Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh vô cùng nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng nên các bậc cha mẹ phải có cách chăm sóc trẻ tốt nhất giúp trẻ vượt qua giai đoạn bị bệnh nguy hiểm. Làm sao để nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết, cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà như thế nào?
1. Triệu chứng điển hình khi trẻ bị sốt xuất huyết
Ở từng giai đoạn của bệnh, trẻ sẽ có những dấu hiệu đặc trưng như:
1.1. Giai đoạn sốt
Giai đoạn đầu tiên khi bệnh sốt xuất huyết bắt đầu khởi phát, trẻ sẽ gặp hiện tượng trán nóng ran, sốt cao từ 39 đến 40 độ C trong 2 – 5 ngày đầu.
Ngoài ra, một số dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em khác mà phụ huynh cần lưu ý như:
- Sốt cao không thuyên giảm dù được chườm ấm và uống thuốc hạ sốt;
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, hắt hơi, sổ mũi;
- Xuất huyết dưới da: chảy máu mũi, phát ban, chảy máu chân răng, nổi phát ban, nổi mẩn trên da.
1.2. Giai đoạn nguy hiểm
Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện có thể gặp:
- Nề mi mắt, đau bụng, nôn, đau ngực, khó thở.
- Nếu nặng có thể có biểu hiện sốc: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, thân nhiệt có thể hạ đột ngột, tiểu ít.
- Chấm xuất huyết rải rác dưới da hoặc ban xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; có thể có ban dát ngứa.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn kỳ hạn. Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen/có máu), xuất huyết phổi, não là biểu hiện nặng.
1.3. Giai đoạn hồi phục
Trẻ đã hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, tiểu nhiều
2. Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị sốt xuất huyết
Mục tiêu của chăm sóc và theo dõi sốt xuất huyết tại nhà là phát hiện sớm trẻ bị bệnh, chăm sóc đúng và phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.
Tuy là chăm sóc tại nhà nhưng vẫn cần theo dõi 24/24 giờ nhiệt độ của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ ở nách hoặc hậu môn hay cặp bên khóe miệng cứ vài giờ một lần. Trong trường hợp dùng cặp nhiệt độ điện tử thì trước khi cặp cho trẻ nên cặp thử trên người bình thường để đánh giá tính xác thực của dụng cụ điện tử dùng đo thân nhiệt, nếu thấy sai lệch thì nên thay bằng nhiệt kế thủy ngân. Phải theo dõi sát vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6) trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Cần cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ chơi đùa nhiều và tránh mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ.
2.1. Sử dụng thuốc
Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì cho bé uống paracetamol với liều lượng từ 10 – 15mg/kg trọng lượng cơ thể, cách 6 giờ/lần cho tới khi hạ sốt. Tuyệt đối không được sử dụng thuốc hạ sốt như aspirin, ibuprofen… bởi thuốc gây rối loạn đông máu rất nguy hiểm đối với trẻ em.
Trường hợp thân nhiệt của trẻ trong khoảng 37 – 38,5 độ C thì không cần uống thuốc hạ sốt. Lúc này ba mẹ chỉ cần chườm, lau người cho bé bằng khăn ấm để hạ nhiệt.
Nếu trẻ sốt cao trên 39 độ thì cần bù nước để ngăn ngừa nguy cơ mất nước và điện giải. Ba mẹ có thể cho trẻ uống nhiều nước lọc hơn bình thường hoặc pha dung dịch oresol theo đúng liều lượng. Bên cạnh đó, có thể cho bé uống thêm nước cam, chanh tươi vừa giúp bổ sung nước và vi. Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn hoặc không chịu ăn, làm cho trẻ ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết. Cho trẻ uống từ từ vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.
Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh vì sốt xuất huyết là sốt do virus nên kháng sinh không có tác dụng
2.2. Về dinh dưỡng
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống các loại…kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.
Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho trẻ ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng tránh bị suy dinh dưỡng. Cần tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.
3. Những việc không nên làm khi chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết, ba mẹ cần lưu ý một số điều sau để giúp con mau khỏe.
- Không nên cạo gió cho trẻ vì sẽ làm bé bị đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng.
- Hạn chế cho trẻ ăn những thực phẩm có màu đỏ như thanh long đỏ, dưa hấu, củ dền,… vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ.
- Không tự ý truyền dịch cho trẻ, vì đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng khiến bệnh trở nặng, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.
- Tuyệt đối không được tự ý cho bé uống thuốc kháng sinh vì sốt xuất huyết là do virus gây ra, việc sử dụng kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả. Chỉ được dùng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ.
- Không cho bé tắm khi đang sốt.
4. Những dấu hiệu cảnh báo trẻ cần phải được nhập viện
Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, trẻ bắt đầu hạ sốt, tuy nhiên đây ba mẹ không nên chủ quan vì đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Nếu thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau đây thì cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện gần nhất để được điều trị, tránh các trường hợp xấu xảy ra.
- Trẻ nôn trớ, đau bụng,…
- Quấy khóc liên tục, rối loạn ý thức, lừ đừ, li bì, tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi.
- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
- Co giật, tím tái người, khó thở,…
5. Hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ
Phương pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở trẻ hiệu quả nhất hiện nay là tiêu diệt muỗi, bọ gậy ở xung quanh không gian sinh sống và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể:
- Giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ không gian sống và sinh hoạt để muỗi không có chỗ trú ngụ.
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn sạch các vật dụng có thể đọng nước mưa như lốp xe cũ, chén bát, thau chậu vỡ, chum vại không dùng đến…
- Đối với bể chứa nước cần được vệ sinh định kỳ, nuôi cá trong bể để bắt bọ gậy.
- Dọn dẹp các vũng nước đọng, kênh rạch, ao tù, bụi rậm… để không tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
- Cho bé ngủ trong màn để hạn chế bị muỗi đốt.
- Cho trẻ mặc trang phục kín khi đi ra ngoài, mắc màn khi ngủ, bôi kem chống muỗi, sử dụng tinh dầu, vợt muỗi để hạn chế bị muỗi đốt.
- Hạn chế thời gian vui chơi cho trẻ, đặc biệt tránh cho trẻ ra ngoài vào lúc hoàng hôn và rạng sáng, thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất.
- Không cho trẻ ở chung không gian với người đang bị sốt xuất huyết.
- Khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ sốt xuất huyết, hãy đi đến khám tại cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn