Chóng mặt là một trong những triệu chứng của rối loạn tiền đình ngoại biên. Nhân viên văn phòng dễ mắc bệnh này. Làm sao để khắc phục?
Tiền đình, nằm ở hai bên phía sau ốc tai, là một hệ thống có vài trò duy trì tư thế, dáng bộ, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.
Rối loạn tiền đình ngoại biên do tổn thương tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình. Rối loạn tiền đình trung ương do tổn thương nhân tiền đình hay các đường liên hệ của các dây thần kinh ở não, tiểu não. Trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập chứng chóng mặt, thường xuất hiện ở rối loạn tiền đình ngoại biên.
Chóng mặt là cảm nhận do ảo giác xuất phát từ thay đổi hệ thống thăng bằng của cơ thể. Thần kinh cao cấp tiếp nhận và điều chỉnh thăng bằng cơ thể trong không gian.
Tham gia quá trình này gồm có mắt, thần kinh tiền đình ốc tai, vỏ tiểu não và cảm nhận bản thể của chân khi đứng. Sự thay đổi không đồng bộ làm rối loạn chuỗi sinh hoá thể dịch thần kinh.
Chóng mặt làm cho người bênh có cảm giác mọi vật xung quanh quay tròn hoặc bản thân bị xoay. Cơn chóng mặt nhẹ kéo dài 15 – 20 giây, cơ thể sớm thích nghi. Cơn nặng kéo dài nhiều giờ, gây nôn, giảm thính lực, đau đầu, mệt mỏi…
Trẻ em có hệ thần kinh chưa hoàn chỉnh và phụ nữ mắc chứng này cao gấp đôi nam giới. Một số thống kê cho thấy phụ nữ trong giai đoạn có chu kỳ kinh nguyệt dễ chóng mặt hơn. Phải chăng quá trình thay đổi về nội tiết làm tăng sự nhạy cảm ở phụ nữ?
Những cách giúp hạn chế cơn chóng mặt
1. Phòng chống các kích thích gây chóng mặt: Dùng thuốc chống nôn trước khi đi tàu xe khoảng 15 phút. Chọn chỗ ngồi phía trước sẽ êm hơn, bạn cũng dễ nhìn cảnh vật để quên đi sự khó chịu. Không ăn quá no hoặc để quá đói.
Nếu hệ thống thăng bằng dễ bị kích thích, bạn nên thận trọng khi tham gia trò chơi làm thay đổi tư thế cơ thể như: tàu lượn, vượt thác…
2. Tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc tiếp xúc với chất dị ứng, những mùi lạ gây kích thích. Thận trọng khi dùng thuốc ảnh hưởng đến tiền đình.
3. Chọn nghề phù hợp để tránh tai nạn khi bạn hay chóng mặt. Tránh chọn công việc phi công, tàu biển, diễn viên xiếc, nhảy dù… hay làm những việc nguy hiểm ở độ cao. Khi có cơn chóng mặt, bạn không được lái xe, trèo cao và dừng công việc khi cần.
4. Những bài tập giúp hệ thăng bằng thích nghi với các thay đổi về tư thế cơ thể trong không gian khoảng 80%. Nên tập xích đu, đu quay, trồng chuối. Người bệnh mạch máu, bệnh mãn tính nên thận trọng khi tập. Massage vùng gáy giúp lưu thông máu tốt và đem lại những cải thiện đáng kể.
5. Chóng mặt nặng kéo dài có nguyên nhân do mạch máu hay gặp ở người lớn tuổi, chấn thương đầu, nhiễm trùng… Do đó, những người này cần quan tâm điều trị vì bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Thích nghi với bệnh bằng cách tập luyện
Phái nam thường thích những trò chơi cảm giác mạnh, thể hiện bản lĩnh đàn ông như tàu lượn siêu tốc hay đu quay 360 độ, nhảy Bungee truyền thống của dân Nam Mỹ… Nguyên nhân là do hệ tiền đình của họ được trải nghiệm nhiều hơn phái nữ.
Tại sao bạn không thể chơi những trò chơi cảm giác mạnh? Bởi vì, hệ thống giữ thăng bằng của bạn thích nghi chậm với những chuyện động làm đảo lộn tư thế người trong không gian. Hơn nữa, bạn thiếu tập luyện.
Hãy luyện tập và trải nghiệm, bạn sẽ sớm thích nghi và cảm giác sợ chóng mặt nhanh chóng mất đi.
Theo BEE
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn