Cảm cúm ở trẻ em là một bệnh lý thường gặp, có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khi không được phát hiện và điều trị đúng cách. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về bệnh cảm cúm ở trẻ để ba mẹ hiểu rõ hơn và có phương pháp chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả.
1. Cảm cúm ở trẻ em là gì?
Cảm cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút cúm gây ra, bùng phát mạnh mẽ vào mùa đông xuân (từ tháng 11 đến tháng 4). Bệnh có thể tái nhiễm nhiều lần do virus cúm biến đổi kháng nguyên tạo ra nhiều chủng mới, miễn dịch đặc hiệu giảm dần theo thời gian và không có miễn dịch chéo giữa các type và phân type virus cúm.
Virus cúm lây truyền qua đường hô hấp, có thể lây lan nhanh chóng từ người này qua người khác, đặc biệt là ở những nơi đông người như trường học, nhà trẻ. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm khi mắc bệnh.
2. Cảm cúm ở trẻ em lây qua đường nào?
Cảm cúm ở trẻ em diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào các đợt giao mùa, mùa đông xuân. Bệnh có nhiều con đường lây lan khác nhau như:
- Lây trực tiếp từ người sang người: Trẻ có thể bị lây cúm khi tiếp xúc với người đang bị cúm, thông qua nói chuyện, ôm hôn, bắt tay. Khi người bị cảm cúm hắt hơi, virus sẽ truyền trực tiếp sang trẻ thông qua giọt bắn.
- Do tiếp xúc bề mặt đồ vật: Các giọt bắn do người bị cúm khi hắt hơi sẽ bám lên bề mặt đồ vật và tồn tại khá lâu ở môi trường bên ngoài. Nếu trẻ tiếp xúc với đồ vật bằng tay và đưa lên mắt, mũi, miệng cũng có thể nhiễm virus.
- Môi trường công cộng: Nhà trẻ, trường học cũng là môi trường dễ lây lan virus cúm. Trong lớp có trẻ bị cảm cúm sẽ phát tán virus cúm vào không khí. Các giọt này bay lơ lửng trong không khí và vô tình rơi vào miệng, mũi của những người xung quanh, xâm nhập vào đường hô hấp và bắt đầu gây bệnh.
3. Nguyên nhân cảm cúm ở trẻ em
Trước khi chọn cách trị cảm cúm cho trẻ, mẹ cần xác định được nguyên nhân có thể gây ra bệnh cho trẻ. Sở dĩ các bé dễ dàng mắc bệnh cảm cúm là do sức đề kháng của trẻ còn quá yếu, nên khi vô tình tiếp xúc với những đối tượng có chứa virus lây bệnh thì chắc chắn những virus này sẽ nhân cơ hội xâm nhập qua đường hô hấp hoặc miệng của bé để gây bệnh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ cảm cúm ở trẻ có thể kể đến như:
- Hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị vi khuẩn tấn công và gây bệnh.
- Trẻ tiếp xúc với bạn bè, người lớn,… bị nhiễm bệnh.
- Thay đổi thời tiết đột ngột khiến cơ thể chưa kịp thích nghi.
- Vệ sinh cá nhân kém,…
4. Dấu hiệu cảm cúm ở trẻ
Các dấu hiệu, triệu chứng phổ biến cho thấy cảm cúm ở trẻ gồm có:
- Rất mệt mỏi hoặc buồn ngủ
- Ho
- Sốt (38,5oC trở lên), ớn lạnh hoặc cơ thể run rẩy. Không phải ai bị cúm cũng bị sốt
- Nhức đầu, đau cơ hoặc cơ thể
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Viêm họng
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy
Bệnh cúm thường đến nhanh chóng. Sốt và hầu hết các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn. Mặc dù trẻ nhỏ không thể cho người lớn biết cảm giác của mình, nhưng những em bé bị cúm thường ốm hơn, quấy khóc hơn và có vẻ khó chịu và không vui. Nếu cha mẹ nghi ngờ bé bị cúm, hãy đưa bé đến trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.
5. Làm thế nào khi trẻ em bị cúm?
5.1. Trẻ bị cúm như thế nào thì nên đưa đến bác sĩ?
Thông thường, bệnh cảm cúm có thể hồi phục trong 1-2 tuần. Tuy nhiên cúm có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm cơ tim cấp, viêm não… nếu trong quá trình chăm sóc, trẻ có 1 trong các biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ càng sớm càng tốt:
- Trẻ quấy khóc nhiều, li bì, co giật.
- Sốt cao liên tục đáp ứng kém với thuốc hạ nhiệt.
- Có biểu hiện mất nước: môi miệng khô, khóc không ra nước mắt, nước tiểu ít và vàng…
- trẻ biếng ăn hoặc nôn nhiều.
- Trẻ khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, tím tái.
- Cảm thấy tức ngực, đau bụng.
- Trẻ có biểu hiện da xanh tái, mệt.
5.2. Điều trị bệnh cúm ở trẻ
Cách trị cảm cúm cho trẻ khác với điều trị bệnh cúm ở người lớn. Tùy vào tình trạng và mức độ bệnh mà cách thức điều trị khác nhau. Nếu bệnh có triệu chứng nhẹ thì trẻ có thể được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại nhà, trong đó chủ yếu là điều trị các triệu chứng:
- Dùng thuốc hạ sốt nếu sốt cao trên 38,5oC, uống 4 – 6 giờ/lần.
- Cân bằng nước và điện giải cho cơ thể do sốt cao gây mất nước.
Với những trường hợp nặng hoặc có biến chứng nặng hoặc có yếu tố nguy cơ, trẻ cần được nhập viện để theo dõi, chẩn đoán xác định nguyên nhân gây bệnh và kết hợp điều trị hồi sức tích cực. Thuốc kháng sinh hoặc kháng virus có thể được chỉ định để điều trị những trường hợp bị bội nhiễm do vi khuẩn.
5.3. Chăm sóc trẻ bị cúm
Khi bé bị cảm cúm ba mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Cho trẻ mặc áo quần rộng rãi, thông thoáng, chườm ấm khi trẻ sốt cao.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi, miệng cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khi bị cảm cúm, cơ thể trẻ sẽ mất nhiều năng lượng hơn để chống lại tác nhân gây bệnh. Lúc này, giấc ngủ được xem là cách tốt nhất để cơ thể hồi phục. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, cho trẻ ngủ trong những không gian thoáng khí, mát mẻ để trẻ cảm thấy thoải mái và ngon giấc.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và dễ nuốt cho trẻ. Cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, chia thành các bữa nhỏ để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ.
6. Phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ
Các virus gây bệnh có thể xuất hiện ở môi trường sinh hoạt chung, đặc biệt là trong cộng đồng. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm virus cúm cho trẻ, ba mẹ cần:
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang khi di chuyển ở những khu vực nhiều người qua lại, đặc biệt là trong thời điểm đang có dịch cúm.
- Nhắc nhở trẻ không nên dụi tay lên mắt, mũi.
- Tăng cường rửa tay cho trẻ, đặc biệt là sau khi chơi ở các khu vực vui chơi công cộng, tiếp xúc với các đồ vật chung ở môi trường có người mắc bệnh.
- Giúp trẻ vệ sinh hô hấp sạch sẽ khi ho, khạc.
- Hạn chế tiếp xúc ở các khu vực đông người vào thời điểm có dịch bùng phát.
- Tiêm vắc xin phòng cảm cúm ở trẻ em là biện pháp chủ động và hiệu quả giúp hạn chế nguy cơ mắc cúm. Phương pháp này cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng khi trẻ bị mắc cúm.
Cảm cúm ở trẻ em tuy là một trong những bệnh lý thường gặp, có thể tự khỏi sau 1 – 2 tuần chăm sóc đúng cách, tuy nhiên bố mẹ không nên vì thế mà chủ quan. Trong quá trình chăm sóc trẻ, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn