Khi đối mặt với bệnh viêm phế quản, lựa chọn thuốc điều trị đúng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Bài viết này sẽ giúp bạn biết được các loại thuốc trị viêm phế quản phổ biến như kháng sinh, thuốc ho, thuốc giãn phế quản và cách chúng hỗ trợ điều trị bệnh nhanh chóng.
1. Chẩn đoán viêm phế quản bằng phương pháp nào?
Để chẩn đoán viêm phế quản bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán thông qua lâm sàng và chẩn đoán thông qua xét nghiệm:
1.1. Chẩn đoán thông qua lâm sàng
Triệu chứng thường thấy ở người bệnh viêm phế quản là ho, sốt, đau, tức ngực, khó thở,… Bác sĩ sẽ kết hợp giữa việc hỏi bệnh, sờ, nắn, gõ và nghe lồng ngực với các triệu chứng sau để đưa ra chẩn đoán ban đầu viêm phế quản:
- Ho khan hoặc ho có đờm dai dẳng trên 3 tuần và ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, đặc biệt là cơn ho xuất hiện dày đặc vào buổi tối gây mất ngủ.
- Sốt cao và sốt liên tục trên 38 độ C.
- Dịch đờm, chất nhầy tiết ra nhiều và có màu vàng hoặc xanh, mùi hôi khó chịu.
- Đờm lâu ngày gây tắc nghẽn đường thở, thở khò khè.
- Các cơn khó thở xuất hiện ngày càng nhiều khi triệu chứng nặng hơn khiến người bệnh thường xuyên mệt mỏi.
- Người bệnh xanh xao, sụt cân nhanh, buồn nôn và nôn, chán ăn hoặc ăn không ngon,…
1.2. Chẩn đoán thông qua các xét nghiệm
Để đưa ra kết luận chính xác nhất, các bác sĩ thường sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu hơn bao gồm:
- Chụp X-quang phổi: Giúp bác sĩ xác định các vị trí bị viêm trong ống phế quản và trong phổi. Đồng thời có thể thấy được viêm gây sưng lòng ống phế quản dẫn đến tắc nghẽn.
- Đo phế dung: Xét nghiệm này là một bài kiểm tra đánh giá chức năng phổi của người bệnh, giúp đo lượng không khí mà phổi có thể giữ được và kiểm tra tốc độ đẩy không khí ra khỏi phổi. Nhờ xét nghiệm này bác sĩ xác định bệnh hen suyễn hoặc một số vấn đề về hô hấp khác.
- Xét nghiệm đờm: Giúp xác định xem có sự xuất hiện của vi khuẩn hoặc liệu có bị nhiễm vi rút trong đờm hay không.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp biết nhiễm trùng nếu bạch cầu tăng, có virus nếu bạch cầu không tăng, xem xét các yếu tố viêm và các chỉ điểm quan trọng khác.
2. Các thuốc điều trị viêm phế quản
2.1. Thuốc giảm ho, long đờm
Thuốc long đờm có tác dụng tiêu đờm, giảm dịch nhầy kích thích niêm mạc gây ho đồng thời thông suốt lòng ống phế quản để quá trình di chuyển của không khí từ ngoài vào dễ dàng. Natri benzoat, acetylcysteine, carbocisteine, dextromethorphan,… là các loại thuốc thường được sử dụng. Salbutamol là các loại thuốc giãn phế quản có thể chỉ định trong trường hợp người bệnh bị tắc nghẽn phổi.
2.2. Thuốc hạ sốt
Các thuốc không kê đơn có Aspirin, acetaminophen hoặc ibuprofen sẽ giúp giảm các triệu chứng của viêm phế quản như sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể. Lưu ý là không nên dùng Aspirin cho trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, do nguy cơ xuất hiện hội chứng Reye. Thuốc chống viêm không steroid, chẳng hạn như Aspirin và Ibuprofen không nên sử dụng có bệnh nhân bị hen phế quản.
2.3. Thuốc giãn phế quản
Có thể sử dụng khi thấy co thắt phế quản, xuất hiện triệu chứng thở khò khè thuốc giãn phế quản cường β2 dạng phun hít (Terbutryl và Salbutamol), khí dung Salbutamol liều 5mg x 2-4 nang/ 24 giờ hay uống Salbutamol 4mg x 2-4 viên/ 24 giờ.
2.4. Thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi
Các thuốc kháng histamin và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi không được khuyến khích dùng vì nguy cơ tác dụng phụ rất cao. Người bệnh nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý và phun hơi ẩm trong phòng có thể giúp làm giảm khô mũi. Nếu trẻ em không có biểu hiện khò khè, hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản thì không cần khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản.
2.5. Thuốc kháng viêm
Hầu hết người bệnh viêm phế quản đều được chỉ định với các loại thuốc kháng viêm khác nhau tùy theo mức độ khác nhau. Các loại thuốc chứa corticoid có tác dụng kháng viêm tương đối mạnh, có thể nhanh chóng cắt đứt các chuỗi phản ứng nhưng thường để lại các tác dụng phụ, ảnh hưởng niêm mạc dạ dày. Do đó mà các loại thuốc ở dạng xịt thường được ưu tiên sử dụng hơn, dạng tiêm thường dùng với trường hợp bệnh nặng. Thời gian và liều lượng người bệnh dùng cần có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.
2.6. Thuốc kháng sinh
Với các người bệnh bị viêm phế quản cấp đơn thuần thường không sử dụng kháng sinh. Nếu thấy có các dấu hiệu nhiễm khuẩn gây viêm phế quản như ho có đờm mủ, bệnh dai dẳng và kéo dài hơn 10 ngày nhưng không giảm,… thì bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc như penicillin, ampicillin, amoxicillin, beta lactam, macrolid, quinolon,… Người bệnh sẽ dùng loại kháng sinh nào tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn. Lưu ý là người bệnh không tự ý mua thuốc về dùng và cần dùng đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không điều chỉnh liều dùng hay đột ngột ngừng thuốc có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh hoặc ngộ độc thuốc.
Xem thêm: Lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản như thế nào?
2.7. Thuốc chống virus
Viêm phế quản do virus gây ra sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc chống virus. Việc điều trị sẽ khó khăn hơn các nguyên nhân khác vì virus thường khu trú trong tế bào. Nếu người bệnh đáp ứng thuốc thì sẽ nhanh chóng khỏi trong vòng 7 – 10 ngày.
3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc
Để việc chữa trị viêm phế quản và dùng thuốc hiệu quả thì người bệnh cần lưu ý:
- Cần phải loại bỏ việc hút thuốc lá, tránh những nơi có bụi bẩn, giữ ấm vùng cổ vào mùa lạnh.
- Thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc cũng có thể tự pha nước muối loãng để súc miệng mỗi ngày.
- Nên vận động nhẹ nhàng, hít thở không khí trong lành vào lúc sáng sớm thông qua các bài tập.
- Nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn đầu óc và tinh thần.
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, bổ sung các loại rau củ quả giàu vitamin, chất khoáng để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Nên uống đầy đủ nước, tối thiểu là 2 lít mỗi ngày để giúp cơ thể thanh lọc.
Thuốc trị viêm phế quản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi sức khỏe. Điều quan trọng là bạn cần sử dụng thuốc đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra an toàn và hiệu quả nhất.
Bài viết liên quan:
- Thuốc Đông y chữa viêm phế quản như thế nào hiệu quả?
- 5 cách chữa bệnh viêm phế quản bằng bài thuốc dân gian
- Các loại thuốc trị viêm phế quản cho trẻ tốt nhất
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn