Tìm hiểu về hen phế quản ở trẻ để điều trị triệt để

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
20 Tháng ba 2024

Lần cập nhật cuối:
19 Tháng chín 2024

Số lần xem:
404

Hen phế quản ở trẻ em là một bệnh lý hô hấp phổ biến, gây ra các triệu chứng như ho, khó thở và khò khè. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị hiệu quả giúp trẻ quản lý tình trạng bệnh tốt hơn.

1. Tổng quan về hen suyễn ở trẻ em

Những điều cần biết về bệnh hen phế quản ở trẻ em
Những điều cần biết về bệnh hen phế quản ở trẻ em

Hen phế quản hay hen suyễn, bệnh suyễn là bệnh phổ biến ở đường hô hấp. Bệnh lý này là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tỷ lệ trẻ nhập viện và nhập khoa cấp cứu cao. Bệnh xuất hiện ở trẻ em khi phổi và đường thở bị viêm sau khi tiếp xúc với một số tác nhân như hít phải phấn hoa hoặc bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác. Hen suyễn ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng khó chịu gây cản trở việc vui chơi, học tập và giấc ngủ của trẻ. Nếu bệnh không được kiểm soát có thể gây ra các cơn hen cấp rất nguy hiểm. Bệnh có thể tiếp tục đến khi trẻ trưởng thành. Nhưng nếu có phác đồ điều trị chuẩn, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa thiệt hại cho phổi đang phát triển. [1]

2. Các triệu chứng hen phế quản ở trẻ

Triệu chứng nhận biết trẻ bị hen phế quản
Triệu chứng nhận biết trẻ bị hen phế quản

Triệu chứng hen phế quản ở trẻ không giống nhau ở các trẻ. Nhưng có một số dấu hiệu, triệu chứng điển hình dưới đây:

  • Khó thở, khò khè, nghe thấy tiếng rít khi hít vào hoặc thở ra.
  • Trẻ bị ho kéo dài, ho nhiều về đêm.
  • Trẻ có biểu hiện thở nhanh, thở gấp.
  • Sức đề kháng kém, dễ bị ho, khó thở, sổ mũi khi thay đổi thời tiết, khi gặp thời tiết lạnh.
  • Trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, uể oải không muốn hoạt động.
  • Trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống, nuốt do đường thở bị co thắt.

Nếu thấy trẻ có những biểu hiện này thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác tình trạng và điều trị sớm.

3. Nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em
Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây hen phế quản ở trẻ, trong đó tác nhân gây dị ứng là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đó là các yếu tố nguy cơ như di truyền, môi trường sống, cụ thể là:

  • Trẻ dị ứng với các yếu tố như lông thú, phấn hoa…
  • Có cha mẹ từng mắc bệnh hen phế quản.
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn như viêm mũi, viêm họng, viêm xoang, viêm Amidan…
  • Thay đổi thời tiết khiến trẻ bị ho, cảm lâu ngày nhưng không được điều trị dứt điểm, lâu ngày dẫn đến hen.
  • Trẻ sinh non có thể trạng kém, nhẹ cân, suy dinh dưỡng… cũng là đối tượng dễ mắc bệnh. [2]

4. Hen phế quản ở trẻ có nguy hiểm không?

Trẻ bị ho hen phế quản gây ra những nguy hiểm gì?
Trẻ bị ho hen phế quản gây ra những nguy hiểm gì?

Cha mẹ dễ nhầm hen phế quản ở trẻ với các bệnh khác ở đường hô hấp nên không kiểm soát, cải thiện được tình trạng bệnh. Nếu trẻ không được điều trị sớm, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm mà điển hình là:

  • Xẹp phổi: Đây là biến chứng rất phổ biến, xuất hiện ở khoảng ⅓ các trường hợp trẻ bị hen phế quản.
  • Giãn phế nang đa tiểu thùy: Ở trẻ bị hen phế quản, sự đàn hồi của phế nang giảm dẫn, thở ra ít nên dẫn đến thể tích khí cặn tăng cao.
  • Suy hô hấp: Trẻ bị khó thở, tím tái, có khi còn phải dùng máy thở hỗ trợ. Nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, gây tử vong.
  • Tràn khí màng phổi: Phế nang giãn rộng khiến mạch máu thưa, nuôi dưỡng kém và tăng áp lực trong phế nang. Khi trẻ ho mạnh, ho kéo dài có thể khiến phế nang bục vỡ, dẫn đến tràn khí màng phổi.

5. Các phương pháp chẩn đoán hen phế quản ở trẻ

Những phương pháp chẩn đoán bệnh hen phế quản ở trẻ hiện nay
Những phương pháp chẩn đoán bệnh hen phế quản ở trẻ hiện nay

Để chẩn đoán chính xác bệnh, tránh nhầm lẫn với bệnh lý hô hấp các bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ có thể dựa trên triệu chứng lâm sàng của trẻ để chẩn đoán bệnh cũng như loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như viêm đường hô hấp…
  • Đo chức năng hô hấp: Việc đo chức năng hô hấp, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản giúp đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi sử dụng thuốc thì có khả năng trẻ bị bệnh hen phế quản cao.
  • Xét nghiệm: Các xét nghiệm như xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đờm sẽ giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT phổi, X-quang phổi… sẽ giúp nhận diện những hình ảnh bất thường của bệnh hen phế quản.

Xem thêm: Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em như thế nào?

6. Điều trị hen phế quản ở trẻ em như thế nào?

Có thể kiểm soát bệnh hen phế quản ở trẻ em nếu được điều trị sớm và đúng cách các triệu chứng. Một số phương pháp điều trị khi trẻ bị hen suyễn như:

6.1. Dựa vào tiền sử và tình trạng, mức độ của bệnh

Điều trị hen suyễn ở trẻ theo mức độ bệnh
Điều trị hen suyễn ở trẻ theo mức độ bệnh

Cách điều trị dựa vào cấp độ, tình trạng bệnh hen phế quản ở trẻ sẽ giúp theo dõi chặt chẽ và có hướng điều trị phù hợp.

Đối với trẻ có cơn hen nhẹ: Bác sĩ thường dùng khí dung Ventolin 0,05-0,15mg/kg nhắc lại sau 30 phút hoặc cho uống thuốc mở phế quản nhóm salbutamol (Ventolin, Solmux Broncho,…), Terbutaline sulphate ( Bricanyl,…). Việc làm sạch mũi, thông thoáng đường thở (Sterimar, sterimar,…) luôn cần thiết trong quá trình điều trị giai đoạn hen nhẹ và sẽ đánh giá bệnh nhân sau 1 giờ.

Đối với trẻ có cơn hen vừa: Bác sĩ sử dụng khí dung kết hợp giữa ventolin làm mở phế quản với thuốc nhóm corticoid dạng phun sương như Fluticasone propionate (Flixotide), Budesonide (Pulmicort, Symbicort,…).

Đối với trẻ có cơn hen nặng:

  • Sử dụng Oxy qua mặt nạ – Khí dung salbutamol kết hợp với Ipratropium mỗi 20 phút x 3 lần (đánh giá lại sau mỗi lần phun) – Hydrocortisone hoặc Methylprednisolon.
  • Cơn hen trở nặng (hen ác tính): Trẻ phải được nằm cấp cứu tại bệnh viện, thở oxy, khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid, nặng hơn có thể phải đặt nội khí quản và thở bằng máy.

6.2. Thuốc điều trị hen phế quản

Cho trẻ bị hen phế quản sử dụng thuốc cắt con hen
Cho trẻ bị hen phế quản sử dụng thuốc cắt con hen
  • Thuốc cắt cơn hen: Các thuốc thường dùng hiện nay có ventolin (salbutamol), bricanyl (terbutaline)… dùng dưới dạng xịt có định liều hoặc dạng phun khí dung.
  • Thuốc kiểm soát cơn hen: Gồm thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài có tác dụng ngăn ngừa cơn hen. Thuốc hiện nay thường được sử dụng là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất có pulmicort (budesonide), flixotide (fluticasone) hoặc phối hợp có symbicort (budesonide-formoterol); seretide (fluticasone-salmeterol)…

6.3. Thay đổi lối sống

Cha mẹ có thể xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học sẽ giúp kiểm soát tốt triệu chứng hen phế quản ở trẻ. Cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây. Hàng ngày tập cho trẻ thói quen vận động, tập thể dục. Đồng thời giữ cho trẻ tránh tiếp xúc với các yếu tố khởi phát cơn hen như phấn hoa, lông thú, khói bụi…

7. Biện pháp phòng ngừa hen phế quản ở trẻ

Tránh xa các tác nhân gây hen để phòng cơn suyễn ở trẻ nhỏ
Tránh xa các tác nhân gây hen để phòng cơn suyễn ở trẻ nhỏ

Hen phế quản trẻ em là bệnh phổ biến, dễ mắc nếu không điều trị thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống thường ngày của trẻ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm. Do đó việc phòng ngừa từ sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Cha mẹ nên thực hiện các cách dưới đây:

  • Không nên để vật nuôi như chó, mèo đến gần trẻ.
  • Hạn chế cho trẻ đến những nơi có tác nhân gây hen như khói bụi, khói thuốc lá, bếp củi.
  • Cẩn thận khi cho trẻ ăn các loại thức ăn có thể gây dị ứng như tôm, cua, hải sản.
  • Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, khi thay đổi thời tiết.
  • Tập cho trẻ thói quen ăn nhiều trái cây, rau xanh, bổ sung những thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng.
  • Cho trẻ vận động mỗi ngày.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.
  • Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ thường có thể phát hiện sớm bệnh nếu có và điều trị kịp thời.

Ngoài ra để giữ cho đường mũi của trẻ thì hàng ngày cha mẹ có thể dùng xịt rửa mũi. Trẻ em có thể dùng xịt rửa mũi có Natri clorid, natri benzoat, polysorbate, tinh dầu tràm, nước tinh khiết. Sản phẩm sẽ giúp vệ sinh mũi hàng ngày, giúp loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy và loại bỏ tác nhân gây viêm mũi xoang, làm sạch và thông mũi, phòng ngừa và làm giảm sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang; làm ẩm, phục hồi độ ẩm tự nhiên của niêm mạc mũi giúp làm giảm tình trạng khô mũi, giảm kích ứng đặc biệt trong thời tiết hanh khô, phòng điều hòa; phòng ngừa sổ mũi, ngạt mũi, viêm mũi xoang, phòng tránh các bệnh đường hô hấp. thích hợp dùng cho trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên.

Hy vọng bài viết trên có thể cung cấp thêm thông tin về tình trạng bé bị hen phế quản để giúp cha mẹ hiểu hơn, tránh lo lắng, rối ren. Bệnh hen phế quản ở trẻ cần được điều trị ngay và đúng cách để tránh bệnh phát triển nặng ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí tính mạng của trẻ.

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo:

  • [1] Asthma in Children https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/asthma/asthma-in-children
  • [2] Childhood asthma https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/childhood-asthma/symptoms-causes/syc-20351507
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận