Tai biến mạch máu não là bệnh lý vô cùng nguy hiểm nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách, kịp thời. Cùng tìm hiểu cách điều trị tai biến mạch máu não an toàn và hiệu quả được chia sẻ trong nội dung dưới đây.
1. Những điều cần biết về tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là một tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm và khả năng dẫn đến tử vong là rất cao. Bệnh xảy ra do tình trạng máu lên não đột ngột bị mất hoặc chảy máu trong sọ não, làm chết các tế bào não. Từ đó dẫn đến liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác hay hôn mê, khả năng gây tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu nhận biết bệnh lý này nhé.
1.1. Dấu hiệu tai biến mạch máu não
Có thể nhận biết các dấu hiệu cảnh báo tai biến mạch máu não ở các mức độ từ nhẹ đến nặng:
- Người bệnh có cảm giác bị tê hoặc yếu ở mặt, tay chân hoặc một nửa người rất đột ngột.
- Thấy có dấu hiệu loạn ngữ, lú lẫn, mất cảm giác, rối loạn thị giác.
- Bị choáng váng, mất thăng bằng, không tự điều khiển được tay chân.
- Đau đầu đột ngột, cùng rất nhiều dấu hiệu khác.
Sau khi thấy có dấu hiệu, triệu chứng đầu tiên, nếu người bệnh được cấp cứu, điều trị tai biến mạch máu não trong vòng 3-4 tiếng thì có khả năng phục hồi tốt, nếu để càng lâu, khả năng điều trị phục hồi càng giảm, tỷ lệ tử vong cao.
1.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây tai biến là do thiếu máu cục bộ, xơ vữa động mạch, xuất huyết não, cao huyết áp và một số nguyên nhân khác như do bệnh lý, bệnh nền, tuổi tác cao…
1.3. Những đối tượng có nguy cơ tai biến cao
Những người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não là người già, người cao tuổi có bệnh nền về tim mạch và huyết áp, người béo phì, người nghiện rượu hoặc thuốc lá, người ít vận động, bị stress dài ngày, người bệnh tiểu đường, huyết áp…
2. Cách điều trị tai biến mạch máu não
2.1. Sơ cứu tai biến
Nhận biết sớm một người đang bị tai biến mạch máu não là cách có thể giúp cứu sống 50% trường hợp. Có thể nhận biết sớm qua các triệu chứng như tê tay, tê chân, yếu liệt tứ chi, méo miệng, méo một bên mặt, đột ngột đau đầu dữ dội không thuyên giảm, khó nói, không thể phát âm rõ thành tiếng, không hiểu người đối diện đang nói gì, không thể diễn đạt ý định của mình, mất ý thức, hôn mê,… Nếu thấy dấu hiệu này thì lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Lưu ý là tuyệt đối không chích kim vào đầu ngón tay người bệnh hoặc cho người bệnh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khác, không để người bệnh ở nhà tự điều trị.
Ngoài ra có thể dựa theo nguyên tắc F.A.S.T để nhận biết dấu hiệu ở một người bị đột quỵ:
- Face Drooping (Yếu liệt mặt đột ngột một bên)
- Arm Weakness (Đột ngột yếu tay chân)
- Speech Difficulty (Đột ngột nói chuyện khó khăn, nói đớ hoặc mất hiểu ngôn ngữ)
- Timing to call (Phải gọi ngay đến cơ sở y tế gần nhất)
2.2. Nguyên tắc điều trị
Để điều trị tai biến mạch máu não thì cần tuân thủ theo nguyên tắc điều trị và còn phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây tai biến mạch máu là do thuyên tắc mạch hay xuất huyết não.
Đối với trường hợp thuyên tắc mạch máu não vì huyết khối thì việc tái lập lại sự lưu thông của mạch máu não là điều quan trọng nhất. Tuần hoàn máu não đang bị tắc nghẽn, có thể được tái lưu thông trở lại bằng thuốc hoặc bằng thủ thuật can thiệp. Sau đó, người bệnh được theo dõi tại viện để tìm kiếm nguyên nhân hay các yếu tố thúc đẩy sự hình thành cục huyết khối trong mạch máu não. Từ đó, người bệnh và bác sĩ cùng giải quyết triệt để nguồn căn cũng như có chiến lược dự phòng tiếp theo.
Đối với trường hợp xuất huyết não do vỡ mạch máu não, thì cần thiết là phải đánh giá được mức độ chảy máu cũng như kiểm soát khẩn cấp các nguyên nhân khiến mạch máu bị vỡ. Một số nguyên nhân gây xuất huyết mạch máu não thường gặp có:
- Vỡ túi phình động mạch não
- Xuất huyết não do cao huyết áp
- Tai biến từ thuốc chống đông máu, thuốc tiêu sợi huyết
- Chấn thương sọ não
- Các bệnh lý mạch máu não khác
Phần lớn xuất huyết não tự phát do nguyên nhân cao huyết áp, nếu ổ xuất huyết nhỏ có thể điều trị nội khoa theo dõi, nếu tình trạng xuất huyết nặng nề có thể xem xét phẫu thuật lấy máu tụ. Các nguyên nhân khác như vỡ túi phình mạch máu não đều cần phải sử dụng đến các phương tiện can thiệp mạch máu (còn gọi là can thiệp nội mạch) chuyên sâu để kiểm soát và loại bỏ nguyên nhân. Bên cạnh việc can thiệp, lựa chọn cách điều trị tai biến mạch máu não, người bệnh cũng cần được kiểm soát bệnh nền, bao gồm duy trì huyết áp phù hợp, cân bằng đường huyết, kiểm soát chức năng gan thận,…
2.3. Phương pháp điều trị tai biến mạch máu não
Tùy vào nguyên nhân gây tai biến sẽ có cách điều trị tai biến mạch máu não phù hợp. Các phương pháp điều trị tai biến mạch máu não phổ biến có:
2.3.1. Dùng thuốc chữa tai biến
Dùng thuốc trị tai biến thường được áp dụng trong trường hợp người bệnh bị nhồi máu não.
- Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (TPA) có tác dụng hoạt hóa plasmin là một chất trong cơ thể có tác dụng tiêu hủy huyết khối.
- Thuốc tiêu sợi huyết nên được dùng trong vòng 4,5 giờ sau khi mạch máu não bị tắc. Việc dùng càng sớm vừa giúp cái thiện sống còn vừa giúp người bệnh có tiên lượng hồi phục tốt.
Lưu ý là hàm lượng và kỹ thuật tiêm phải được bác sĩ thực hiện vì các nguy cơ của loại thuốc này sẽ dẫn đến tình trạng xuất huyết não khi dùng không đúng. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, người bệnh sẽ được đánh giá liên tục trong nhiều giờ, sử dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh cần thiết để đảm bảo các mô não được tưới máu tốt. Một vài trường hợp người bệnh đến muộn hoặc cục máu đông lớn quá khiến việc dùng thuốc tiêu sợi huyết chưa thể giải quyết hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các thủ thuật can thiệp chuyên sâu hơn.
2.3.2. Can thiệp nội mạch
Đây là phương pháp được chứng minh hiệu quả trong việc giải quyết nhồi máu não cũng như cải thiện tiên lượng hồi phục trong tương lai của người bệnh đột quỵ nói chung. Bác sĩ sẽ chỉ định chụp động mạch não số hóa xóa nền (DSA) để xác định vị trí chính xác động mạch nào bị ảnh hưởng (có huyết khối). Sau đó, quá trình can thiệp nội mạch sẽ dùng đến một ống catheter dài và nhỏ, thiết bị sẽ được bác sĩ đưa vào cơ thể tại vị trí động mạch bẹn và đi theo động mạch đến vùng mạch máu não cần can thiệp như vùng đang bị tắc bởi huyết khối, hoặc có nguyên nhân gây vỡ mạch máu,…
Đối với nhóm huyết khối, can thiệp nội mạch có thể thực hiện theo ba cách:
- Lấy huyết khối trực tiếp
- Tiêu sợi huyết tại chỗ
- Đặt Stent động mạch não
Đối với nhóm xuất huyết do vỡ túi phình mạch máu, can thiệp nội mạch có thể thực hiện như sau:
- Dùng các vòng xoắn kim loại (Coil) để bít túi phình
- Xạ phẫu đích (Xạ trị định vị lập thể)
2.3.3. Phẫu thuật
Trường hợp người bệnh tai biến mạch máu não do xuất huyết thì có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ, từ đó giải áp vùng mô não bị tổn thương giúp khối mô não được hồi phục. Việc phẫu thuật sẽ tác động đến nguyên nhân gây tai biến mạch máu:
- Kẹp mạch máu đang chảy: Áp dụng trong trường hợp có túi phình mạch máu não.
- Phẫu thuật cắt dị dạng động tĩnh mạch (AVM): Áp dụng trong điều trị dị dạng mạch máu não.
- Phẫu thuật bóc tách mạch cảnh: Được chỉ định can thiệp khi người bệnh bị tắc nghẽn mạch máu, có mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch.
2.3.4. Điều trị dự phòng tai biến mạch máu não
Để điều trị dự phòng tai biến mạch máu não thì người bệnh cần biết các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não không thể tác động là tuổi, gen, dân tộc, di truyền và những yếu tố nguy cơ có thể tác động được như bệnh tăng huyết áp động mạch, đái tháo đường, các bệnh tim, tăng lipid máu, hút thuốc lá…
Do đó người bệnh cần thay đổi lối sống tĩnh tại ít vận động sang tập thể dục, vận động thường xuyên làm giảm các yếu tố nguy cơ gây vữa xơ động mạch, giảm tỷ lệ tăng huyết áp, giảm cân nặng, chống béo phì, tăng cholesterol có lợi, giảm cholesterol có hại… từ đó làm giảm các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó người bệnh cần dùng thuốc đúng – đủ – đều để điều trị ổn định các bệnh như tăng huyết áp; đái tháo đường, tăng cholesterol máu. Người bệnh nên tránh xa thuốc lá, thực hiện chế độ ăn có hàm lượng chất béo thấp; hạn chế uống rượu… Với người bệnh bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có nhiều các yếu tố nguy cơ của đột quỵ phải được khám, theo dõi định kỳ. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ tai biến mạch máu não cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất, không được nghĩ chỉ là cảm thường mà không đi cấp cứu ngay, làm lỡ mất thời gian vàng can thiệp điều trị.
3. Phục hồi sau tai biến
3.1. Phục hồi chức năng
Sau đột quỵ, người bệnh sẽ được bác sĩ lâm sàng tư vấn về phác đồ phục hồi chức năng dựa trên biến chứng cụ thể và tình trạng sức khỏe người bệnh. Theo đó, người bệnh có thể được tập các bài tập về vận động thể chất, bài tập vận động có sự hỗ trợ của thiết bị. Ngoài ra, các hoạt động nhận thức và cảm xúc hoặc các phương pháp thử nghiệm cũng được áp dụng.
3.2. Thủ thuật y học cổ truyền
Thủ thuật y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu sẽ giúp lưu thông khí huyết, tăng cường vận động, cải thiện tâm trạng giúp chống trầm cảm. Nhóm huyệt có vai trò hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ gồm có:
- Huyệt ở tay: Kiên ngung, Kiên tỉnh, Tý nhu, Khúc trì, Hợp cốc, Bát tà, Nội quan
- Huyệt ở chân: Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyết hải, Túc tam lý, Phong long, Tam âm giao,…
- Huyệt ở vùng đầu mặt cổ: Bách hội, Hạ quan, Giáp xa, Địa thương, Thượng liêm tuyền, Thiên đột.
Để nhận được hiệu quả tốt nhất thì nên thực hiện các thủ thuật này ở cơ sở đông y uy tín, tránh các biến chứng tiềm ẩn như châm kim chảy máu, nhiễm trùng,…
>> Xem thêm: Cách xoa bóp bấm huyệt cho người bị tai biến hiệu quả
Điều trị tai biến mạch máu não cần kiên trì và thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tối đa và tránh ảnh hưởng của biến chứng.
Bài viết liên quan: Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não tại nhà hiệu quả
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn