Sốt xuất huyết ở trẻ em: Các triệu chứng cần phát hiện sớm

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
9 Tháng tám 2022

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
1558

Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém nên rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết. Vậy làm thế nào để nhận biết cũng như đối phó với sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe con yêu? Bố mẹ hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để có những thông tin hữu ích.

1. Sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?

Trẻ em bị sốt xuất huyết là tình trạng như thế nào?
Trẻ em bị sốt xuất huyết là tình trạng như thế nào?

Sốt xuất huyết nói chung ở cả người lớn và trẻ em là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus Dengue gây ra. Loại virus này có trong muỗi vằn – Vật chủ trung gian khiến bệnh lây nhiễm từ người sang người. Sau khi bị muỗi đốt, virus sẽ đi vào cơ thể qua đường máu. Nếu người bị muỗi đốt đã có sẵn mầm bệnh, thì virus sẽ truyền ngược lại sang muỗi, và tiếp tục nhiễm sang người khác khi muỗi đốt

2. Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em do nhiễm virus Dengue sau khi bị muỗi cái Aedes đốt. Giống muỗi này hoạt động chủ yếu vào ban ngày và chỉ muỗi cái mới có khả năng đốt người và truyền bệnh.

Người bệnh nhiễm virus sẽ ủ bệnh khoảng 8 – 10 ngày. Đây cũng là thời gian mầm bệnh lây truyền cho người khác. Chúng tuần hoàn trong máu từ 2 – 7 ngày sau khi đi vào cơ thể. Trong thời gian này, nếu muỗi vằn đốt trẻ thì virus sẽ được truyền cho muỗi và có thể lây cho người thân hoặc bạn bè trong lớp.

Virus Dengue bao gồm 4 chủng là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Khi trẻ nhỏ bị nhiễm 1 trong 4 chủng, thì cơ thể chỉ có thể tạo ra miễn dịch trọn đời với chính chủng virus. Điều này cũng đồng nghĩa với việc trẻ có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời.

3. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em hầu hết sẽ bắt đầu với các triệu chứng như đau đầu, mỏi người, tiếp theo là sốt, phát ban, chảy máu cam và đi ngoài có phân đen. Trong đó, ở mỗi giai đoạn, bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau. Cụ thể:

Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ em bị sốt xuất huyết
Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ em bị sốt xuất huyết

3.1. Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu này, bố mẹ rất dễ nhầm lẫn trẻ bị sốt xuất huyết với sốt virus thông thường. Vì trẻ có thể sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ, liên tục trong 1 – 2 ngày, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn 2 là giai đoạn nguy hiểm.

3.2. Giai đoạn nguy hiểm

Khoảng từ 3 – 7 ngày sau khi bị sốt, trẻ thường sẽ có những triệu chứng như khó chịu, bứt rứt và quấy khóc. Đối với những trẻ lớn, bố mẹ sẽ thấy con than đau đầu, chán ăn và buồn nôn. Sốt xuất huyết ở trẻ em cũng có thể biểu hiện ra bên ngoài như trên da có sung huyết, 2 mắt đau nhức, chảy máu chân răng hoặc máu cam, nghiêm trọng hơn là đái ra máu, đi ngoài ra máu….(xuất huyết nội tạng). Cuối cùng bệnh chuyển sang giai đoạn 3 là hồi phục.

3.3. Giai đoạn phục hồi

Qua giai đoạn nguy hiểm, thì bố mẹ có thể thở phào vì sang giai đoạn 3 trẻ sẽ hết sốt và sức khỏe có sự cải thiện rõ rệt như thèm ăn trở lại, huyết động ổn định, đi tiểu nhiều hơn, các xét nghiệm tiểu cầu tăng lên và dần trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, với những trẻ nặng thì giai đoạn này có thể xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bố mẹ cũng không nên chủ quan.

4. Sốt xuất huyết ở trẻ em có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Mức độ nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

Sốt xuất huyết ở trẻ em nếu không được bố mẹ theo dõi và có phương pháp điều trị phù hợp thì có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ. Trong một số trường hợp dù trẻ đã hết sốt, nhưng vẫn có thể diễn biến nặng vào các ngày sau đó, nên bố mẹ vẫn cần quan sát cẩn thận.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết ở trẻ em có thể kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây ứ đọng dịch huyết tương trong màng não, gây phù não, trẻ sẽ gặp phải các vấn đề về thần kinh, hôn mê. Ngoài ra, thoát huyết tương cũng có thể tràn và xâm nhập vào đường hô hấp, gây ra viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, phù phổi…

Không chỉ vậy, bệnh còn có thể gây ra các hệ lụy như suy đa tạng, biến chứng về mắt như mù đột ngột, hạ huyết áp, viêm não…

5. Phương pháp chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường dựa vào các yếu tố như dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm cơ bản như lượng bạch cầu, tiểu cầu trong máu và hematocrit

Trẻ bị sốt xuất huyết có lượng bạch cầu giảm, vì vậy trường hợp bạch cầu tăng thì sẽ là điều kiện để loại trừ bệnh. Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác để xác định bệnh như điện giả đồ, khí máu, đánh giá chức năng đông máu, đo men gan, X – quang phổi để phát hiện tràn dịch màng phổi. Phân lập virus để phát hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh, dùng các phương pháp miễn dịch để xác định kháng nguyên hoặc phát hiện bộ gen của virus với kỹ thuật khuếch đại chuỗi DNA (PCR)

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết

6. Hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết cho trẻ em tại nhà

Không phải trẻ nào khi bị sốt xuất huyết cũng đều phải nhập viện, bố mẹ cần chú ý quan sát trẻ tại nhà, và khi điều trị cần lưu ý một số điều như:

Biện pháp chữa trị cho bé bị sốt xuất huyết
Biện pháp chữa trị cho bé bị sốt xuất huyết

6.1. Nếu bệnh nhi sốt cao trên 39 độ C

Khi đó, cần cho trẻ uống hạ sốt Paracetamol (liều chỉ định 10 – 15mg/kg). Sau 4 – 6 tiếng, nếu trẻ vẫn còn sốt, thì bố mẹ cho con uống tiếp.

Bên cạnh việc uống thuốc, bố mẹ cũng nên chườm ấm cho trẻ tại các vị trí như trán, nách, bẹn, sẽ giúp hạ nhiệt tốt, tránh sốt cao gây ra co giật nguy hiểm.

6.2. Khuyến khích bé uống nhiều nước

Bổ sung nhiều nước cho trẻ là lưu ý quan trọng giúp trẻ bị sốt xuất huyết mau chóng hồi phục. Bố mẹ nên cho con uống nhiều nước như nước lọc, nước điện giải oresol theo dõi. Nếu trẻ không muốn uống oresol thì có thể thay thế bằng nước dừa, các loại nước hoa quả, nước cháo muối đường…Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện lừ đừ, bứt rứt khó chịu, đau bụng, không ăn uống được, tiểu ít, khó thở, chảy máu chân răng….thì nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ can thiệp.

6.3. Chế độ ăn uống trong ngày nên chia làm nhiều bữa nhỏ

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường dẫn đến mệt mỏi, chán ăn. Vì vậy, bố mẹ nên chia bữa ăn của trẻ thành nhiều bữa nhỏ, giúp trẻ dễ ăn hơn, mà vẫn đáp ứng đủ lượng dinh dưỡng cho cơ thể. Cùng với đó, các món ăn mềm, lỏng như cháo, súp…hay những món con thích ăn cũng là giải pháp tuyệt vời giúp con ăn ngon miệng, dễ tiêu hóa, tránh khó chịu, giúp bệnh mau chóng thuyên giảm.

Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ chỉ áp dụng khi trẻ bị nhẹ
Điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ chỉ áp dụng khi trẻ bị nhẹ

6.4. Nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà

Trong thời gian bị sốt xuất huyết, bố mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, tránh đến những nơi công cộng đông người, nếu không cần thiết, tránh để bệnh lây nhiễm. Không nên vận động mạnh sẽ khiến cơ thể mất nước và mệt mỏi hơn.

6.5. Những điều cần tránh

Không nên tùy tiện cho bé sử dụng thuốc Aspirin hay Ibuprofen khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên môn vì có thể gây xuất huyết dạ dày, không cạo gió và không cho trẻ ăn những thực phẩm có màu sẫm như đen, đỏ, để dễ dàng phân biệt với biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa, không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà.

6.6. Đưa trẻ đến cơ sở y tế

Trong trường hợp đã áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà mà vẫn không thấy tình trạng sốt xuất huyết ở trẻ em thuyên giảm, thì cần đưa con đến bệnh viện để có phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, các dấu hiệu như nôn trớ, đau bụng, quấy khóc, tay chân nhớp lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chân răng, ói máu, đi phân đen… cũng là các biểu hiện đáng cảnh báo.

Trên đây là một số điều cần biết về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Hy vọng sẽ giúp bố mẹ có thêm những kiến thức bổ ích giúp nhận biết và điều trị bệnh hiệu quả ngay tại nhà, bảo vệ sức khỏe cho con, tránh để bệnh diễn biến nặng và để lại những biến chứng nguy hiểm.

>> Xem thêm: Sốt xuất huyết ở người lớn: Triệu chứng và cách chữa bệnh

Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.