Trong những trường hợp cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định thuốc tiêm chống loãng xương cho người bệnh. Các thuốc tiêm cần được sử dụng thận trọng, dùng đúng liều để tránh phát sinh các tác dụng phụ. Cùng tìm hiểu rõ hơn về các loại thuốc tiêm loãng xương và những lưu ý khi sử dụng trong bài viết sau nhé.
1. Thuốc tiêm chống loãng xương là gì?
Thuốc tiêm chống loãng xương là thuốc điều trị loãng xương được đưa vào cơ thể thông qua tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch. Điều này giúp tăng khả năng hấp thu và giảm bớt tác dụng phụ của thuốc. Thông thường nếu truyền tĩnh mạch, thuốc sẽ được pha loãng với dung dịch khác như Glucose 5% hoặc Nacl 0,9% để tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc tiêm điều trị loãng xương thường được chỉ định trong trường hợp bị loãng xương liên quan đến mãn kinh, suy tuyến sinh dục hoặc sử dụng liệu pháp corticoid toàn thân dài ngày.
Trong thời gian điều trị, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ, thực hiện đo chỉ số loãng xương định kỳ kết hợp cùng các xét nghiệm khác để theo dõi diễn tiến bệnh, đồng thời phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tác dụng phụ nếu gặp phải.
2. Ưu và nhược điểm của thuốc tiêm chống loãng xương
Điều trị loãng xương bằng thuốc dạng tiêm có một số ưu điểm như sau:
- Phù hợp với những trường hợp gặp khó khăn hoặc không thể uống bằng miệng (ví dụ như không có khả năng đứng hoặc ngồi thẳng trong khoảng từ 30 – 60 phút) hoặc không đáp ứng thuốc dạng uống.
- Thông thường liều dùng là 1 lần/tháng, 1 lần/3 tháng, 1 lần/năm nên người bệnh có thể sắp xếp thời gian dùng thuốc mà không lo quên liều.
- Giảm bớt các tác dụng phụ liên quan tới viêm loét thực quản, tổn thương khoang miệng… khi dùng thuốc đường uống.
Tuy nhiên, thuốc tiêm cũng mang tới một số phiền toái cho người bệnh, có thể kể tới là:
- Việc phải sử dụng thuốc dạng tiêm sẽ gây khó chịu cho người sợ tiêm.
- Để đảm bảo an toàn, thuốc tiêm dạng này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế thay vì người bệnh có thể tự dùng thuốc với dạng uống.
3. Top 6 thuốc tiêm chống loãng xương
Mỗi loại sẽ có công dụng, thành phần và những lưu ý khi sử dụng không giống nhau. Dưới đây là thông tin cơ bản của 6 loại thuốc tiêm trị loãng xương phổ biến hiện nay.
3.1. Thuốc tiêm trị loãng xương Aclasta
Aclasta nằm trong nhóm thuốc tiêm chống loãng xương Bisphosphonate. Đây là thuốc của Novartis Pharma Stein AG (Thụy Sĩ). Thuốc giúp ức chế quá trình hủy xương qua trung gian của hủy cốt bào.
- Chỉ định: Điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh giúp giảm nguy cơ gãy xương và tăng mật độ chất khoáng của xương; Phòng ngừa gãy xương lâm sàng sau gãy xương hông; Điều trị loãng xương ở nam giới; Điều trị và phòng ngừa loãng xương do Glucocorticoid; Điều trị bệnh Paget xương.
- Thành phần: Chứa hoạt chất Acid zoledronic 5mg/100ml cùng các tá dược như Mannitol, Natri citrat…
- Liều dùng: Truyền tĩnh mạch 1 liều đơn 5mg/lần/năm.
- Tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, ăn không tiêu, sốt…
3.2. Thuốc Prolia
Đây là thuốc kê đơn được dùng để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao. Thuốc cũng phù hợp với người không thể dùng hoặc không đáp ứng với thuốc trị loãng xương khác.
- Thành phần chính: Denosumab
- Công dụng: Điều trị loãng xương ở phụ nữ hậu mãn kinh, tăng khối lượng xương ở nam giới mắc bệnh loãng xương.
- Liều dùng: Tiêm 60mg/lần mỗi 6 tháng.
3.3. Thuốc chống loãng xương dạng tiêm Miacalcic
Thuốc có thể được dùng trước khi đi ngủ để giảm khả năng buồn nôn, nôn. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Do đó, liều lượng thuốc cần ở mức tối thiểu và sử dụng trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đem lại hiệu quả và đảm bảo an toàn.
- Chỉ định: Phòng ngừa mất xương cấp tính do bất động đột ngột; Điều trị bệnh Paget; Tăng calci máu ác tính.
- Thành phần: Chứa hoạt chất Calcitonin cùng các tá dược như: Acid acetic, natri acetate trihydrate, natri clorid, nước pha tiêm…
- Liều dùng: Tùy từng trường hợp sẽ có liều lượng cụ thể.
- Phòng ngừa mất xương cấp tính: 100IU/ngày
- Bệnh Paget: 100IU/ngày
- Tăng calci máu ác tính: 100IU mỗi 6 -8 giờ.
- Tác dụng phụ: Chóng mặt, nhức đầu, rối loạn vị giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau khớp…
3.4. Thuốc tiêm Tymlos
Thuốc tiêm Tymlos là sản phẩm của Radius Health. Thuốc giúp gia tăng mật độ và hàm lượng khoáng chất trong xương.
- Chỉ định: Thuốc được chỉ định để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ gãy xương cao.
- Thành phần: Abaloparatide, là một chất tương tự peptide liên quan đến hormone tuyến cận giáp.
- Liều lượng: Liều lượng khuyến cáo là tiêm dưới da 80mcg một lần mỗi ngày.
- Tác dụng phụ thường gặp bao gồm: tăng calci niệu, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, đánh trống ngực, mệt mỏi, đau bụng trên.
3.5. Thuốc Evenity
Thuốc Evenity 105 mg/1.17mL là Thuốc kê đơn – ETC sản xuất bởi Amgen Inc. Thuốc Evenity chứa thành phần Romosozumab và được đóng gói dưới dạng Tiêm, Dung dịch
- Tác dụng: Kích thích hoạt động của tạo cốt bào, từ đó tăng khối lượng và cấu trúc xương.
- Chỉ định: Điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao bị gãy xương.
- Thành phần: Thuốc có chứa hoạt chất Romosozumab.
- Liều dùng: Tiêm dưới da ở bụng, đùi hoặc cánh tay với liều 210mg/lần/tháng.
- Tác dụng phụ: Đau khớp, đau đầu, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
3.6. Thuốc tiêm chống loãng xương Bonviva
- Thành phần chính: Acid ibandronic
- Công dụng: Ức chế hoạt tính của tế bào hủy xương, giảm tỷ lệ chuyển hóa xương về mức trước mãn kinh ở phụ nữ mãn kinh.
- Liều dùng: 150mg/lần/tháng.
- Tương tác thuốc: Acid Acetylsalicylic, thuốc kháng histamin, thuốc chẹn kênh proton, sản phẩm có chứa canxi, nhôm, magie, sắt…
4. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm chống loãng xương
Khi dùng thuốc tiêm trị loãng xương hãy lưu ý tới các vấn đề sau đây:
- Chỉ dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ, dùng đúng liều, đúng thời gian quy định. Không được tự ý mua thuốc về sử dụng hoặc dùng thuốc theo đơn của người khác. Thuốc trị loãng xương tốt nhất là thuốc phù hợp với bạn theo đánh giá của bác sĩ.
- Thông báo trước với bác sĩ về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng để tránh tương tác thuốc.
- Trong quá trình dùng thuốc nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường hãy thông báo ngay cho bác sĩ.
- Kết hợp dùng thuốc với chế độ dinh dưỡng, rèn luyện, sinh hoạt khoa học. Tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục đều đặn giúp tắc sức mạnh cho xương khớp và cơ. Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng. Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều muối, rượu bia.
- Tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá được hiệu quả của thuốc.
Thuốc tiêm loãng xương được chỉ định trong trường hợp loãng xương nghiêm trọng hoặc không đáp ứng thuốc uống. Tuy mang đến hiệu quả nhanh và cao nhưng gây tác dụng phụ nguy hiểm nếu dùng liều cao hoặc không đúng cách. Chính vì thế, người bệnh cần đi thăm khám và điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn