Đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra khá phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng. Việc nhận biết những dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ sẽ giúp kịp thời điều trị và hạn chế được những rủi ro.
1. Những dấu hiệu đột quỵ ở người cao tuổi
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân, thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ…
Đột quỵ là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chi phí tốn kém mà hiệu quả không cao vì thường để lại di chứng nặng nề như tàn phế, liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống thực vật.
Các nghiên cứu cho thấy, 60 – 70% người bệnh sau đột quỵ phải có sự trợ giúp một phần hay hoàn toàn, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy, nếu chẳng may bị đột quỵ, việc phát hiện sớm rất có lợi cho người bệnh, có thể hạn chế khả năng tử vong cũng như di chứng sau đó.
Trong đó, biểu hiện sớm nhất của người đột quỵ là xây xẩm, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nói khó mắt nhìn không rõ ở một hoặc hai mắt, liệt mặt, miệng méo, nhân trung lệch sang một bên. Ngoài ra, khi đang trong cơn đột quỵ, một triệu chứng khá phổ biến là một cánh tay hoặc một chân sẽ dần yếu đi và tê liệt dẫn đến cầm nắm khó khăn, đi đứng không vững, thậm chí bị ngã khuỵu.
2. Các triệu chứng đột quỵ ở nữ giới
Phụ nữ có những triệu chứng đột quỵ hơi khác và tỷ lệ tử vong cao hơn nam giới. Có khoảng 60% phụ nữ sẽ tử vong do đột quỵ, còn nam giới là 40%. Dưới đây là những triệu chứng mà phụ nữ nên lưu ý:
- Đột ngột nấc cục
- Buồn nôn hoặc nôn ói
- Yếu cơ đột ngột
- Đau tức ngực, khó thở
- Bủn rủn chân tay, khó kiểm soát các chi
- Đánh trống ngực
3. Các loại đột quỵ ở người cao tuổi
Đột quỵ thiếu máu cục bộ
Quá trình thiếu máu cục bộ liên quan đến việc đông máu, máu đông sẽ chặn các động mạch và dòng chảy của máu đến não. Những đột quỵ này có thể do sự tích tụ mỡ và cholesterol trong các mạch máu. Theo thời gian, sự tích tụ này là chấn thương đối với mạch máu và cơ thể hình thành cục máu đông. Có 2 loại đột quỵ thiếu máu cục bộ là tắc nghẽn mạch máu não và huyết khối.
Tắc nghẽn mạch máu não. Tình trạng này bắt đầu từ cục máu đông hình thành ở một nơi khác trong cơ thể (thường là ở tim), đi qua máu và đến não. Từ đó, cục máu đông có thể bị mắc kẹt trong mạch máu và gây đột quỵ.
Huyết khối. Cục máu đông hình thành ở mạch máu não được gọi là huyết khối. Giống với tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ do huyết khối cũng liên quan đến cục máu đông, nhưng trong trường hợp này, cục máu đông hình thành tại chỗ.
Đột quỵ xuất huyết
Đột quỵ xuất huyết do vỡ mạch máu trong não đột ngột. Huyết áp cao và chứng phình động mạch là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ này. Chứng phình động mạch có thể phát triển trong vài năm, bạn có thể không phát hiện ra đến khi nó bị vỡ. Đột quỵ xuất huyết gây đau đầu do tăng áp lực trong não.
4. Tiên lượng cho đột quỵ ở người cao tuổi
Thông thường, đột quỵ thiếu máu cục bộ có tỷ lệ sống cao hơn nhiều so với đột quỵ xuất huyết. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ xuất huyết, nếu còn sống thì tỷ lệ hồi phục cao hơn.
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đánh giá mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và khả năng phục hồi/tiên lượng dựa trên 10 yếu tố sau:
- Ý thức
- Ánh mắt
- Thị trường của mắt
- Cử động mặt
- Chức năng vận động của các chi
- Sự phối hợp vận động
- Mất cảm giác
- Vấn đề về ngôn ngữ
- Khả năng nói (nói rõ ràng, tìm đúng từ để diễn đạt suy nghĩ)
- Sự chú ý
5. Lời khuyên cho người bị đột quỵ
So với người trẻ, khả năng phục hồi chức năng sau đột quỵ ở người già kém hơn bởi lúc này, sức đề kháng của họ đã yếu, hệ miễn dịch suy giảm, khả năng phục hồi sau tổn thương của não kém. Do đó, việc chăm sóc người cao tuổi bị đột quỵ cần phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, chu đáo, kiên nhẫn, phù hợp với từng trường hợp, từng thể bệnh cụ thể. Dưới đây là một số mẹo giúp bệnh nhân cải thiện được sức khỏe sau đột quỵ:
- Khi người bệnh không tỉnh hay tình trạng tri giác chưa được phục hồi nên cho ăn uống qua ống xông đặt vào dạ dày hoặc ăn bằng thìa và cho từ từ từng thìa một. Chú ý vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn từ răng miệng lan xuống đến đường hô hấp trên.
- Thông thường thức ăn và các chất tiết trong miệng hay đọng lại ở bên miệng phía bị liệt nên khi cho ăn uống phải thực hiện bên phía miệng không bị liệt; đồng thời nên vệ sinh răng miệng sau mỗi khi ăn và hút sạch thức ăn, các chất dịch ứ đọng trong miệng phía bên bị liệt.
- Cần cho bệnh nhân vận động và tập vận động phía bên không bị liệt, xoa bóp các bắp cơ, cử động các khớp, đặc biệt chú ý ở phía bị liệt để tránh teo cơ, cứng khớp. Luôn trở mình, thay đổi tư thế cho người bệnh để tránh loét các điểm tỳ của cơ thể tỳ đè lên giường ở vùng chẩm, vai, khuỷu tay, xương cùng, gót chân…
- Vệ sinh thân thể bệnh nhân cũng cần thực hiện hàng ngày, không được để các chất thải bài tiết như nước tiểu, phân làm ảnh hưởng; đặc biệt chú ý đối với những người đi tiểu tiện, đại tiện không tự chủ có thể làm ướt và bẩn cơ thể người bệnh; đồng thời cũng có thể thấm vào khăn trải giường, chiếu, chăn, màn nơi người bệnh nằm.
- Phải bù đắp đủ nước và chất điện giải cho người bệnh, không vì sự khó khăn trong việc chăm sóc hay giữ gìn vệ sinh cho thân thể do bệnh nhân đi tiểu tiện, đại tiểu không tự chủ và đại tiểu tiện dầm dề mà hạn chế việc cho người bệnh uống nước.
- Khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh, cần thực hiện từ bên phía bị liệt để khuyến khích bệnh nhân cố gắng cử động, vận động ở bên đó. Khi giao tiếp phải nói ngắn gọn, rõ ràng, nhắc đi nhắc lại nếu cần để người bệnh có thể hiểu được do khả năng tiếp thu và tri giác của họ đã bị suy giảm.
Sau khi sức khỏe người bệnh dần hồi phục thì cần lưu ý:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, vì đây là một cách tuyệt vời giúp bạn tăng cường ức khỏe.
- Tránh sử dụng rượu, thuốc lá vì những chất này ảnh hưởng trực tiếp đến não và thần kinh.
- Đối với những người bệnh gặp khó khăn trong vận động, bạn có thể đến các nhà trị liệu vật lý để giúp tăng cường chức năng cân bằng, phối hợp và vận động.
- Có thể đến các nhà trị liệu ngôn ngữ để giúp khôi phục giọng nói bình thường.
- Thực hiện các vật lý trị liệu nghề nghiệp có thể giúp người bệnh học lại các kỹ năng sống cơ bản.
Trên đây là những thông tin cơ bản về tình trạng đột quỵ ở người cao tuổi. Hi vọng nội dung mà bài viết cung cấp sẽ giúp ích cho bạn khi chăm sóc người thân trong gia đình.
>> Xem thêm: Đột quỵ ở người trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn