Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến và cách phục hồi hiệu quả

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
19 Tháng mười 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
382

Một di chứng mà người bệnh đột quỵ có thể gặp phải là rối loạn ngôn ngữ sau tai biến. Cùng tìm hiểu về tình trạng này và các bài tập cải thiện hiệu quả trong bài viết sau đây.

1. Các thể rối loạn ngôn ngữ do di chứng sau tai biến mạch máu não

Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến là di chứng rất thường gặp, chiếm đến 40% di chứng của tai biến mạch máu não. Tình trạng này xảy ra do tổn thương não làm giọng nói người bệnh bị méo tiếng, khi phát âm như bị mất nguyên âm cuối từ, nói lắp, nói bập bẹ. Người bệnh bị chuyển giọng, nhịp điệu tiếng nói và âm điệu ngôn ngữ bị thay đổi.

Các thể rối loạn ngôn ngữ sau tai biến thường gặp
Các thể rối loạn ngôn ngữ sau tai biến thường gặp

Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến được chia thành 4 thể dựa vào vị trí não bị tổn thương:

  • Tổn thương vùng sinh ra ngôn ngữ (tổn thương vùng Broca): Trường hợp này thường gặp nhất, người bệnh hiểu được những gì mình muốn nói và những điều người khác nói với mình nhưng lại không nói ra được, hoặc chỉ nói được một vài từ, nói nhát gừng. Nếu bị tổn thương ở mức độ nhẹ, người bệnh nói được nhưng khả năng nói kém, khó khăn trong việc lặp lại câu nói của người khác hoặc của chính mình.
  • Tổn thương vùng hiểu ngôn ngữ (tổn thương vùng Wernicke): Người bệnh có thể nói được, nói một cách lưu loát nhưng không hiểu hoặc chỉ hiểu một phần rất ít những gì người khác nói với mình. Các câu nói của người bệnh thường vô nghĩa và khả năng lặp lại câu nói của người khác kém.
  • Tổn thương đường dẫn truyền kết nối giữa vùng sinh ngôn ngữ (vùng Broca) và vùng hiểu ngôn ngữ (vùng Wernicke) liên quan tới chức năng lời nói: Người bệnh có khả năng nói và hiểu tốt nhưng lặp lại câu nói người khác hoặc của chính mình rất kém. Những người bệnh thất ngôn dẫn truyền vẫn nhận biết được thiếu sót của mình và cố gắng tự sửa.
  • Tổn thương toàn thể tất cả các vùng chức năng ngôn ngữ: Người bệnh không nói được hoặc nói rất kém, không lưu loát, khả năng hiểu và lặp lại kém.

2. Hậu quả của rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não

Hậu quả khó lường khi bị tai biến không nói được do rối loạn ngôn ngữ
Hậu quả khó lường khi bị tai biến không nói được do rối loạn ngôn ngữ

Rối loạn ngôn ngữ của tai biến sẽ khiến người bệnh khó khăn trong việc giao tiếp với người khác, từ đó dẫn đến khó khăn trong các sinh hoạt hàng ngày và cần có sự trợ giúp của người thân. Tình trạng này khiến người bệnh sống khép kín, tự ti, trầm cảm, sức khỏe bị suy giảm. Do đó cần áp dụng các cách phục hồi khả năng ngôn ngữ, các vùng não khác sẽ phát huy khả năng tối đa để bù trừ cho vùng não điều khiển ngôn ngữ bị tổn thương. Tất cả các thể thương tổn sau quá trình tập luyện đều được cải thiện trong đó thể tổn thương vùng sinh ngôn ngữ (vùng Broca) được phục hồi tốt nhất.

3. Bài tập tại nhà cho người bệnh rối loạn ngôn ngữ do tai biến mạch máu não

Làm quen với các bài tập cải thiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến
Làm quen với các bài tập cải thiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến

3.1. Mục tiêu

Việc áp dụng các bài tập rối loạn ngôn ngữ sau tai biến là cần thiết sẽ giúp người bệnh sửa chữa các khiếm khuyết, rối loạn về ngôn ngữ và lời nói để có ngôn ngữ và lời nói càng giống như bình thường thì càng tốt. Phát huy mọi khả năng, mọi hình thức giao tiếp cả bằng lời nói và ngôn ngữ không lời, cả việc sử dụng các dụng cụ trợ giúp thay thế như máy trợ âm hoặc các ký hiệu giao tiếp để người bệnh có thể giao tiếp được tốt nhất.

3.2. Phương pháp tập luyện tại nhà

Trường hợp nếu người bệnh hiểu tốt, nhưng chưa nói được nhiều từ

  • Với trường hợp này thì có thể sử dụng tranh ảnh, hình vẽ hoặc các đồ vật hàng ngày để hướng dẫn, giới thiệu tên từng vật rồi yêu cầu người bệnh nhắc lại. Sau đó thì cất các đồ vật đi, rồi đưa từng vật ra để hỏi và yêu cầu người bệnh nhắc lại.
  • Người thân có thể mô tả một vật để người bệnh tìm tên phù hợp như hỏi cái gì dùng để chải đầu và người bệnh có thể tìm được từ là cái lược… Nếu người bệnh nói tên đồ vật khó, hướng dẫn người bệnh dùng cử chỉ, dấu hiệu để diễn đạt.
  • Hướng dẫn người bệnh vừa nói vừa dùng dấu hiệu để giao tiếp.
  • Ưu tiên tập nói tên một số đồ vật gần gũi xung quanh như cốc, chén, bát, đũa, bàn, ghế, tủ, màu sắc, số đếm, ngày tháng, chữ cái,…
Luyện tập cải thiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến tùy từng trường hợp
Luyện tập cải thiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến tùy từng trường hợp

Trường hợp nếu người bệnh nói được các từ đơn

  • Hướng dẫn người bệnh ghép các từ đơn thành một câu ngắn, rồi câu dài hơn.
  • Ưu tiên hướng dẫn người bệnh nói những câu từ đơn giản như uống nước, ăn cơm, đi tiểu, đói bụng, đau bụng, đau đầu,… để người bệnh có thể nhờ người thân hỗ trợ các nhu cầu cơ bản trong ngày.
  • Người thân sử dụng tranh ảnh để người bệnh mô tả theo tranh ảnh như cho người bệnh xem ảnh của người trong gia đình hoặc bạn bè và hỏi xem đó là ai, bao nhiêu tuổi, đang làm nghề gì…
  • Chơi các trò chơi như tìm từ đối nghĩa xa- gần, nóng- lạnh, trên- dưới, trò chơi mô tả đồ vật, con người, khuyến khích người bệnh liệt kê càng nhiều càng tốt danh mục các đồ vật như trái cây, động vật hay các loại hoa.
  • Việc tập nói cần diễn ra liên tục và kiên trì hàng ngày.
  • Khuyến khích người bệnh kể lại các câu truyện ngắn vừa nghe.
  • Cho người bệnh tập đọc một số từ, từ ngắn đến dài dần. Khi khả năng đọc được cải thiện có thể cho người bệnh đọc sách, báo.
  • Có thể khuyến khích người bệnh hát một số bài hát yêu thích hoặc hát karaoke.

Trường hợp nếu người bệnh hiểu kém

Người thân sử dụng dấu hiệu, cử chỉ kết hợp với lời nói để gọi tên các đồ vật, hành động.

Đặt hai đến ba đồ vật ra trước mặt, yêu cầu người bệnh chỉ từng đồ vật khi nghe tên vật. Nếu người bệnh chỉ sai, dùng dấu hiệu, cử chỉ để mô tả vật cho đến khi người bệnh chỉ đúng.

Khi người bệnh hiểu nhiều, hướng dẫn người bệnh nói từng từ đơn rồi câu ngắn.

4. Một số điểm chú ý khi tập luyện

Lưu ý khi luyện tập điều trị tai biến không nói được do rối loạn ngôn ngữ
Lưu ý khi luyện tập điều trị tai biến không nói được do rối loạn ngôn ngữ

Khi áp dụng các cách cải thiện rối loạn ngôn ngữ sau tai biến cần lưu ý:

  • Người bệnh, người thân có thể sử dụng nhiều cách thức giao tiếp khác nhau như cử chỉ, vẻ mặt, nói, đọc, viết và vẽ.
  • Người thân khi hướng dẫn cho người bệnh nên lưu ý nói chậm lại, không gián đoạn, sử dụng công cụ trợ giúp giao tiếp, cử chỉ, vẽ nếu cần.
  • Người bệnh luyện tập càng sớm càng có lợi, nên bắt đầu từ dễ đến khó, tạo môi trường vui vẻ, luôn khuyến khích, cổ vũ, động viên khi luyện tập tránh cho người bệnh có cảm giác mình như một đứa trẻ.
  • Nên chia việc luyện tập thành nhiều thời điểm trong ngày, tránh gây mệt mỏi cho người bệnh do luyện tập quá nhiều cùng một lúc.
  • Thường xuyên thay đổi cách tập, địa điểm tập, các thành viên trong gia đình nên thay phiên nhau hỗ trợ người bệnh, khi tập nên động viên người bệnh nói to nhất có thể.
  • Giữ cho người bệnh tinh thần lạc quan, kiên trì trong luyện tập vì nếu người bệnh chán nản, bỏ cuộc thì việc điều trị sẽ thất bại.

5. Ngăn ngừa hậu quả của tai biến mạch máu não

Biện pháp ngăn ngừa rối loạn ngôn ngữ và các hậu quả khác sau tai biến
Biện pháp ngăn ngừa rối loạn ngôn ngữ và các hậu quả khác sau tai biến

Cùng với rối loạn ngôn ngữ thì tai biến mạch máu não còn gây ra nhiều di chứng nặng nề khác như liệt vận động, suy giảm nhận thức, giảm thị lực, mất khả năng viết, rối loạn tiểu tiện… Các di chứng sau tai biến mạch máu não ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh, người bệnh cần rất nhiều thời gian tập luyện, điều trị với sự hỗ trợ của gia đình, hướng dẫn điều trị từ bác sĩ mới cải thiện được sức khỏe hiệu quả. Để ngăn ngừa hậu quả của tai biến thì nên:

  • Kiểm soát chặt chẽ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, điều trị và kiểm soát cholesterol máu, bỏ hút thuốc lá, đặc biệt là kiểm soát tốt huyết áp, huyết áp càng cao thì nguy cơ xảy ra tai biến mạch máu não càng lớn.
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động thể lực, hạn chế uống rượu bia, các chất kích thích, chế độ ăn ít béo, giàu vitamin, chất xơ.

Rối loạn ngôn ngữ sau tai biến rất dễ xảy ra và có thể cải thiện di chứng này nếu người bệnh, người nhà kiên trì áp dụng các bài tập kịp thời, đúng cách. Điều này giúp người bệnh sớm lấy lại khả năng giao tiếp và tái hòa nhập với cộng đồng.

>> Xem thêm: Cách cải thiện tình trạng mất ngủ sau tai biến hiệu quả

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận