Tầm soát đột quỵ: Chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
13 Tháng chín 2023

Lần cập nhật cuối:
26 Tháng mười hai 2023

Số lần xem:
574

Tầm soát đột quỵ sớm là cách hiệu quả giúp mỗi người chủ động giảm thiểu rủi ro do đột quỵ, bảo vệ sức khỏe và tính mạng. Vậy những ai cần tầm soát đột quỵ? Phương pháp tầm soát nào hiệu quả?

1. Tầm soát đột quỵ là gì?

Khái niệm tầm soát đột quỵ
Khái niệm tầm soát đột quỵ

Tầm soát đột quỵ là phương pháp chẩn đoán và sàng lọc chuyên sâu bằng cách khám lâm sàng, kết hợp với các xét nghiệm hiện đại. Từ kết quả thu về, bác sĩ sẽ phát hiện và chẩn đoán các tổn thương, bệnh lý và các yếu tố nguy cơ có thể gây ra cơn đột quỵ trong tương lai. Qua đó, có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ đột quỵ.

2. Tại sao cần phải khám tầm soát đột quỵ?

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người tử vong do đột quỵ cao nhất trên thế giới. Trung bình mỗi năm có đến hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ từ nhẹ đến trung bình, nặng. Trong số đó, chỉ có khoảng 14% trường hợp được đưa đến bệnh viện để can thiệp trong “thời gian vàng”.

Có thể thấy, tỷ lệ người bị đột quỵ ngày một gia tăng và rất nhiều trường hợp được đưa đến bệnh viện chậm trễ dẫn đến tàn phế, tử vong. Việc tầm soát đột quỵ sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến đột quỵ, phát hiện các dấu hiệu sức khỏe bất thường, các bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ đột quỵ. Như vậy có thể hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

3. Ai cần tầm soát đột quỵ?

Những ai cần phải tầm soát đột quỵ
Những ai cần phải tầm soát đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ;
  • Mắc các bệnh lý như các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), đái tháo đường, đau nửa đầu, hẹp động mạch cảnh, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ,…;
  • Mắc bệnh tim mạch: hẹp động mạch cảnh, phình mạch não, tăng homocystein máu, rối loạn dễ chảy máu, bị rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,…;
  • Cao huyết áp;
  • Bị thừa cân, béo phì, hàm lượng cholesterol cao;
  • Sử dụng viên uống tránh thai;
  • Sử dụng hormone sau mãn kinh;
  • Ít vận động, luyện tập thể dục thể thao;
  • Có lối sống kém lành mạnh, thường xuyên uống rượu bia hoặc các chất có cồn, hay hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.

Những ai nên thực hiện sàng lọc đột quỵ?

Theo các chuyên gia y tế thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ nhưng những người trên 55 tuổi có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ hoặc người trên 45 tuổi có 2 yếu tố nguy cơ là những người thuộc nhóm có thể có khả năng bị đột quỵ cao. Do đó, lời khuyên là nên chủ động tầm soát đột quỵ định kỳ để tránh trường hợp bị đột quỵ bất ngờ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

4. Phương pháp tầm soát nguy cơ đột quỵ

Bác sĩ sẽ khai thác các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh bao gồm triệu chứng hàng ngày (nếu có), thói quen ăn uống, sinh hoạt và các bệnh lý đang mắc phải.

Tiếp theo bệnh nhân sẽ tiến hành đo huyết áp, đo chỉ số cơ thể và nghe nhịp tim để kiểm tra tổng quát về sức khỏe xem có bị tăng huyết áp, thừa cân hay bất thường về nhịp tim hay không. Sau đó để đánh giá sâu hơn người bệnh sẽ cần thực hiện các kỹ thuật sau:

4.1. Điện tim thường (ECG)

Điện tim thường giúp chẩn đoán nguy cơ đột quỵ hiệu quả
Điện tim thường giúp chẩn đoán nguy cơ đột quỵ hiệu quả

Biện pháp này giúp ghi lại các hoạt động điện của tim, giúp chẩn đoán bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,… và sơ bộ đánh giá, tiên lượng yếu tố nguy cơ đột quỵ của bệnh nhân.

4.2. Xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu

Đây là phương pháp tầm soát đột quỵ giúp đánh giá được các bất thường trong tế bào máu, bất thường về hồng cầu, tình trạng thiếu máu hay nhiễm trùng máu, lượng đường trong máu hay rối loạn đông máu,…

Ngoài ra, thông qua xét nghiệm công thức máu và sinh hóa máu cũng có thể chẩn đoán được tình trạng men gan cao, gan tổn thương, độ lọc cầu thận, suy thận,… Xét nghiệm máu cũng giúp tầm soát đột quỵ thông qua việc đánh giá hàm lượng cholesterol trong máu (chỉ số HDL và LDL), phát hiện rối loạn điện giải.

4.3. Chụp MRI

Chụp MRI để xác định các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ
Chụp MRI để xác định các yếu tố gây nguy cơ đột quỵ

Chụp cộng hưởng từ mạch máu não và não để bác sĩ đánh giá cấu trúc não và mạch máu chi tiết hơn, từ đó chẩn đoán bất thường xảy ra tại xương sọ và tại não.

4.4. Soi đáy mắt trực tiếp

Khi tầm soát đột quỵ, bạn có thể được chỉ định soi đáy mắt trực tiếp để kiểm tra các vấn đề liên quan đến tầm nhìn, đánh giá tổn thương đáy mắt do tăng huyết áp và đái tháo đường.

4.5. Chụp X-quang Ngực thẳng số hóa 1 phim

Chụp X-quang Ngực thẳng số hóa 1 phim giúp bác sĩ có thể đánh giá được bất thường ở vùng lồng ngực và tim mạch thông qua hình ảnh chụp lại của tim, phổi và đường thở.

4.6. Siêu âm bụng tổng quát (màu)

Siêu âm bụng cũng là cách tầm soát nguy cơ đột quỵ
Siêu âm bụng cũng là cách tầm soát nguy cơ đột quỵ

Giúp ghi lại hình ảnh của các tạng ở ổ bụng như lách, gan, tụy, mật, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt,…

4.7. Siêu âm Doppler tim

Giúp phát hiện bệnh lý ở tim như bệnh van tim, buồng tim, bệnh mạch vành hay van tim bẩm sinh, ngoài ra còn kịp thời chẩn đoán cục máu đông ở tim để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp tắc mạch do cục máu đông gây ra.

4.8. Siêu âm Doppler động mạch cảnh

Siêu âm động mạch cảnh là phương pháp tầm soát đột quỵ không xâm lấn, có khả năng đánh giá đoạn ngoài sọ của động mạch cảnh và động mạch đốt sống. Kết quả siêu âm Doppler động mạch cảnh có thể cho thấy mức độ hẹp của động mạch cũng như tình trạng các mảng xơ vữa đang bám trên thành mạch máu.

4.9. Chụp CT

Chụp CT phương pháp tầm soát giúp chẩn đoán nguy cơ đột quỵ hiệu quả nhất
Chụp CT phương pháp tầm soát giúp chẩn đoán nguy cơ đột quỵ hiệu quả nhất

Phương pháp này giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh từ những tổn thương nhỏ nhất, đánh giá các bệnh lý mạch máu, phát hiện được các tổn thương như xuất huyết não, khảo sát mạch máu não, tầm soát phình mạch máu, dị dạng mạch máu não, đánh giá các chấn thương, khối u não bộ,…

5. Tầm soát đột quỵ bằng những biện pháp phòng ngừa

Bởi vì đột quỵ không loại trừ một ai nên để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra đột quỵ, mỗi người nên áp dụng những phương pháp sau:

  • Kiểm soát tốt và tích cực điều trị các bệnh mạn tính thuộc nhóm nguyên nhân dẫn tới đột quỵ như bệnh huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ,…;
  • Thay đổi lối sống tích cực hơn: hạn chế stress, cai rượu bia, bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng cơ thể ở mức hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, chế độ ăn uống khoa học (giảm mặn, giảm chất béo và đường, uống nhiều nước, tăng cường rau xanh và trái cây,…);
  • Khám sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần: điều này có tác dụng tầm soát tốt các bệnh lý, nhất là nguy cơ đột quỵ. Nếu đang được chỉ định điều trị bằng thuốc cần tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Trên đây là những phương pháp giúp tầm soát đột quỵ hiệu quả người bệnh nên cân nhắc áp dụng.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách kiểm tra đột quỵ đơn giản ngay tại nhà với 4 bước cơ bản

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận