Cảm cúm ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
9 Tháng mười hai 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
329

Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ mắc cảm cúm với những biến chứng nguy hiểm. Vì thế, mẹ cần theo dõi để phát hiện sớm những triệu chứng và điều trị tích cực từ sớm nhằm tránh biến chứng nguy hiểm. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về cúm và cách điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh, mẹ đừng bỏ qua nhé.

Những điều cần biết về hiện tượng cảm cúm ở trẻ sơ sinh
Những điều cần biết về hiện tượng cảm cúm ở trẻ sơ sinh

1. Trẻ sơ sinh có bị cảm cúm không? Con đường lây lan

Bệnh cúm rất dễ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm do hệ miễn dịch còn yếu.

Virus cúm lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Khi người bệnh cúm ho, hắt hơi, virus sẽ lây lan trong không khí. Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm cúm nếu hít phải virus hoặc nếu chạm vào vật gì đó (như đồ chơi) có virus cúm và sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của trẻ. Hoặc trẻ có thể bị lây cúm nếu người chăm sóc bé bị cúm.

2. Các triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ sơ sinh

Sau khi bị nhiễm virus cúm, trẻ sơ sinh bắt đầu xuất hiện triệu chứng như:

Những triệu chứng điển hình của bệnh cảm cúm ở trẻ sơ sinh
Những triệu chứng điển hình của bệnh cảm cúm ở trẻ sơ sinh

2.1. Dấu hiệu thường gặp

  • Sốt cao trên 38 độ C, ớn lạnh;
  • Ho, ho khan;
  • Sổ mũi, nghẹt mũi;
  • Đau đầu, thường bị sợ ánh sáng và đau nhức sau mắt;
  • Đau nhức cơ thể hoặc toàn thân (đặc biệt ở lưng và chân);
  • Mệt mỏi, suy nhược cơ thể;
  • Ăn uống kém hơn bình thường, bé không muốn bú mẹ;
  • Ngủ không ngon giấc, dễ quấy khóc;
  • Nôn mửa, tiêu chảy.

2.2. Triệu chứng nguy hiểm

Trẻ sơ sinh có nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm, do đó, mẹ cần theo sát diễn biến bệnh của con. Nếu con có những dấu hiệu sau, mẹ nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.

  • Sốt cao liên tục;
  • Các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Gặp vấn đề về thở: khó thở, thở khò khè, thở rít, thở nhanh, rút lõm lồng ngực khi thở;
  • Da xanh hoặc tái nhợt;
  • Khóc không ra nước mắt, nước tiểu vàng sẫm, tiểu ít,…
  • Nôn mửa liên tục;
  • Trẻ lừ đừ, ngủ li bì, gọi khó dậy,…
  • Trẻ đang mắc các bệnh lý về tim, phổi, hen suyễn mà nhiễm cúm.

3. Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh

Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh
Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh

Thời gian ủ bệnh cúm ở trẻ sơ sinh rất ngắn, chỉ từ 1 – 4 ngày, trung bình khoảng 48 giờ sau khi nhiễm virus cúm. Đặc biệt, thời gian lây bệnh khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng.

Sau giai đoạn ủ bệnh, cúm khởi phát với triệu chứng đau rát họng kèm sốt cao, quấy khóc, đau nhức toàn thân và ho. Sau đó là chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Sau khoảng 5 ngày, tình trạng bệnh sẽ dần phục hồi, các triệu chứng như sổ mũi, hắt hơi,… giảm hẳn và dần khỏi bệnh.

4. Biến chứng bệnh cúm ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh bị cúm có thể gây các biến chứng nguy hiểm nào?
Trẻ sơ sinh bị cúm có thể gây các biến chứng nguy hiểm nào?

Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, trẻ sơ sinh có thể gặp các biến chứng cúm như:

  • Viêm đường hô hấp: viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát, áp xe phổi,…
  • Viêm nhiễm ngoài hô hấp: viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim và đặc biệt có nguy cơ gây tử vong cao đối với trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh.
  • Trẻ bị nhiễm virus cúm A/H1N1 có nguy cơ gặp các biến chứng dẫn đến viêm đường hô hấp trên, còn nhiễm cúm A/H5N1 dễ biến chứng gây viêm phổi nặng.
  • Biến chứng của cúm có thể tác động đến cơ quan thần kinh, gây viêm màng não, viêm tủy cắt ngang, liệt nửa người, liệt thần kinh sọ não,…
  • Hội chứng Reye: Mặc dù hội chứng này ít gặp nhưng để lại di chứng trầm trọng nhất và tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng Reye phổ biến nhất ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi, xuất hiện vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm như đang giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và có thể tử vong.

5. Điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh

Các biện pháp điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh
Các biện pháp điều trị cảm cúm ở trẻ sơ sinh

Khi trẻ sơ sinh bị cảm cúm, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà đơn giản, hiệu quả như:

  • Cho bé nghỉ ngơi nhiều để nhanh lấy lại sức.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hỗ trợ bôi trơn đường thở, từ đó giảm dịch nhờn do không khí quá khô để giúp trẻ dễ thở.
  • Lau người cho trẻ bằng nước ấm nếu con bị sốt. Có thể cho bé hạ sốt bằng acetaminophen hoặc paracetamol dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không sử dụng aspirin cho trẻ vì có thể gây ra Hội chứng Reye ở trẻ.
  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên bởi sữa mẹ sẽ cung cấp những kháng thể mà bé cần.
  • Nhỏ nước muối thường xuyên để làm lỏng chất dịch nhầy, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn.
  • Cho trẻ phơi nắng đúng cách để bé hấp thu vitamin D, giúp tăng cường sức đề kháng, để giúp trẻ sơ sinh bị cúm nhanh khỏi bệnh.
  • Chú ý điều chỉnh quần áo cho bé khi trẻ nóng lạnh thất thường.
  • Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ trước, trong và sau khi thay tã, vệ sinh cho trẻ.
  • Hạn chế cho người nhà tiếp xúc để tránh lây nhiễm bệnh.

6. Phòng ngừa cúm cho trẻ sơ sinh

Phòng ngừa cúm cho trẻ sơ sinh như thế nào tốt nhất?
Phòng ngừa cúm cho trẻ sơ sinh như thế nào tốt nhất?

Ba mẹ hãy áp dụng những biện pháp dưới đây để bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây cúm:

  • Phụ nữ mang thai cần tiêm chủng cúm đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh cúm trong những tháng đầu đời. Khi mẹ tiêm ngừa, kháng thể phòng cúm sẽ được truyền đến bé qua nhau thai và sữa mẹ, bảo vệ trẻ khỏi tác nhân gây bệnh.
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm ngừa đầy đủ 2 mũi vắc xin cúm. Mẹ hãy đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.
  • Không cho bé tiếp xúc với những người đang bị bệnh cảm cúm vì cơ thể của bé còn non yếu, hệ miễn dịch yếu dễ bị virus tấn công gây bệnh.
  • Cho bé bú sữa mẹ để tăng cường đề kháng cũng như cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé phát triển tốt nhất.
  • Vệ sinh cá nhân cho con mỗi ngày, thường xuyên rửa, khử khuẩn đồ chơi để tránh virus bám trụ rồi lây sang bé.
  • Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ khi tiếp xúc với bé để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus.
  • Cho bé đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để theo dõi sự phát triển của trẻ cũng như phát hiện sớm nguy cơ mắc cúm cũng như các bệnh lý khác.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin về bệnh cảm cúm ở trẻ sơ sinh. Hi vọng những chia sẻ này đã giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về bệnh lý này, từ đó có biện pháp chăm sóc phù hợp, giúp bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho con.

>> Xem thêm: Cảm cúm ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận