Phần 1: Bệnh loãng xương là gì ?
Phần 2: Các yếu tố ảnh hưởng đến mật độ xương
– Di truyền: người da đen ít bị loãng xương hơn người da trắng và người châu Á; người gầy và cao hay bị loãng xương hơn; một số trường hợp loãng xương có tính chất gia đình; khối lượng xương ở những cặp sinh đôi cùng trứng giống nhau nhiều hơn ở những cặp sinh đôi khác trứng. Gần đây, một số nghiên cứu dù chưa thống nhất, đã phân lập được gen cấu tạo cơ quan cảm thụ của 1 – 25 dihydroxyvitamin D3 (VDR). Các phân tích trên các cặp sinh đôi cũng cho thấy các phụ nữ man đồng hợp tử trội BB có MĐX thấp hơn loại đồng hợp tử lặn bb; còn loại dị hợp tử có MĐX trung gian giữa hai loại trên.
– Tuổi: tuổi càng cao, mật độ xương càng giảm, hiện tượng mất xương theo tuổi đời đã được nhiều tác giả nghiêu cứu chứng minh. Mật độ xương giảm dần theo tuổi và tỷ lệ gãy xương tăng theo tuổi, điều này do chức năng của tạo cốt bào suy giảm và suy giảm hấp thu calci ở ruột, giảm tái hấp thu calci ở ống thận. Tham gia vào quá trình hấp thu calci ở ruột có vai trò của chất 1-25 dihydroxycholecalciferol. Ở người già, nồng độ hydroxycholecalciferol (tiền chất của 1-25 dihydroxycholecalciferol) trong máu cũng giảm theo do chế độ dinh dưỡng, do giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
– Dinh dưỡng: chế độ ăn không đầy đủ calci sẽ ảnh hưởng đến sự đạt đỉnh khối lượng xương và sự mất xương sau này. Chế độ ăn nhiều phospho mà hàm lượng calci thấp không tương xứng cũng sẽ đưa đến giảm mật độ xương. Chế độ ăn thiếu protein đưa đến giảm khối lượng xương rõ rệt, ngược lại nếu cung cấp quá nhiều protein cũng dẫn đến mất xương do làm tăng mức lọc cầu thận, giảm tái hấp thu calci ở ống thận.
– Vận động: cần thiết để duy trì mô xương, giảm vận động ở người lớn tuổi cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến sự mất xương. Sự vận động của các cơ kích thích sự tạo xương và tăng khối lượng xương. Ngượi lại, sự giảm vận động dẫn tới mất xương nhanh.
– Cân nặng: trọng lượng cơ thể cũng ảnh hưởng tới mật độ xương. Nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có cân nặng thấp có mật độ xương giảm so với những người có cân nặng bình thường.
– Chiều cao: nhiều nghiên cứu thấy rằng chiều cao có ảnh hưởng đến mật độ xương. Theo Vũ Thị Thanh Thủy trong nghiên cứu một số yếu tố nguy cơ gây loãng xương ở phụ nữ mãn kinh tại khu vực Hà Nội cho thấy, chiều cao dưới 145 cm là yếu tố nguy cơ gây lún đốt sống do loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh [8].
– Hormon: có rất nhiều hormon trong cơ thể tác động đến quá trình chuyển hóa của xương.
+ Hormon cận giáp (parathyroid hormon – PTH): tác động chủ yếu trên quá trình tạo xương, PTH ức chế sự tổng hợp collagen hoặc chất căn bản của tạo cốt bào. Tuy nhiên, trên cơ thể người PTH có tác dụng kích thích sự tạo xương. Bên cạnh kích thích tạo xương, PTH còn có tác dụng kích thích hủy xương, đây là tác dụng gián tiếp bởi vì trên bề mặt của hủy cốt bào không có thụ thể cảm thụ với PTH.
+ Calcitonin (CT): tác dụng chủ yếu là ức chế quá trình hủy xương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình tạo xương.
+ Insulin: là hormon do tế bào β của tụy bài tiết. Vài trò chính của insulin là làm hạ đường huyết. Trên xương, insulin điều hòa sự hủy xương, kích thích tổng hợp chất căn bản của xương và sự tạo sụn. Insulin là yếu tố rất cần thiết cho sự khoáng hóa bình thường của xương, thiếu insulin sẽ làm quá trình khoáng hóa xương và sự phát triển của xương giảm.
+ Hormon tăng trưởng (GH): không có tác dụng trực tiếp lên hủy và tạo xương, nhưng nó có thể kích thích sự tổng hợp IGF1 (insulin like growth factor 1) của tế bào xương.
+ Glucocorticoid: có tác dụng rõ rệt lên chuyển hóa xương và chất khoáng của xương. Trong cơ thể nó kích thích sự hủy xương và có lẽ làm giảm sự hấp thu calci, tăng đào thải calci và phospho ở thận, ảnh hưởng đến chuyển hóa vitamin D và làm tăng PTH. Sử dụng glucocorticoid kéo dài sẽ ức chế tổng hợp collagen do làm giảm sự sao chép của tiền tạo cốt bào dẫn đến mất nhiều tạo cốt bào gây loãng xương.
+ Hormon sinh dục: ngày nay người ta đã biết rằng các hormon sinh dục giữ vai trò rất quan trọng trong sự trưởng thành của mô xương. Ảnh hưởng của androgen và estrogen trong việc phòng sự mất xương liên quan đến tuổi, đặc biệt với nữ giới trong giai đoạn mãn kinh. Trong cơ thể, estrogen có tác dụng ức chế hủy xương gián tiếp thông qua các hormon khác hoặc thông qua tác động của các yếu tố tăng trưởng tại chỗ. Một số nghiên cứu đã cho thấy trên bề mặt của tạo cốt bào có các thụ thể với estrogen và ảnh hưởng trực tiếp lên quá trình tạo xương. Ngoài ra, estrogen còn ảnh hưởng đến việc tạo ra các yếu tố tăng trưởng tại chỗ như IGF, cytokin, interleukin 1 tham gia vào quá trình tạo xương. Các hormon sinh dục nam và nữ (androgen và estrogen) cần thiết cho sự trưởng thành của mô xương và việc phòng ngừa mất xương theo tuổi. Ở nữ giới có sự thiếu hụt rất lớn lượng estrogen sau giai đoạn mãn kinh. Còn ở nam, tuổi càng cao thì lượng testosteron càng giảm do số tế bào Leydig bị giảm đi đáng kể. Ngoài việc giảm testosteron thì sự thiếu hụt estradiol cũng góp phần vào sự loãng xương ở nam giới.
+ Vitamin D (1,25 dihydroxy vitamin D3): chủ yếu được tổng hợp ở thận, có chức năng tương tự PTH. Vitamin D có tác dụng kích thích tủy xương và ức chế sự tổng hợp collagen hoạc chất căn bản của mô xương. Vitamin D rất cần thiết cho sự khoáng hóa bình thường của xương, mặc dù nó không kích thích trực tiếp lên sự tạo xương.
+ Các hormon tuyến giáp (thyroid hormones): rất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của xương, chúng tác động lên sự tạo sụn trong sự liên kết với IGF1. Ngoài ra các hormon này còn có tác dụng kích thích sự hủy xương. Các hormon tuyến giáp không giữ vai trò trong việc kích thích tổng hợp chấp căn bản của mô xương hoặc sự sao chép của các tạo cốt bào.
– Các vitamin và khoáng chất khác:
+ Vitamin C: cần thiết để xây dựng sợi collagen, thiếu vitamin C sự tạo chất tiền xương bị cản trở đến mức có thể gây loãng xương.
+ Phospho: thiếu phospho vì thiếu vitamin D hoặc nguyên nhân khác cản trở sự vô cơ hóa của chất tiền xương, cũng có thể sinh ra còi xương hoặc nhuyễn xương. Trong một vài điều kiện đặc biệt, thiếu phospho gây loãng xương do tăng hủy xương và giảm tạo xương.
+ Vitamin K: vitamin K1 có vai trong tổng hợp các yếu tố đông máu ở gan, còn vitamin K2 giúp gắn calci vào xương. Tác dụng này của vitamin K2 giúp cho xương chắc khỏe, đồng thời làm giảm calci trong máu, ngăn cản quá trình vôi hóa trong mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
– Các yếu tố khác: một số yếu tố như sử dụng một số thuốc (glucocorticoid, heparin…), uống rượu, hút thuốc lá, số lần sinh đẻ… đều có ảnh hưởng tới mật độ xương.
– Các bệnh lý ảnh hưởng tới loãng xương: cường giáp, cường cận giáp, Cushing, đái tháo đường, sau cắt dạ dày, ruột, rối loạn tiêu hóa kéo dài, suy thận, xơ gan, suy giáp, viêm khớp mạn tính….
Bs.Vũ Văn Lực
Mời các bạn đón đọc phần 3!
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn