Sốt xuất huyết Dengue: Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
15 Tháng tám 2022

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
1667

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh lý truyền nhiễm xảy ra quanh năm và thường bùng nổ mạnh mẽ nhất vào giai đoạn mùa mưa. Bởi đây cũng là thời điểm mà muỗi vằn sinh sôi và phát triển mạnh mẽ nhất. Vậy, bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì và làm thế nào để điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất?

Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết Dengue
Những điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết Dengue

1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là bệnh lý lây truyền thông qua nốt muỗi đốt của muỗi vằn mang trong mình virus gây bệnh. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường bùng phát thành dịch vào mỗi mùa mưa và thường bùng dịch ở những khu vực có môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho muỗi sinh sôi.

Nếu trước đây, hầu hết bệnh lý này sẽ xuất hiện nhiều ở trẻ em thì ngày này bệnh sốt xuất hiện còn gặp nhiều ở người lớn và đã có nhiều ca có nguy cơ tử vong cao. Cho đến nay, bệnh lý sốt xuất huyết Dengue vẫn chưa có thuốc đặc trị. nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue thể nhẹ thì có thể khỏi trong vòng một tuần, nhưng nếu trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn thì cần được đưa đến bệnh viện để thăm khám và có phương án điều trị kịp thời.

2. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue sang người chính là muỗi Aedes aegypti. Đặc điểm nhận dạng để bạn có thể dễ dàng nhận biết được loài muỗi này đó chính là: loại muỗi này có màu đen sẫm, có đốm trắng ở thân và chân. Về giờ giấc, loài muỗi này thường hoạt động vào ban ngày khoảng 2 giờ sau khi mặt trời mọc và cho đến khoảng vài giờ khi mặt trời lặn. 

Loại muỗi này rất thích sản sinh xung quanh khu vực sống của con người. Chúng thường có xu hướng tấn công con người từ phía sau hoặc bên dưới chân, bàn ghế,…. Thông thường các bệnh nhân bị sốt xuất huyết sẽ thường bị đốt ở khu vực bàn chân hoặc mắt cá chân. Loài muỗi sốt xuất huyết Dengue thường sinh sản thuận lợi nhất tại các vũng nước, ao hồ, hay các dụng cụ chứa nước,…

>> Xem thêm: Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu?

Đặc điểm nhận dạng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue
Đặc điểm nhận dạng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

3. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết Dengue

Như đã nói ở trên, nguyên nhân chính gây ra bệnh lý sốt xuất huyết chính là virus Dengue. Vật trung gian lây truyền chính của bệnh lý sốt xuất huyết Dengue là muỗi vằn Aedes aegypti. Loài muỗi sẽ truyền virus Dengue vào cơ thể con người bằng cách đốt người bệnh. Sau khi bị muỗi đốt, bệnh sốt xuất huyết sẽ ủ trong người người bệnh khoảng 8 – 11 ngày mới phát bệnh. Lúc này bạn chính là một ổ dịch nên nếu bạn bị muỗi Aedes chích lần nữa thì dịch bệnh sẽ có thể lây lan sang người khác. 

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau đó là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi người bệnh bị nhiễm chủng virus nào thì có khả năng cơ thể sẽ sản sinh ra miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Tuy nhiên bạn vẫn có nguy cơ mắc các chủng virus còn lại. Do đó, mỗi người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue 4 lần trong cuộc đời. Điều cần lưu ý là mỗi lần bị bệnh lại người bệnh có thể có những triệu chứng nặng hơn so với lần trước đó.

4. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết Dengue

Vậy bệnh sốt xuất huyết Dengue có những triệu chứng nào? Tùy theo mức độ bị bệnh mà người bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau như:

Những dấu hiệu nhận biết rõ được bệnh sốt xuất huyết Dengue
Những dấu hiệu nhận biết rõ được bệnh sốt xuất huyết Dengue

4.1. Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ

Đây được coi là mức độ sốt xuất huyết điển hình và thường không gây ra những biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng ở bệnh sốt xuất huyết Dengue giai đoạn này đó là:

  • Sốt cao có thể lên đến 40,5 độ C;
  • Có biểu hiện đau đầu nghiêm trọng;
  • Đau phía sau mắt;
  • Có cảm giác đau mỏi khớp và cơ;
  • Buồn nôn ói mửa;
  • Phát ban.

4.2. Triệu chứng sốt xuất huyết nặng

lúc này mức độ sốt xuất huyết đã nặng hơn nên người bệnh sẽ có toàn bộ triệu chứng ở thể nhẹ cùng với các triệu chứng khác bao gồm: 

  • Có các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết; 
  • Chảy máu cam; 
  • Chảy máu ở nướu
  • Chảy máu dưới da gây nên các vết bầm tím.

Ở cấp độ này, người bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm nếu không được đưa vào bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. 

4.3. Triệu chứng sốc sốt xuất huyết

Đây được coi là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Ở dạng này, người bệnh sẽ xuất hiện tất cả các triệu chứng đã được liệt kê ở trên kèm theo các triệu chứng chảy máu và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt bên trong và bên ngoài cơ thể, huyết áp giảm. 

Thông thường tình trạng này thường xuất hiện sau khi người bệnh đã có miễn dịch chủ động do đã từng mắc bệnh hoặc thụ động do mẹ truyền sang đối với một loại kháng nguyên của virus Dengue. Tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue có thể chuyển biến nặng nhanh chóng gây suy đa cơ quan và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.               

5. Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue

Các biến chứng có thể gặp phải ở bệnh sốt xuất huyết Dengue
Các biến chứng có thể gặp phải ở bệnh sốt xuất huyết Dengue

Khi bệnh nhân bị sốt xuất huyết không được chăm sóc cẩn thận cũng như được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Nặng nề nhất bệnh có thể dẫn đến biến chứng tử vong.

Một số biến chứng do sốt xuất huyết Dengue mà người bệnh có thể đối mặt đó là: 

  • Sốc: Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng sốc do mất máu hoặc bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng này kéo dài và không được xử lý kịp thời có thể khiến phù não và gây ra các hội chứng về thần kinh dẫn đến hôn mê. 
  • Hạ huyết áp: Biến chứng xuất huyết não do mất máu hay thoát huyết tương có thể dẫn đến hạ huyết áp đột ngột ở người bệnh sốt xuất huyết Dengue.
  • Suy tim, suy thận: Tình trạng xuất huyết liên tục ở người bệnh có thể khiến tim không đủ máu để tuần hoàn cộng với thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương dẫn đến biến chứng suy tim, suy thân. 
  • Biến chứng mắt: Với bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue có thể xuất hiện tình trạng mù đột ngột do xuất huyết võng mạc hoặc xuất huyết trong dịch kính. 
  • Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Với phụ nữ mang thai, khi sốt xuất huyết có thể dẫn đến hiện tượng sốt cao khiến tim thai đập nhanh. Nguy hiểm hơn nếu bị sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu thai kỳ thì sẽ có nguy cơ cao dẫn đến sảy thai.

6. Đối tượng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết Dengue

Ai cũng có thể bị mắc phải bệnh sốt xuất huyết Dengue
Ai cũng có thể bị mắc phải bệnh sốt xuất huyết Dengue

Trong vùng lưu hành dịch, bất cứ ai cũng có thể bị sốt xuất huyết Dengue, dù là nam hay nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt, là những khu vực tập trung đông dân cư, nhiều sông ngòi, kênh rạch, cống rãnh có tỷ lệ ca mắc bệnh cao hơn. Một người có thể bị tối đa 4 chủng virus sốt xuất huyết, do đó nếu bạn đã từng bị thì cũng không nên chủ quan.

Mặc dù bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, tuy nhiên những đối tượng sau đây có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc bệnh:

  • Trẻ em hoặc người lớn có cơ địa béo phì,
  • Phụ nữ mang thai,
  • Người có bệnh di truyền về máu gây rối loạn đông máu hoặc giảm tiểu cầu,
  • Người mắc bệnh xơ gan, 
  • Người mắc các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp,…

7. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue

Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue như thế nào?
Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết Dengue như thế nào?

Thông thường người bị bệnh sốt xuất huyết Dengue sẽ có khoảng thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 ngày, có những trường hợp sẽ ủ bệnh đến 14 ngày. Khoảng thời gian này, người bệnh vẫn dường như không có triệu chứng gì. Để nhận biết giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết, người bệnh cần theo dõi các triệu chứng của bệnh như: sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, đau ở hai bên hốc mắt, chán ăn, buồn nôn,…

Đối với các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết sẽ được tiến hành làm từ ngày thứ 2 sốt trở đi. Các kết quả cần thu được sau khi xét nghiệm bao gồm:

  • Dung tích hồng cầu bình thường hay tăng; 
  • Số tiểu cầu bình thường hoặc giảm nhẹ; 
  • Số lượng bạch cầu giảm.

8. Điều trị sốt xuất huyết Dengue

Biện pháp chữa trị bệnh sốt xuất huyết Dengue
Biện pháp chữa trị bệnh sốt xuất huyết Dengue

Cho đến hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị, do đó các bác sĩ và chuyên gia chỉ có thể khám và điều trị dựa vào triệu chứng của bệnh. Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốt kèm theo các triệu chứng khác của bệnh sốt xuất huyết Dengue thì cần đến ngay bệnh viện để được chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp với thể trạng. 

Với những tình trạng sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể tự chăm sóc tại nhà. Khi có dấu hiệu sốt, người bệnh có thể sử dụng thuốc paracetamol để hạ sốt với liều dùng là từ 10 – 15mg/1kg/lần. Lưu ý mỗi lần uống cần cách nhau ít nhất 4 tiếng. 

Trong giai đoạn bị sốt xuất huyết Dengue, người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, tránh hoạt động mạnh trong khoảng thời gian này, rất dễ gây choáng và té ngã. Thêm vào đó, người bệnh vẫn cần uống đầy đủ nước để bù nước. Cùng với đó, người bị sốt xuất huyết cũng cần chia nhỏ các bữa ăn để dễ hơn. 

Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu tiến triển nặng hơn, bệnh nhân sốt xuất huyết cần nhanh chóng nhập viện để được theo dõi sát sao hơn về sức khỏe, tránh những biến chứng không đáng có.

9. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue bằng cách tránh bị muỗi đốt
Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue bằng cách tránh bị muỗi đốt

Hiện nay, vẫn chưa có vaccin phòng ngừa sốt xuất huyết. Do đó, bạn có thể ngăn ngừa nó bằng cách tránh bị muỗi đốt, cụ thể như:

  • Luôn ngủ trong màn, kể cả ban ngày. Sử dụng kem bôi hoặc xịt chống muỗi để ngăn muỗi tiếp cận.
  • Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, nhất là những nơi xó xỉnh, gầm bàn, gầm giường,..
  • Phát quang môi trường xung quanh, loại bỏ các vũng nước đọng, bụi cây, những vật có thể tích nước như chai lọ, hũ sành sứ, lốp xe,…
  • Đậy kín hoặc úp tất cả dụng cụ chứa nước (chậu, gáo, xô,…) để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Diệt lăng quăng, bọ gậy đều đặn hàng tuần bằng cách thả cá, vôi bột, muối.
  • Hạn chế đi qua bụi rậm, góc tối, nếu phải đi qua thì nên mặc quần áo dài, xịt thuốc muỗi và che chắn cẩn thận.
  • Lắp đặt các thiết bị chống muỗi, chống côn trùng trong nhà.
  • Trồng một số loại cây có khả năng đuổi muỗi như hương thảo, đinh hương, ngũ gia bì,… xung quanh nơi ở hoặc đặt trong nhà.
  • Có thể sử dụng tinh dầu để xua muỗi như sả, bạc hà, tinh dầu tràm,…
  • Hạn chế để trẻ chơi ở gần bụi cây, cống và những nơi muỗi sinh sống.
  • Tránh ra di chuyển tới vùng có dịch sốt xuất huyết.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh sốt xuất huyết Dengue mà bạn cần biết. Bệnh sốt xuất huyết diễn ra quanh năm do đó bạn cần nắm rõ thông tin để phòng tránh và điều trị bệnh một cách kịp thời nếu lỡ mắc bệnh.

Bài viết liên quan:

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.