Tiêm phòng cúm trước khi mang thai là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm cho mẹ bầu và thai nhi, giảm biến chứng thai kỳ nguy hiểm do cúm mùa. Vậy cần tiêm vắc-xin bao lâu trước khi có thai?
1. Tại sao phải tiêm phòng cúm trước khi mang thai?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ cần tiêm phòng cúm trước khi có thai vì 3 lý do sau:
- Ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm và biến chứng cho mẹ bầu: Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ suy giảm nên không thể tự chống lại virus cúm. Bệnh diễn tiếng nặng có thể dẫn tới viêm phổi. Đặc biệt nếu mẹ nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây chuyển dạ sớm, sinh non, thai chết lưu…
- Ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thai nhi tiềm ẩn: Nếu mẹ bị cúm, sốt trong tam cá nguyệt thứ nhất, lúc này thai nhi mới đang bắt đầu hình thành và phát triển các bộ phận cơ thể. Các độc tố của virus cúm có thể xâm nhập vào thai nhi và gây các dị tật cho thai như sứt môi, đục thủy tinh thể, hở van tim,…
- Bảo vệ trẻ sau khi sinh: Trẻ sơ sinh là đối tượng rất dễ bị mắc cúm nhưng trẻ chỉ có thể tiêm vắc-xin cúm khi được 6 tháng tuổi trở lên. Nếu mẹ bầu tiêm phòng cúm khi mang thai, các kháng thể sẽ truyền qua nhau thai và bảo vệ bé khỏi cúm trong những tháng đầu đời.
Tiêm phòng cúm đã được chứng minh giúp giảm khoảng 50% nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do cúm và giảm 40% nguy cơ nhập viện vì cúm khi mang bầu. Ngoài ra, phụ nữ có thai tiêm đủ mũi cúm giúp giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng khi bị cúm hoặc tình trạng nhiễm trùng xảy ra với mức độ nhẹ hơn rất nhiều.
2. Tiêm vắc-xin cúm bao lâu trước khi có thai?
Theo các bác sĩ, chị em nên tiêm phòng cảm cúm tốt nhất là 3 tháng trước khi mang thai để phòng tránh cúm trong suốt thai kỳ. Thời điểm tiêm phòng cúm có hiệu quả nhất là tháng 10 hoặc tháng 11, đây là giai đoạn cúm bùng phát mạnh.
Với nhiều trường hợp chị em chưa tiêm phòng mà nhiễm cúm và khi thấy bắt đầu có dấu hiệu của cúm như hắt hơi, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Nhiều chị em tiêm chủng ngừa cúm hàng năm, tuy nhiên nhiều khi mỗi virus đột biến khác nhau ở các mùa. Vậy nên chị em cần ngừa mũi theo từng thời điểm để tránh sự đột biến của bệnh.
3. Các loại vắc xin cúm tiêm phòng trước khi mang thai
Hiện nay, có 4 loại vắc-xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là:
- Vaxigrip Tetra (Pháp)
- Influvac Tetra (Hà Lan)
- GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc)
- Ivacflu-S (Việt Nam)
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn, bao gồm cả phụ nữ trước và đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú rất cần thiết tiêm chủng ngừa cúm mỗi năm. Dữ liệu từ các nghiên cứu cho thấy, vắc xin cúm cho mẹ bầu là dạng vắc xin liều đơn, điều chế từ virus bất hoạt, an toàn và phù hợp hơn cho cả bà bầu và thai nhi.
4. Tiêm vắc xin cúm bao lâu thì có tác dụng?
Thông thường phải mất khoảng 2 tuần kể từ lúc tiêm để cơ thể tạo kháng thể đầy đủ giúp bảo vệ mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, nếu đã mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, các mẹ bầu có thể tiêm ngừa vắc-xin cúm trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
5. Tác dụng phụ của vắc- xin cúm như thế nào?
Hầu hết, các tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin cảm cúm trước khi mang bầu là rất nhẹ, bao gồm: hắt hơi, chảy nước mũi trong, đau đầu, đau cơ, sốt nhẹ,… Thông thường, các phản ứng này sẽ tự biến mất sau 1-2 ngày mà không cần điều trị.
Các tác dụng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin cúm rất hiếm gặp. Trường hợp xuất hiện các phản ứng bất thường bao gồm khó thở, thở nhanh, thở nặng nhọc, có dấu hiệu tím tái; tăng nhịp tim, tăng huyết áp, phát ban, không tỉnh táo, mệt mỏi, li bì… thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời.
6. Một số điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin phòng cúm trước mang bầu
Dưới đây là một vài lưu ý khi tiêm vắc-xin phòng cúm trước khi mang thai:
6.1. Nên tìm hiểu và lựa chọn nơi tiêm chủng uy tín
Trước khi tiêm chủng nên nghiên cứu và lựa chọn cơ sở tiêm chủng uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Điều này sẽ giúp mẹ yên tâm về việc nguồn gốc các loại vắc xin, cũng như quy trình bảo quản các loại vắc xin.
Bên cạnh đó, việc tiêm chủng tại các trung tâm uy tín sẽ có chuẩn bị sẵn sàng các phương án xử lý cấp cứu nếu trong trường hợp thai phụ bị sốc phản vệ sau tiêm, hạn chế tối đa các nguy cơ đe dọa tới tính mạng.
6.2. Báo với bác sĩ chuyên khoa về tình trạng dị ứng nếu có
Nếu mẹ có tiền sử bị dị ứng thì nên thông báo ngay với bác sĩ. Bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định cho mẹ sử dụng loại vắc-xin phù hợp. Bởi có những loại vắc-xin chứa những thành phần có thể là nguyên nhân gây dị ứng.
6.3. Theo dõi sau tiêm cẩn thận và đúng thời gian quy định
Sau khi tiêm vắc-xin cúm, chị em cần phải ở lại 30 phút tại cơ sở tiêm chủng để theo dõi các phản ứng sau tiêm (nếu có). Trường hợp có các dấu hiệu phản ứng sau tiêm, sốc phản vệ, cần báo ngay cho các bác sĩ để được cấp cứu kịp thời.
Trên đây là những thông tin mẹ cần biết về việc tiêm phòng cảm cúm trước mang thai. Đây là một trong những điều rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe toàn diện của cả mẹ bầu và em bé. Vì vậy mẹ hãy chủ động tiêm phòng cúm càng sớm càng tốt nhé.
>> Xem thêm: Lưu ngay 7 cách phòng cúm cho bà bầu hiệu quả nhất
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn