Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém nên trẻ rất dễ bị vi khuẩn tấn công và mắc các bệnh thường gặp như sốt, cúm, bệnh về hô hấp, rối loạn tiêu hóa… Làm thế nào để tăng sức đề kháng cho bé để chống lại bệnh tật, giúp bé khỏe mạnh, vui chơi, học hành thoải mái? Dưới đây là 6 cách đơn giản tăng sức đề kháng cho bé nhà bạn.
1. Vai trò của sức đề kháng ở trẻ
Sức đề kháng là khả năng phòng vệ và chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hay các tác nhân gây hại cơ thể. Vì thế, khi sức đề kháng yếu, trẻ dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khiến cho tình trạng ốm vặt trở nên phổ biến.
Trẻ thường gặp phải các vấn đề về đường hô hấp như dị ứng, cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, và viêm phổi, cùng với các rối loạn đường tiêu hoá như táo bón, tiêu chảy, và tiêu phân sống. Sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh này có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy do sự phá vỡ cân bằng vi khuẩn trong ruột, gây ra hấp thu dinh dưỡng kém và suy giảm tình trạng dinh dưỡng.
Trẻ suy dinh dưỡng thường có hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh hơn và có thể trở nên biếng ăn, tạo ra một vòng luẩn quẩn bệnh tật. Tình trạng này ảnh hưởng đến cả sự phát triển về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ, dẫn đến suy dinh dưỡng và còi xương. Vì vậy, việc tăng cường sức đề kháng cho trẻ là cực kỳ quan trọng để xây dựng hệ miễn dịch mạnh mẽ, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển và giảm nguy cơ mắc bệnh.
2. Cách tăng cường đề kháng cho trẻ hiệu quả
Để tăng cường sức đề kháng cho bé, các bậc cha mẹ có thể kết hợp áp dụng một số cách sau đây để giúp trẻ phòng ngừa bệnh tật và giảm tình trạng ốm vặt:
2.1. Giữ môi trường sống sạch sẽ
Môi trường sống sạch sẽ có thể ngăn chặn sự lan truyền của các mầm bệnh. Đây là cách tạo một môi trường sống lành mạnh để nâng cao sức đề kháng cho bé:
- Đảm bảo không gian sống thông thoáng và sạch sẽ: Nơi ở cần có không gian thoáng đãng và sạch sẽ. Hãy mở cửa sổ vào ban ngày để cho ánh nắng và không khí trong lành vào nhà. Điều này giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh và cải thiện chất lượng không khí.
- Hạn chế hút thuốc lá trong nhà: Tránh hút thuốc lá trong nhà để ngăn chặn nguy cơ trẻ bị nhiễm khói thuốc lá, gây hại cho sức đề kháng của bé.
- Khuyến khích thói quen vệ sinh cá nhân: Dạy trẻ thói quen giữ vệ sinh cá nhân bằng cách đánh răng sạch sẽ và tắm gội thường xuyên. Điều này giúp loại bỏ các tác nhân gây bệnh và ngăn chặn các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn và vi rút gây ra.
2.2. Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và trái cây
Xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học là biện pháp hiệu quả để tăng cường sức đề kháng cho bé. Ba mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau để thiết lập bữa ăn lành mạnh cho bé:
- Bữa ăn của bé nên đảm bảo cung cấp đủ chất béo, chất đạm, chất tinh bột, vitamin và khoáng chất. Điều này giúp đảm bảo bé nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển và sức khỏe toàn diện.
- Khuyến khích bé tiêu thụ đa dạng các loại thực phẩm, bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá, trứng và sản phẩm từ sữa.
- Không nên chỉ tập trung vào một loại chất như chất béo hoặc chất đạm mà bỏ qua các nhóm dưỡng chất khác. Việc cân đối các nhóm dưỡng chất giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện cho bé.
Ngay cả trong thời điểm bé bị bệnh, cha mẹ cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý để tăng cường sức đề kháng và giúp bé mau khỏi bệnh. Không nên kiêng khem quá mức, vì điều này có thể làm cho bé mất sức và cơ thể yếu đuối hơn, từ đó khó có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
2.3. Bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin A, vitamin C, kẽm, selen…
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ ăn dặm và trẻ nhỏ, mẹ có thể bổ sung các thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin A, vitamin C và D vào khẩu phần ăn hàng ngày của bé.
- Thực phẩm giàu chất sắt: Nấm hương, rau dền đỏ, bông cải xanh, các loại đậu, thịt bò, gà tây là những nguồn thực phẩm giàu sắt có tác động tích cực đến hệ miễn dịch của cơ thể.
- Thực phẩm giàu kẽm: Tôm, cua, gan động vật, thịt bò và các loại ngũ cốc là các nguồn thực phẩm giàu kẽm giúp tăng cường sức đề kháng của bé.
- Thực phẩm giàu selen: Cá hồi, tôm hùm, nấm, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch là những lựa chọn tốt để cung cấp selen, giúp cải thiện chức năng miễn dịch và tăng khả năng chống lại tác nhân nhiễm trùng.
- Các loại vitamin: Rau xanh như rau ngót, rau dền, hoa quả tươi như bưởi, đu đủ, cam chanh, cùng với dầu oliu, đậu tương, quả gấc, vừng lạc là những nguồn thực phẩm giàu vitamin A, E, C, D và nhóm B. Các loại vitamin này giúp tăng cường sức đề kháng cho bé, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, và giữ cho da của bé khỏe mạnh.
2.4. Cho bé tiêm phòng đầy đủ, sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
Ngay từ khi mẹ mang thai và sau khi bé chào đời, việc tiêm phòng đầy đủ cho cả mẹ và bé là rất quan trọng để phòng chống một số bệnh nguy hiểm như viêm gan siêu vi, viêm não, bạch hầu, uốn ván, ho gà, thủy đậu, sởi và nhiều bệnh khác. Điều này giúp bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nhớ không nên lạm dụng hoặc sử dụng thuốc kháng sinh cho con một cách tùy ý. Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách và quá nhiều có thể dẫn đến hiện tượng “nhờn thuốc”. Khi xảy ra hiện tượng này, cơ thể của trẻ sẽ trở nên yếu đuối hơn trong việc chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Do đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được thực hiện dưới sự giám sát và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng này xảy ra.
2.5. Cho trẻ ngủ đủ giấc, vận động thường xuyên
Cho trẻ vận động, chơi đùa, khám phá tự nhiên trong những khoảng thời gian hợp lý có thể giúp con tăng đề kháng.
Ngủ ngon, đủ giấc sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển cơ thể và não bộ của trẻ, đồng thời giúp nâng cao khả năng miễn dịch, tăng cường đề kháng cho trẻ. Bố mẹ nên tập cho bé thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ; nên cho ăn hoặc bú nhiều hơn vào buổi chiều để bé không bị đánh thức vào buổi tối vì cơn đói; buổi tối không nên cho bé hoạt động quá nhiều có thể khiến bé giật mình, thức giấc khi đang ngủ. Thêm vào đó, nên khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày thông qua một số hoạt động như như vui đùa cùng bé, cho bé đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội… Vận động thường xuyên giúp bé ăn ngon, hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng khả năng miễn dịch và sức đề kháng.
2.6. Bổ sung các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng
Ngoài việc ăn uống, vận động việc cha mẹ có thể chủ động bổ sung các sản phẩm hỗ trợ tăng đề kháng cho bé theo từng giai đoạn. Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm giúp tăng sức đề kháng và kích thích ngon miệng cho trẻ.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Nguồn tham khảo
- [1] Boosting your child’s immune system. https://www.health.harvard.edu/blog/boosting-your-childs-immune-system-202110122614
- [2] How To Build Up Your Kid’s Immune System. https://health.clevelandclinic.org/how-to-boost-your-kids-immunity
- [3] 10 ways to support your child’s immune system. https://www.bbcgoodfood.com/howto/guide/how-boost-your-childs-immune-system
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn