Hen phế quản là căn bệnh xuất hiện phổ biến, các dấu hiệu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác. Vì thế, hen phế quản được phát hiện chậm trễ và cơn hen dai dẳng hơn. Cùng tìm hiểu về dấu hiệu, cách chẩn đoán hen phế quản và biện pháp điều trị trong bài viết dưới đây nhé.
1. Hen phế quản là bệnh gì?
Hen phế quản (hen suyễn) là bệnh viêm đường hô hấp, khiến cho ống dẫn khí vào phổi bị thu hẹp lại kéo theo những đợt thở khò khè, tức ngực, thở dốc và ho. Bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với những tác nhân gây kích thích như lông thú cưng, khói bụi, phấn hoa, hóa chất…
Với những trường hợp hen suyễn nhẹ, người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ, các triệu chứng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ngược lại, ở những người mắc bệnh hen suyễn nặng, cơn khó thở xuất hiện thường xuyên có thể gây suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
Hiện nay, bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng thuốc và tránh xa các dị nguyên.
2. Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh hen phế quản
Các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh hen phế quản bao gồm tiền sử gia đình, bản thân, các triệu chứng về hô hấp và một số phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm khác.
2.1. Tiền sử gia đình, bản thân và các triệu chứng hô hấp
- Tiền sử gia đình có người bị hen phế quản hoặc mắc các bệnh dị ứng như viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng, mề đay, chàm,…
- Tiền sử bản thân: viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn,…
- Bản thân từng có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy.
- Khó thở, thở khò khè, nặng ngực thường xuất hiện về đêm hoặc tái phát khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết. Khi dùng thuốc giãn phế quản thì cơn cải thiện.
- Xuất hiện triệu chứng khó thở, thở gấp,… sau khi gắng sức như tập luyện, ho, bưng bê vật nặng,…
- Sau khi nhiễm trùng hô hấp, các triệu chứng hen phế quản thường xảy ra hoặc trở nặng hơn.
2.2. Các phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm
Các phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm để chẩn đoán bệnh hen phế quản bao gồm:
- Đo chức năng hô hấp: Xác định ưu lượng đỉnh PEF và FEV1 để đo mức độ nhạy cảm của đường thở, khả năng hồi phục và sự dao động của luồng khí tắc nghẽn, giúp chẩn đoán hen. Phương pháp này đo lặp đi lặp lại chức năng phổi của bạn trong lúc vận động hoặc sau khi bạn tiếp nhận các liều khí lạnh tăng dần hoặc hít một loại hóa chất nào đó.
- Xét nghiệm công thức máu: Đo lượng kháng thể chống lại kháng nguyên để đánh giá bệnh nhân hen phế quản có bị dị ứng hoặc nhạy cảm với một loại kháng nguyên.
- Xét nghiệm test lẩy da bằng các dị nguyên đặc hiệu.
- Chụp X-quang phổi: giúp loại trừ các chẩn đoán khác có triệu chứng tương tự hen ví dụ viêm phổi, lao phổi, ung thư phổi.
- Đo nồng độ kháng thể IgE toàn phần và đặc hiệu trong huyết thanh góp phần chẩn đoán cơ địa mẫn cảm với dị nguyên.
- Hít kháng nguyên: Người bệnh được hít một loại kháng nguyên đặc thù có thể gây bệnh hen và kiểm tra có hiện tượng đường dẫn không khí bị co thắt bằng phế dung kế.
Ngoài ra, bệnh hen còn được chẩn đoán bằng các phương pháp: chụp cắt lớp vi tính (CT scan) phổi, siêu âm tim đo điện tim để chẩn đoán phân biệt bệnh hen phế quản với các bệnh lý khác hô hấp và tim mạch khác.
Trên đây là những thông tin liên quan đến các phương pháp chẩn đoán hen phế quản. Khi thấy bất kì triệu chứng nghi ngờ hen, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết liên quan:
- Biến chứng của bệnh hen phế quản nguy hiểm như thế nào?
- Hướng dẫn cách kiểm soát cơn hen phế quản hiệu quả, an toàn
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn