Trí nhớ là một quá trình tâm lý, phản ánh những sự vật, hiện tượng đã từng tác động vào con người. Kết quả của quá trình nhớ là những biểu tượng của nhận thức, kinh nghiệm, cảm xúc, thái độ… về sự vật hiện tượng con người lưu giữ lại. Thực chất của trí nhớ là sự ghi lại, giữ lại và làm xuất hiện lại những gì cá nhân thu được trong hoạt động sống. Những tổn thương về tâm thần trong đó có stress là một trong các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ.
Các dạng rối loạn trí nhớ
Trong lâm sàng, người ta quan tâm đến hiệu quả của các quá trình ghi nhớ (ghi nhớ có chủ định, không chủ định, ghi nhớ có ý nghĩa, ghi nhớ máy móc, ghi nhớ bằng mắt, bằng tai…); các quá trình giữ gìn, củng cố, để lưu giữ các dấu vết; các quá trình tái hiện (nhận lại, nhớ lại, hồi tưởng lại sự vật, hiện tượng).
Giảm nhớ: Hay gặp giảm hiệu quả của quá trình nhớ và quá trình lưu giữ tài liệu trong quá trình lão hoá, trong tổn thương não và trong những trạng thái đặc biệt như khi sợ hãi, khi xúc động… hay gặp giảm hiệu quả quá trình tái hiện.
Tăng nhớ: Hiệu quả nhớ của người bệnh tăng một cách bệnh lý, cao hơn hẳn so với những người khác. Đa số các bệnh nhân này chỉ nhớ đến một loại kích thích nhất định, liên quan đến những ký ức sâu sắc, đến điều kiện nghề nghiệp, mà họ không thể có cách gì để không nhớ đến kích thích đó.
Mất nhớ: Trong những thời điểm, hoàn cảnh nhất định, người bệnh không thể nhớ được cái gì đã xảy ra trong quá khứ. Trong lâm sàng, thường gặp một số loại mất nhớ sau:
– Quên ngược chiều: Người bệnh không thể nhớ được các sự kiện đã diễn ra trước khi xảy ra sự cố. Loại mất nhớ này thường gặp trong chấn thương sọ não, xơ vữa mạch não.
– Quên thuận chiều: Sau chấn thương sọ não, bệnh nhân bị hôn mê, khi tỉnh thì bệnh nhân không thể nhớ được điều gì đã xảy ra từ sau khi tai nạn đến lúc tỉnh.
– Quên hệ thống: Người bệnh không thể nhớ được một sự vật, một đối tượng, một chi tiết nào đó liên quan đến sự trọn vẹn, đến sự liên tục của sự kiện cần nhớ.
– Cơn mất nhớ: Sự mất nhớ xảy ra tức khắc, thông tin cần nhớ nào đó (không phải là tất cả các thông tin nhớ) bị tan rã hoàn toàn. Loại mất nhớ này thường xảy ra chốc lát và sau đó trí nhớ nhanh chóng được hồi phục.
Trong thực tế, thường gặp trường hợp khi ở trạng thái có ý thức thì bệnh nhân không tái hiện được, song khi ở trạng thái vô thức thì người bệnh nhớ lại.
Để vượt qua stress
Tình trạng stress có thể không cần điều trị cũng có thể vượt qua được, đó là khi xảy ra ở những người có nhân cách vững vàng, họ có đủ bản lĩnh và sự khôn ngoan để đương đầu với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Tuy nhiên rất nhiều người, đặc biệt là người có đời sống đơn điệu, nhạt nhẽo, ủy mị, không vững vàng thì hay gặp phải stress, không vượt qua nổi và có thể gây ra những chứng bệnh tâm lý nặng nề hơn. Khi đó người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đến trí nhớ nghiêm trọng. Đối với những người bị stress nặng nề và không vượt qua được thì nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và chỉ định dùng thuốc phù hợp.
Tác động của stress đến trí nhớ
Stress là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi hằng ngày cũng như trong các phương tiện truyền thông. Stress đôi khi được dùng để chỉ một nguyên nhân, một tác nhân kích thích làm cơ thể khó chịu, ngoài ra stress còn được dùng để chỉ hậu quả của tác nhân công kích này. Các rối loạn này gồm:
– Phản ứng stress cấp: Phản ứng stress cấp là một trạng thái cấp tính của stress được đặc trưng bởi một rối loạn tâm thần nhất thời, rất trầm trọng, phát triển ở một cá nhân đáp ứng lại stress với một thể chất căng thẳng hoặc một trạng thái tâm thần đặc biệt và mất đi trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Tình trạng này xuất hiện ngay sau stress tâm lý, có thể thay đổi từ kích động sang bất động trong một thời gian ngắn, bao giờ cũng kèm theo tình trạng rối loạn thần kinh thực vật… Thời gian từ vài phút đến vài ngày. Sau đó là giai đoạn hồi phục, suy nhược và mất trí nhớ.
– Rối loạn stress sau sang chấn: Rối loạn stress sau sang chấn là các rối loạn phát sinh như một đáp ứng trì hoãn sau chấn thương tâm lí có tính chất đe dọa hoặc thảm họa đặc biệt, có thể gây đau khổ lan tràn cho hầu hết bất cứ ai, xuất hiện từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là dưới 6 tháng sau stress. Có thể tiến triển thuận lợi (khỏi bệnh) hoặc dao động (tái phát tăng hoặc giảm bệnh). Một số ít có thể kéo dài và để lại biến đổi nhân cách. Trí nhớ của con người trong thời kỳ này có thể bị ảnh hưởng vì quá lo sợ, làm cho họ có thể nhớ không rõ ràng, đầy đủ. Trong các yếu tố phù trợ đáng chú ý là đặc điểm nhân cách, có vai trò lớn trong phát sinh và tiến triển của bệnh.
– Rối loạn sự thích ứng: Các rối loạn thích ứng là các trạng thái đau khổ chủ quan và rối loạn cảm xúc, thường gây trở ngại cho hoạt động xã hội và hiệu suất lao động, nổi lên trong thời kỳ thích ứng với sự thay đổi đáng kể trong đời sống hoặc hậu quả của một sự kiện đời sống gây stress. Tác nhân gây stress có thể ảnh hưởng lên sự toàn vẹn các mối quan hệ xã hội của cá nhân (có tang hay chia ly)… Những hành vi này có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.
PGS.TS. Cao Tiến Đức
(Theo Sức Khoẻ & Đời Sống)
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn