng cùng với đờm và dịch nhầy. Trong trường hợp xuất hiện màng giả màu xám thì rất có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý khác như bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.
Viêm họng trắng còn có 2 thể khác là viêm họng mụn nước và viêm họng hecpet. Để điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, dùng thuốc kháng sinh. Nếu triệu chứng quá khó chịu, có thể dùng thêm thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là các loại viêm họng thường gặp nhất, hy vọng sẽ giúp bạn phân biệt rõ hơn các dạng bệnh, từ đó có hướng điều trị phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Để tránh tình trạng bệnh tái phát nhiều lần và chuyển sang giai đoạn mãn tính khó điều trị, thì khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm nhất.
Bài viết liên quan: Viêm họng cấp J02: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn