Sa sút trí tuệ (SSTT) là căn bệnh phổ biến của người cao tuổi, nhưng không phải ai cũng biết cách phòng ngừa và điều trị.
Nguyên nhân
Người ta bị SSTT khi não bộ bị rối loạn, làm mất chức năng nhớ và nhận thức. Khoảng 40 tuổi, tỷ lệ SSTT chỉ chiếm 0,1% dân số; đến trên 65 tuổi, tỷ lệ này là 5% – 8%; sau 75 tuổi tăng lên 15% – 20%; và trên 85 tuổi, tỷ lệ này chiếm đến 25% – 50%. Sau 65 tuổi, SSTT tăng gấp đôi mỗi 5 năm.
Có nhiều nguyên nhân gây SSTT. Trong đó, 90% là do bệnh Alzheimer và các bệnh do nguyên nhân mạch máu.
Triệu chứng của SSTT thường là giảm trí nhớ, khó khăn khi tiêu tiền, mất kỹ năng mua sắm, gặp khó khăn khi đi lại, lúc dùng điện thoại…, có vẻ mặt ngơ ngác, thờ ơ với mọi người, hay than phiền là đã quên hết, rối loạn định hướng, giảm khả năng đánh giá, có “vấn đề” về tư duy, quên vị trí đồ vật, thay đổi khí sắc, thay đổi cá tính, mất tính chủ động…
Điều trị và phòng ngừa
Hiện nay, chưa có phương pháp chữa lành bệnh Alzheimer và SSTT mạch máu. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm, có thể làm chậm diễn tiến của bệnh bằng các thuốc ức chế men Acetylcholinesterase; thuốc chống oxy hóa như vitamine E, C, gingo biloba…; ở phụ nữ dùng nội tiết tố estrogen thay thế; sử dụng nhóm thuốc statin; thuốc chống thoái hóa thần kinh dạng tinh bột (các sợi thần kinh kết tập với nhau).
Do chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, nên hiệu quả điều trị chưa cao, vì thế tốt nhất là nên phòng ngừa SSTT bằng cách:
– Ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối.
– Tăng cường luyện tập thể thao, hạn chế cuộc sống tĩnh tại.
– Áp dụng các bài tập cho não thông qua các hoạt động hàng ngày như đọc sách báo, chơi cờ, giao tiếp bạn bè, tham gia các hoạt động xã hội, các sinh hoạt ở phường hội, câu lạc bộ…
– Hạn chế tiếp xúc môi trường độc hại.
– Hạn chế, tránh xa các đồ gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá…
– Duy trì cuộc sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời, bỏ xa ý nghĩ hận thù, cay cú hay cực đoan.
Chăm sóc
Người thân của người bệnh SSTT cần chú ý:
– Lắng nghe và theo dõi những hành động không lời của bệnh nhân để hiểu họ đang muốn gì.
– Cần hòa nhập vào thế giới của người bệnh, nói về những chuyện trong quá khứ. Cần kiên nhẫn, nhẹ nhàng, tránh làm người bệnh sợ hãi.
– Luôn lắng nghe người bệnh, ngay cả khi họ mất thời gian rất lâu để nói một câu.
– Thường xuyên giới thiệu bản thân và mối quan hệ của bạn với người bệnh.
– Tạo cho người bệnh cảm giác được yêu thương, chăm sóc.
– Đánh lạc hướng, thay vì cố tranh cãi, hãy trấn an và làm cho họ quên đi bằng cách thay đổi đề tài.
– Thường xuyên khuyến khích người bệnh những việc đơn giản như: mặc áo, đánh răng… và hãy khen ngợi khi họ thành công.
– Hãy tôn trọng người bệnh như trước đây. Sự giận dữ sẽ gây ra những phản ứng tiêu cực.
Ngoài ra, nên trưng bày hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích thích trí nhớ, nhất là những hình gợi lại sự thành công người thân. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc để dễ đi lại, tránh va chạm. Con cháu nên tới thăm hỏi thường nhật.
(Theo SK&ĐS)
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn