Đột quỵ xuất huyết não (chảy máu não) là một dạng đột quỵ não. Tuy chỉ chiếm 15% các trường hợp đột quỵ nhưng xuất huyết não lại gây nhiều nguy hiểm và biến chứng hơn so với dạng đột quỵ còn lại. Hãy cùng tìm hiểu về đột quỵ chảy máu não qua bài viết dưới đây.
1. Đột quỵ xuất huyết não là gì?
Đột quỵ xuất huyết não là một dạng của đột quỵ não, xảy ra khi động mạch não bị nứt vỡ và chảy máu vào nhu mô não. Trong vòng vài phút, các tế bào não chết đi gây ra các biến chứng về thần kinh và vận động liên quan đến vùng não bị tổn thương.
So với đột quỵ nhồi máu não thì đột quỵ xuất huyết não ít gặp hơn, chiếm khoảng 8-18%, thế nhưng nó có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đột quỵ xuất huyết não chia làm 2 loại, tùy thuộc vào vị trí chảy máu:
- Xuất huyết nội sọ: Là tình trạng xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ. Các yếu tố nguy cơ của loại đột quỵ này bao gồm huyết áp cao, uống rượu và sử dụng chất kích thích. Trong một số trường hợp xuất huyết nội sọ có thể xảy ra do dị tật động mạch bị rò rỉ. Dị tật động mạch đó là một mạch máu yếu bất thường, có tính chất bẩm sinh. Khi huyết áp tăng cao, dị tật động mạch bị kéo giãn và có thể vỡ ra, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
- Xuất huyết dưới nhện: Là tình trạng xảy ra khi mạch máu trên bề mặt não bị vỡ. Máu lấp đầy một phần không gian giữa não và hộp sọ, và nó trộn lẫn với dịch não tủy. Khi máu chảy vào dịch não tủy, nó làm tăng áp lực lên não, gây đau đầu dữ dội.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não?
Đột quỵ xuất huyết não là do chảy máu trong mô não hoặc trong các mô xung quanh não. Những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu trong và xung quanh não bao gồm:
2.1. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là nguyên nhân lớn, chiếm tỷ lệ cao dẫn đến tình trạng tăng xuất huyết não.Huyết áp tăng một vài ngày không quá nguy hiểm nhưng nếu kéo dài sẽ làm áp lực mạch máu lên não rất lớn, dẫn đến thoái hóa, thành mạch xơ vữa, cứng dần lên, dễ vỡ/bể. Đến một lúc nào đó không chịu nổi áp lực sẽ dẫn đến đột quỵ xuất huyết não. Thông thường xuất huyết não do tăng huyết áp sẽ rất nặng.
2.2. Vỡ túi phình động mạch não
Xảy ra khi một phần mạch máu bị phình to ra (được gọi là túi phình động mạch), thường là do huyết áp cao. Khi không được điều trị kịp thời, phần mạch máu này tiếp tục suy yếu, thành mạch mỏng dần dẫn đến vỡ mạch máu và chảy máu vào mô não. Đây là nguyên nhân gây ra đột quỵ do xuất huyết trong não.
2.3. Dị dạng động mạch (AVM)
Là tình trạng bẩm sinh, trong đó các mạch máu hình thành bất thường hoặc chúng bị xoắn lại với nhau, thường xảy ra ở các động mạch và tĩnh mạch tại não hoặc cột sống. Tình trạng dị dạng mạch máu này có thể dẫn đến xuất huyết trong não. Mặt khác, nếu dị dạng mạch máu ở các mô xung quanh và dẫn đến xuất huyết dưới nhện.
Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc chống đông máu, được dùng để điều trị trong liệu pháp chống đông máu, liệu pháp làm tan huyết khối hoặc để điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, bệnh mạch vành, đặt stent… cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết não.
3. Đối tượng nào có nguy cơ cao đột quỵ xuất huyết não?
Đột quỵ có nguy cơ gia tăng ở những đối tượng sau:
- Người cao tuổi
- Nam giới
- Tiền sử gia đình có người đã từng bị đột quỵ
- Người ít vận động thể chất, lười rèn luyện sức khỏe
- Người thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc
- Ít ăn rau xanh, thường xuyên dùng đồ ăn có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao
- Người mắc các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì
4. Triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não
Triệu chứng đột quỵ xuất huyết nội sọ thường khởi phát đột ngột và chuyển biến xấu trong khoảng 30 – 90 phút. Những triệu chứng phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Đột ngột yếu, liệt bất kỳ bộ phận nào của cơ thể
- Mất khả năng nói
- Mất khả năng kiểm soát chuyển động của mắt
- Nôn, đi lại khó khăn, thở không đều, choáng váng, hôn mê
Với xuất huyết dưới nhện, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn, ói mửa
- Mất ý thức
- Không thể nhìn vào ánh sáng
- Cứng cổ, chóng mặt, nhầm lẫn, mất ý thức
- Co giật
Đột quỵ xuất huyết não vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao. Nhiều người bị đột quỵ xuất huyết não không thể vượt qua 2 ngày kể từ khi cơn đột quỵ khởi phát. Những người sống sót thì khả năng phục hồi cũng rất chậm. Bởi vậy, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu trên, cần đưa người bệnh đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
5. Chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não
Rất khó để phân biệt giữa đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não, do đó cần phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, cụ thể:
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não không tiêm thuốc cản quang: Đây là một kỹ thuật nhanh với độ nhạy rất cao để xác định xuất huyết não cấp tính, và do tính khả dụng cao của nó mà đây được coi như tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định xuất huyết não trong các khoa cấp cứu.
- Chụp cộng hưởng từ: Giúp chẩn đoán xuất huyết não tương đương với chụp cắt lớp vi tính sọ não không tiêm thuốc cản quang, việc thăm khám kéo dài và tính khả dụng thấp hơn chụp cắt lớp vi tính sọ não nên cộng hưởng từ ít khi được sử dụng để chẩn đoán xuất huyết não trong bệnh cảnh cấp cứu.
- Chụp mạch não: Đây là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn hữu ích trong bệnh cảnh xuất huyết não cấp giúp phát hiện các bất thường mạch máu là nguyên nhân của xuất huyết não. Các yếu tố nên đặt ra nghi ngờ có bất thường mạch não bao gồm: Xuất huyết dưới nhện, xuất huyết não ở thùy não, xuất huyết não thất nhiều, tuổi trẻ và không có các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch não.
6. Điều trị đột quỵ xuất huyết não như thế nào?
Đột quỵ xuất huyết não cần được điều trị càng nhanh càng tốt để giảm chảy máu và hạn chế mức độ tổn thương trong não.
Bước đầu tiên là tìm ra nguyên nhân gây chảy máu trong não. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ chảy máu. Nhìn chung, quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ xuất huyết não là:
- Kiểm soát các dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, nhịp thở
- Kiểm soát chảy máu
- Kiểm soát huyết áp
- Giảm áp lực nội sọ
- Kiểm soát cơn co giật
Các thuốc được sử dụng có thể bao gồm:
- Thuốc chống động kinh để dự phòng co giật.
- Thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
- Thuốc lợi tiểu thẩm thấu để giảm áp lực nội sọ trong khoang dưới nhện.
Phẫu thuật:
Đối với các trường hợp xuất huyết não thứ phát do bất thường mạch máu (phình động mạch não, dị dạng động tĩnh mạch não, rò động tĩnh mạch não) có thể cần điều trị can thiệp nội mạch.
Sau đó, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng để vượt qua các khiếm khuyết do đột quỵ gây ra như: liệt và các vấn đề về vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và chữ viết, vấn đề tư duy và trí nhớ, rối loạn cảm xúc.
7. Phòng ngừa đột quỵ xuất huyết não
Để phòng tránh đột quỵ, mọi người lưu ý:
- Điều trị và kiểm soát tốt các nguy cơ dẫn đến đột quỵ như tăng huyết áp, mỡ máu, tim mạch,…
- Có chế độ sinh dưỡng hợp lý: Tích cực bổ sung các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ. Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh. Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành…
- Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
- Giữ ấm cơ thể: Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
- Không hút thuốc lá: Hút là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ không chỉ cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Vì thế, nếu đang hút thuốc lá, bạn nên bỏ ngay để bảo vệ sức khỏe nhé.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện những bất thường và có phương án điều trị kịp thời.
Hi vọng những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh đột quỵ xuất huyết não. Hãy thực hiện chế độ sinh hoạt khoa học và tầm soát đột quỵ nếu thấy dấu hiệu bất thường để được hỗ trợ xử lý kịp thời.
Bài viết liên quan:
- Phân loại và nhận biết dấu hiệu các dạng đột quỵ
- Đột quỵ thiếu máu não được chẩn đoán bằng phương pháp nào?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn