Hen phế quản ác tính: Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
21 Tháng sáu 2024

Lần cập nhật cuối:
19 Tháng chín 2024

Số lần xem:
170

Hen phế quản ác tính bao gồm những cơn hen nặng và hen nguy kịch mà không có khả năng đáp ứng thuốc điều trị giãn phế quản tích cực. Thông thường, hen phế quản là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và người bệnh cũng có thể chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của mình nếu bệnh được xử lý, điều trị và dự phòng tốt.

1. Tổng quan về bệnh hen phế quản ác tính

Thông tin cần biết về bệnh hen phế quản ác tính
Thông tin cần biết về bệnh hen phế quản ác tính

Hen phế quản ác tính không chỉ là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân bị hen mà đây cũng là tình trạng cấp cứu mà các bác sĩ không mong muốn khi điều trị cho những bệnh nhân hen.

Hen phế quản ác tính được định nghĩa là tình trạng hen không đáp ứng các phương pháp điều trị tích cực thông thường và dấu hiệu khó thở ngày càng nặng dần. Thông thường triệu chứng của bệnh sẽ xảy ra sau khoảng vài ngày nhiễm virus hoặc khi người bệnh tiếp xúc với những dị nguyên kích thích hay gắng sức trong môi trường lạnh.

Hen ác tính thông thường sẽ xuất hiện đối với bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, nhất là những thuốc kháng viêm hay lạm dụng thuốc để cắt cơn.

2. Nguyên nhân cơn hen phế quản ác tính

Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh hen phế quản ác tính
Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh hen phế quản ác tính

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các cơn hen phế quản ác tính. Trong đó có thể kể đến như:

  • Hít phải dị nguyên gây ra hiện tượng dị ứng đường hô hấp.
  • Tiếp xúc với dị nguyên dẫn đến dị ứng toàn thân và có ảnh hưởng đến phổi.
  • Viêm mũi xoang dị ứng.
  • Người bệnh xuất hiện tình trạng gắng sức.
  • Một số bệnh lý nhiễm trùng hô hấp có thể là nguyên nhân dẫn đến những cơn hen ác tính như: viêm phế quản, viêm phổi…
  • Khói thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây khởi phát những cơn hen ác tính
  • Một số loại thuốc gây khởi phát cơn hen là: Aspirin, Betaloc, thuốc chống viêm giảm đau nonsteroid, các thuốc gây nghiện,…
  • Thời tiết lạnh hoặc người bị hen hít phải không khí lạnh
  • Người bệnh không tuân thủ những yêu cầu trong điều trị hoặc thực hiện không theo phác đồ đã được các bác sĩ chẩn đoán trước đó. .

3. Các biến chứng cơn hen phế quản ác tính

Hen phế quản ác tính có thể gây biến chứng khôn lường
Hen phế quản ác tính có thể gây biến chứng khôn lường

Với tính chất nguy kịch của bệnh, cơn hen ác tính có thể mang đến những biến chứng khôn lường và vô cùng nguy hiểm:

  • Biến chứng đầu tiên thường gặp ở những bệnh nhân bị hen ác tính đó chính là tràn khí màng phổi. Bệnh nhân thường sẽ gặp khi phổi bị căng giãn quá mức lúc trong cơn hen. Cùng lúc đó, bệnh nhân có thể gặp cả tràn khí trung thất hay tràn khí dưới da, thậm chí tràn khí sau phúc mạc.
  • Biến chứng dò khí – thực quản đối với những bệnh nhân cần đặt nội khí quản.
  • Rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, suy tim hay nhồi máu cơ tim.
  • Có thể xẹp phổi khi bị tắc đờm hoặc bị phù nề niêm mạc phế quản quá mức.
  • Viêm phổi.
  • Ngộ độc do sử dụng quá liều thuốc giãn phế quản.
  • Toan hô hấp.
  • Rối loạn điện giải trong cơ thể.

4. Chẩn đoán và nhận biết cơn hen ác tính

Hen phế quản ác tính có 2 loại khởi phát, đó là cơn khởi phát chậm (chiếm 90%) có xu hướng tiến triển nặng dần sau 6 giờ và cơn hen tiến triển đột ngột (chiếm khoảng 10%).

Hướng dẫn chẩn đoán và nhận biết hen phế quản ác tính
Hướng dẫn chẩn đoán và nhận biết hen phế quản ác tính

4.1. Hen nặng

Khi lên cơn hen ác tính người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng:

  • Khó thở nặng kéo dài trong nhiều giờ;
  • Có xu hướng cúi người ra phía trước, khó chịu, vật vã, xanh tái; chỉ nói được từng từ;
  • Tiếng thở khò khè to;
  • Nhịp thở thường > 30 lần/phút,
  • Tần số tim mạch >120/phút, huyết áp tăng;
  • Khi cố gắng thở có co lõm ngực;
  • Mạch nghịch (thường có): >25mmHg;
  • Lưu lượng đỉnh kế thở ra (PEF) sau lần dùng thuốc giãn phế quản đầu tiên ở khoảng 60-80%
  • Khí máu động mạch: PaO2 > 60 mmHg, PaCO2 >45mmHg (suy hô hấp);
  • SaO2 hoặc SpO2 <90%

Người bệnh được đánh giá mắc hen phế quản nặng khi:

  • Có từ 4 dấu hiệu nặng trở lên;
  • Khả năng đáp ứng điều trị bằng thuốc giãn phế quản kém;
  • Đã có tiền sử đặt nội khí quản hay thở máy, nhập cấp cứu nhiều lần, đã sử dụng Corticoid toàn thân.

4.2. Hen nguy kịch

Cơn hen suyễn nặng có thể chuyển nguy kịch
Cơn hen suyễn nặng có thể chuyển nguy kịch

Khi không được cấp cứu kịp thời, cơn hen nặng có thể chuyển biến sang tình trạng hen nguy kịch với các dấu hiệu:

  • Khó thở, thở ngáp
  • Bệnh nhân rơi vào tình trạng lơ mơ, lú lẫn, rối loạn ý thức
  • Không thể nói chuyện được
  • Nhịp thở, nhịp mạch chậm
  • Thở ngực – bụng luân phiên
  • Có thể không thấy mạch nghịch đảo

5. Các biện pháp điều trị hen phế quản ác tính

Các biện pháp điều trị hen phế quản ác tính hiện nay
Các biện pháp điều trị hen phế quản ác tính hiện nay

Điều trị hen phế quản ác tính là quá trình điều trị tích cực đòi hỏi đội ngũ bác sĩ phải thực hiện nhanh chóng, kịp thời và đúng nguyên tắc. Trong đó, các bác sĩ có thể áp dụng một số các biện pháp dưới đây:

5.1. Sử dụng thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản là thuốc điều trị chính đối với bệnh hen. Hầu hết bệnh nhân sẽ đáp ứng thuốc ngay trong 1 giờ sử dụng. Thuốc có hai cách sử dụng đó là đường hít và phun khí dung. Người bệnh cần sử dụng theo đúng liều lượng được hướng dẫn.

Với những bệnh nhân hen phế quản mà có bệnh nền như cường giáp, đái tháo đường và bệnh lý tim mạch,… cần chú ý khi sử dụng bởi có thể gặp tác dụng phụ như: kích thích, rối loạn nhịp tim và hạ kali máu.

5.2. Thuốc kháng Cholinergic

Thuốc kháng Cholinergic có hiệu quả khi hỗ trợ với những thuốc cường giao cảm nên dùng sớm trong những cơn hen nặng. Về liều dùng, người bệnh cần 4 – 8 nhát bóp Ipratropium của dụng cụ hít định liều với buồng đệm hay 0,5mg phun khí dung mỗi 4, 6 giờ.

5.3. Thuốc kháng viêm Corticoid

Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng khi hen tái phát
Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng khi hen tái phát

Corticoid là thuốc cần được sử dụng trong trường hợp cấp cứu những cơn hen ác tính và người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Thuốc kháng viêm Corticoid có tác dụng giảm viêm, tăng số lượng và nhạy cảm của các thụ thể beta, ức chế sự di chuyển và chức năng của bạch cầu ái toan.

Thuốc kháng viêm Corticoid toàn thân nên dùng cho tất cả các bệnh nhân, nhất là đối với những bệnh nhân không đáp ứng hoàn toàn với điều trị thuốc beta 2 ban đầu. Bởi khi dùng thuốc cũng sẽ có tác dụng làm giảm nhu cầu nhập viện, giảm tái phát cũng như giảm nguy cơ tử vong do hen.

5.4. Methylxanthine

Nhóm thuốc giãn phế quản Methylxanthine có tác dụng kéo dài có tính chất tương tự như caffeine. Loại thuốc này đã từng được sử dụng rất nhiều để điều trị hen ác tính, nhưng do một số tác dụng phụ mà hiện nay ít được sử dụng hơn.

5.5. Các phương pháp khác

Bên cạnh những phương pháp điều trị trên, các bác sĩ cũng có thể xử trí hen ác tính bằng cách truyền oxy, bù nước và điện giải, dùng kháng sinh, Magnesium sulfate hoặc những biện pháp thông khí cơ học. Tóm các bác sĩ sẽ cần cân nhắc theo tình trạng bệnh nhân để đưa ra những phương án điều trị phù hợp.

6. Phòng ngừa cơn hen phế quản ác tính

Biện pháp phòng ngừa cơn hen phế quản ác tính
Biện pháp phòng ngừa cơn hen phế quản ác tính

Cơn hen ác tính có thể gây nguy hiểm tính mạng của bệnh nhân bất cứ lúc nào và không phải khi nào bệnh nhân cũng đến cơ sở y tế kịp thời. Vì vậy, bệnh nhân cần có ý thức phòng cơn hen phế quản, nhất là cơn hen ác tính. Các biện pháp phòng ngừa gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi, lông động vật, phấn hoa… Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không nuôi động vật trong nhà.
  • Người bệnh tránh ăn thức ăn mà cơ thể bị dị ứng và cả thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao như hải sản, nhộng tằm,…
  • Phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Người bệnh cần phải mang theo thuốc xịt hen bên mình.
  • Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
  • Người bệnh hen phế quản cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
  • Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19.
  • Thăm khám định kỳ để được tư vấn mức độ nặng/nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợp.

Bên cạnh đó, người bị hen suyễn có thể phòng tránh, ngăn ngừa cơn hen bằng cách giữ thông thoáng đường thở. Người lớn bị hen suyễn có thể sử dụng thêm sản phẩm xịt rửa mũi chứa Natri clorid, natri benzoat, polysorbate, tinh dầu bạc hà, nước tinh khiết có công dụng giúp vệ sinh làm sạch xoang mũi giúp ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như ngạt mũi, chảy nước mũi làm thông thoáng đường thở, đào thải dịch nhầy và loại bỏ tác nhân gây viêm mũi xoang; hỗ trợ, làm giảm triệu chứng của viêm mũi, viêm xoang, giúp làm giảm đau đầu, nhức hốc mắt do viêm xoang; phòng ngừa sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi xoang, phòng tránh các bệnh đường hô hấp.

Trẻ em bị hen suyễn nên giữ thông thoáng đường thở, làm sạch gỉ mũi, chất nhầy, loại bỏ tác nhân gây viêm mũi xoang để giảm triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi dị ứng, từ đó ngăn cơ hen tái phát. Phụ huynh có thể cho bé dùng xịt rửa mũi có chứa Natri clorid, natri benzoat, polysorbate, tinh dầu tràm, nước tinh khiết phòng tránh các bệnh đường hô hấp, trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng.

Như vậy, bệnh hen phế quản ác tính nếu không được chẩn đoán và kiểm soát liên tục thì sẽ gây ra những hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Do đó, ngay khi phát hiện những triệu chứng của bệnh, người bệnh cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để tầm soát và có phác đồ điều trị sớm.

Bài viết liên quan:

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận