Bị cảm lạnh uống thuốc gì để nhanh khỏi? Lưu ý khi dùng

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
28 Tháng Mười Một 2023

Lần cập nhật cuối:
2 Tháng Một 2024

Số lần xem:
2560

Cảm lạnh là bệnh lý thường gặp ở mọi đối tượng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, những người có sức đề kháng yếu nói chung. Tuy vậy, không phải ai cũng biết những loại thuốc điều trị hiệu quả, giúp bệnh mau chóng hồi phục. Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc “Cảm lạnh uống thuốc gì?” Cũng như các lưu ý khi dùng thuốc và cách phòng ngừa cảm lạnh trở lại.

Không phải ai cũng biết bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?
Không phải ai cũng biết bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?

1. Triệu chứng của cảm lạnh

Cảm lạnh do virus gây ra và xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng gây ra nhiễm trùng ở đường hô hấp trên. Có thể nhận biết cảm lạnh qua các dấu hiệu, triệu chứng sau:

  • Nghẹt mũi, khó thở.
  • Chảy nhiều nước mũi, nước mắt.
  • Ho.
  • Đau họng, viêm họng.
  • Đau đầu, đau nhức cơ thể.
  • Hắt hơi.
  • Sốt nhẹ.
  • Cảm thấy mệt mỏi trong người.
  • Một số người bệnh có thể bị mất vị giác, sưng hạch bạch huyết. Bên cạnh đó còn hay cảm giác có áp lực trong tai và mặt khi bị cảm lạnh.

2. Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?

Người bệnh cảm lạnh có thể được sử dụng một số loại thuốc dưới đây tùy vào triệu chứng gặp phải:

2.1. Thuốc co mạch mũi

Bị cảm lạnh có thể sử dụng thuốc làm co mạch mũi
Bị cảm lạnh có thể sử dụng thuốc làm co mạch mũi

Các loại thuốc này có tác dụng gây co mạch, giúp giảm sưng niêm mạc mũi, nên sẽ giúp giảm khó thở và ngạt mũi. Các loại thông mũi có pseudoephedrine, ephedrine và phenylephrine.

Lưu ý là thuốc thông mũi có thể làm tăng huyết áp, nhịp tim và tăng sự tỉnh táo, dẫn đến khó ngủ nếu uống vào cuối ngày. Người bệnh cảm lạnh có các bệnh lý như huyết áp cao và bệnh tăng nhãn áp trước khi sử dụng thuốc thông mũi cần có sự tư vấn của bác sĩ vì có thể cần phải có những biện pháp phòng ngừa đặc biệt. Không nên sử dụng thuốc xịt và thuốc nhỏ mũi dài ngày để trị ngạt mũi, vì có khả năng gây tắc nghẽn tái phát, một tình trạng mà nếu lạm dụng thuốc thông mũi có thể gây ra tắc nghẽn gia tăng.

2.2. Thuốc giảm ho

Hầu hết các thuốc giảm ho đều ức chế phản xạ ho bằng cách tác động trực tiếp vào trung tâm ho ở hệ thần kinh trung ương. Codein, pholcodin và dextromethorphan là các thuốc ho thường dùng, trong đó Codein có hiệu quả nhưng có thể gây táo bón, buồn ngủ và phụ thuộc. Thuốc này được chống chỉ định cho tất cả trẻ em dưới 12 tuổi. Cũng nên tránh sử dụng codein ở thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi. Pholcodine và dextromethorphan có xu hướng gây ra ít tác dụng phụ hơn codeine nhưng thuốc cũng có khả năng gây buồn ngủ hoặc lệ thuộc thuốc. Người bệnh dùng thuốc không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu cảm thấy buồn ngủ hoặc sự tỉnh táo bị suy giảm. Các thuốc giảm ho chứa dextromethorphan thường có sẵn dưới dạng thuốc không cần kê đơn.

Lưu ý là chỉ nên sử dụng các thuốc trên để điều trị ho khan. Trong trường hợp ho có đờm thì không nên dùng thuốc giảm ho này. Những người bị hen suyễn và COPD cần tham khảo ý kiến chuyên gia y tế trước khi dùng dextromethorphan.

2.3. Thuốc long đờm

Nhiều người bệnh cảm lạnh đã sử dụng thuốc long đờm để cải thiện
Nhiều người bệnh cảm lạnh đã sử dụng thuốc long đờm để cải thiện

Thuốc long đờm có tác dụng làm tăng tiết dịch trên đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của các chất tiết trong đường hô hấp, từ đó giúp tống đờm ra khỏi đường thở dễ dàng hơn. Một số loại long đờm phổ biến có Ambroxol, Bromhexin, Natribenzoat.

2.4. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin có tác dụng làm giảm các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, nhưng cũng có thể được dùng để giảm ho. Thuốc có thể được sử dụng trong các trường hợp ho vào ban đêm, đặc biệt là những cơn ho do chảy dịch mũi hoặc liên quan đến viêm mũi dị ứng. Các chế phẩm trị ho và cảm lạnh hỗn hợp thường chứa thuốc kháng histamin như chlorpheniramine và brompheniramine.

Lưu ý người bệnh khi dùng thuốc này không nên lái xe hoặc vận hành máy móc, hoặc làm những công việc đòi hỏi sự tỉnh táo khi dùng thuốc kháng histamin. Cũng không nên sử dụng thuốc để điều trị ho có đờm. Những người bị bệnh phổi mãn tính, bệnh tăng nhãn áp hoặc khó tiểu do tuyến tiền liệt phì đại nên nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng histamin.

2.5. Thuốc giảm đau, hạ sốt

Dùng thuốc giảm đau hạ sốt để điều trị cảm lạnh
Dùng thuốc giảm đau hạ sốt để điều trị cảm lạnh

Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường được dùng có Paracetamol, aspirin và ibuprofen. Lưu ý là loại thuốc này nên thận trọng khi sử dụng cho người bệnh suy gan. Paracetamol có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong nếu dùng quá liều thuốc. Aspirin và ibuprofen đều có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và gây khó chịu cho dạ dày. Hơn nữa, aspirin thường không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ em để điều trị cảm lạnh vì nguy cơ mắc hội chứng Reye (có thể gây sưng phù ở não và gan, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ đang hồi phục sau khi bị nhiễm virus cúm hoặc thủy đậu…). Do đó mà aspirin không được khuyến cáo ở trẻ em dưới 16 tuổi trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.

3. Không dùng thuốc kháng sinh trị cảm lạnh

Thuốc kháng sinh là loại thuốc dùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trực tiếp hoặc ngăn chặn sự sinh sản của chúng. Cảm lạnh thông thường do virus gây ra, kháng sinh không có tác dụng đối với virus. Việc dùng thuốc kháng sinh có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc và gây hại cho cơ thể. Việc dùng kháng sinh khi không cần thiết có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Đây là lúc vi khuẩn kháng lại tác dụng của thuốc kháng sinh và điều đó có nghĩa là các bệnh nhiễm trùng do chúng gây ra sẽ khó điều trị hơn trong tương lai.

4. Lời khuyên chung khi dùng thuốc trị cảm lạnh

Lời khuyên từ chuyên gia khi điều trị cảm lạnh bằng cách sử dụng thuốc
Lời khuyên từ chuyên gia khi điều trị cảm lạnh bằng cách sử dụng thuốc

Khi dùng thuốc trị cảm lạnh, người bệnh cần chú ý đến những lời khuyên sau:

  • Chỉ nên sử dụng thuốc sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ có thể xảy ra và dùng thuốc theo hướng dẫn liều lượng được ghi trên nhãn hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nhiều loại thuốc cảm có thể gây buồn ngủ hoặc ảnh hưởng đến sự tỉnh táo. Do đó người bệnh dùng thuốc không nên lái xe hoặc vận hành máy móc.
  • Không uống rượu khi dùng thuốc vì sẽ làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ của thuốc.
  • Vì một số loại thuốc này có chứa caffeine, nên tránh uống quá nhiều đồ uống cũng chứa caffein như trà, cà phê, coca cola trong khi dùng các loại thuốc này.
  • Nên uống thuốc vào cùng một thời điểm cố định mỗi ngày.
  • Nếu các triệu chứng xấu đi cần đến ngay các cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời.
  • Phụ nữ có thai và đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
  • Nên chọn thuốc trị cảm lạnh từ các thương hiệu có uy tín trên thị trường thuốc để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, độ an toàn cao.
  • Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C để tránh gây hại đến gan. Ngoài ra, không nên dùng cùng một lúc chung một hoạt chất dưới dạng bào chế khác nhau vì sẽ dễ gây quá liều. Đặc biệt, không sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt có kết hợp thành phần chống dị ứng và các biệt dược có chứa chất này cho người đang lên cơn hen, phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang, tá tràng, trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối hoặc phụ nữ đang nuôi con bú…

Người bệnh cảm lạnh uống thuốc gì để nhanh chóng cải thiện triệu chứng của bệnh và sớm hồi phục sức khỏe sẽ tùy thuộc triệu chứng mà người bệnh gặp phải cũng như tình trạng bệnh. Do đó hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn nhé.

> Xem thêm: Tổng hợp các cách bấm huyệt chữa cảm lạnh cực kỳ hiệu quả

Nguồn tham khảo

  • [1] Cold remedies: What works, what doesn’t, what can’t hurt. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/cold-remedies/art-20046403

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.