Khám viêm xoang là việc làm cần thiết khi bạn có dấu hiệu bệnh như sổ mũi, hắt hơi liên tục, đau tức vùng trán, mất khứu giác tạm thời,… Thông qua việc thăm khám, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp cùng với những lời khuyên bổ ích. Vậy khi nào cần khám viêm xoang và quy trình khám như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để biết câu trả lời nhé.
1. Khi nào nên đi khám viêm xoang?
Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các hốc xoang như xoang trán, xoang sàng, xoang bướm, xoang hàm,… Đây là một trong những căn bệnh khá phổ biến mà người lớn và trẻ nhỏ đều có khả năng mắc phải.
Về cơ bản, triệu chứng viêm xoang cấp khá giống với cảm cúm, cảm lạnh hay viêm mũi dị ứng. Nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn mãn tính, triệu chứng bệnh thường kéo dài và nặng hơn, đặc biệt còn ảnh hưởng đến các dây thần kinh gây mờ mắt, đau nhức đầu, choáng váng,… Ở giai đoạn này, việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều, khả năng tái phát cao. Do đó, bạn cần đi khám viêm xoang sớm và điều trị bệnh ngay khi xuất hiện các triệu chứng sau:
- Hay bị hắt hơi, ngạt mũi.
- Sổ mũi nhiều hoặc chảy nhiều nước mũi xuống cổ họng.
- Khứu giác kém.
- Đau nhức ở mũi và một số vùng ở trên mặt như: thái dương, trán, mắt, đầu,..
- Sốt.
- Ho kéo dài, hay phải khạc đờm, khụt khịt.
2. Trước khi khám viêm xoang cần chuẩn bị gì?
Trước khi khám viêm xoang, người bệnh cần lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín, đồng thời chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái. Đồng thời, bạn cũng cần ghi nhớ đầy đủ các triệu chứng mà mình đang gặp phải và những loại thuốc đang sử dụng để trình bày với bác sĩ, giúp việc chẩn đoán bệnh trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chuẩn bị một số giấy tờ cá nhân liên quan đến việc làm thủ tục khám bệnh như thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân, sổ khám bệnh,…
Khi tới khám viêm xoang, chú ý vệ sinh mũi, họng và răng miệng cho sạch sẽ để giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được những tổn thương trong xoang.
3. Quy trình khám viêm xoang như thế nào?
Về cơ bản, quy trình khám viêm xoang sẽ gồm các bước sau:
3.1. Hỏi bệnh
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân các thông tin gồm:
- Các triệu chứng bệnh: Tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, ngạt mũi, đau đầu, mỏi gáy, mờ mắt, khạc ra đờm, mất khứu giác,… có kéo dài bao lâu? Mức độ và tần xuất như thế nào?…
- Tình trạng nghề nghiệp có liên quan đến bệnh: Làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất độc hại,…
- Thời gian khởi phát bệnh, hiện trạng và các thuốc điều trị đang sử dụng.
3.2. Khám thực thể mũi
Bước tiếp theo trong quy trình khám viêm xoang đó chính là kiểm tra thực thể mũi. Bác sĩ sẽ quan sát cả bên trong lẫn bên ngoài để tìm kiếm các dấu hiệu liên quan đến bệnh.
Khám ngoài mũi
Bác sĩ tiến hành quan sát và dùng tay sờ nắn vào các bộ phận như gốc mũi, hai bên cánh mũi hoặc sống mũi nhằm tìm điểm bị đau và phát hiện ra các dị tật ở xoang mũi nếu có.
Khám trong mũi
- Kiểm tra tiền đình mũi: Bác sĩ kiểm tra xem có mụn nhọt, tổn thương hay vết loét ở tiền đình mũi hay không.
- Soi mũi trước: Sử dụng dụng cụ làm cho cánh mũi rộng ra để quan sát xem có tổn thương ở cuốn mũi, hốc mũi hay không.
- Soi mũi sau: Bệnh nhân được yêu cầu ngồi ở tư thế thẳng, lưng không tựa vào thành ghế. Bác sĩ sẽ cầm một chiếc gương soi nhỏ đưa vào trong miệng người bệnh để quan sát được toàn bộ khu vực vòm họng, hai bên cửa lỗ mũi sau và phần miệng dưới cũng như loa vòi tai.
Khám thực thể xoang
- Quan sát bằng mắt thường: Kiểm tra dấu hiệu phù nề, sưng hay biến dạng ở các vị trí như mặt trước xoang, gốc mũi hay rãnh giữa mũi với má hoặc mắt.
- Ấn tay tìm điểm đau: Bác sĩ ấn nhẹ vào các vị trí xoang hàm, xoang trán (phần gờ trên phía trong cung lông mày), xoang sàng trước (góc trong hốc mắt). Điểm đau có thể cho thấy vùng xoang đó đang bị nhiễm trùng.
- Chọc dò xoang hàm: Bác sĩ có thể tận dụng lỗ thông giữa xoang hàm và mũi để luồn một cây kim vào bên trong để hút dịch. Dịch tiết sẽ được đem đi kiểm tra tế bào học và tìm kiếm sự hiện diện của vi khuẩn.
Khám chức năng
Bước khám viêm xoang này có mục đích kiểm tra mức độ ảnh hưởng của bệnh đến chức năng thở và khứu giác. Cách thức tiến hành như sau:
- Kiểm tra chức năng thở: Bệnh nhân đứng trước mặt gương đặc biệt và hít thở đều. Trong quá trình bệnh nhân thở ra sẽ có hơi nước làm mờ gương. Độ mờ của gương sẽ cho thấy chức năng thở của họ có tốt không. Trường hợp bị tịt mũi hoàn toàn thì gương sẽ không bị mờ.
- Đánh giá khả năng ngửi mũi: Bác sĩ sử dụng một cái ngửi kế để đưa một số chất có mùi vào trong mũi để đo được ngưỡng ngửi của từng chất. Số liệu thu được sẽ giúp bác sĩ đánh giá về tình trạng khứu giác của người bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh
Để tăng thêm mức độ chính xác của chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm dị ứng: Nếu nghi ngờ bệnh viêm xoang cấp của bạn bị kích hoạt bởi dị ứng, bác sĩ có thể yêu cầu bạn test dị ứng qua da. Bác sĩ nhỏ các dung dịch chứa các chất dị nguyên lên một miếng lót và dán vào da trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó, xác định có phải bạn bị viêm mũi xoang dị ứng không và chất nào gây ra tình trạng dị ứng.
- Nội soi mũi: Bác sĩ sẽ dùng ống nội soi có gắn camera đưa vào các xoang để thu thập đầy đủ hình ảnh về niêm mạc trong xoang theo đường đi của ống nội soi.
- Chụp X-quang, CT: Hình ảnh ghi nhận được sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những điểm bất thường trong các hốc xoang.
- Xét nghiệm mẫu mô mũi hoặc xoang: Kỹ thuật này ít khi được thực hiện. Tuy nhiên bác sĩ có thể lấy mẫu mô từ mũi xoang và quan sát dưới kính hiển vi để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Trên đây là quy trình khám viêm xoang cơ bản tại các cơ sở y tế. Khi có những biểu hiện nghi ngờ viêm xoang, bạn hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh để lâu khiến bệnh trở thành mãn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày.
Bài viết liên quan:
- Địa chỉ khám viêm xoang ở đâu uy tín và hiệu quả nhất hiện nay?
- Liệu viêm xoang có chữa khỏi được không?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn