Viêm đại tràng cấp tính là căn bệnh rất phổ biến mà nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học. Tuy nhiên, rất nhiều người chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh nên không có ý thức phòng ngừa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tín giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
1. Viêm đại tràng cấp tính là gì?
Đây tình trạng đại tràng bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, có những triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng. Viêm đại tràng cấp tính nếu không điều trị tốt, bệnh sẽ tái phát nhiều lần và lâu ngày trở thành mạn tính với rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: Viêm đại tràng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị
2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính
Viêm đại tràng cấp tính có liên quan chặt chẽ với vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
- Đường ruột bị nhiễm khuẩn do ăn phải thức ăn kém vệ sinh, thực phẩm chưa được nấu chín hay do nguồn nước uống bị ô nhiễm. Các loại vi khuẩn như E.coli, Shigella, virus Rota, ký sinh trùng amip, sán ruột và một số loại vi nấm là những tác nhân chính gây bệnh viêm đại tràng cấp. Các vi sinh vật này sẽ xâm nhập vào cơ thể, giải phóng độc tố gây viêm xuất tiết, tiêu hủy lớp tế bào biểu mô niêm mạc và gây nên triệu chứng của viêm đại tràng cấp tính.
- Tình trạng táo bón kéo dài: Táo bón kéo dài kèm theo các hiện tượng như đi ngoài ra máu, bụng đau âm ỉ sẽ là yếu tố tác động khiến bạn mắc bệnh viêm đại tràng cấp.
- Ảnh hưởng của một số bệnh về đường ruột: Các bệnh lý như thiếu máu cục bộ đại tràng hay bệnh viêm ruột kích thích… cũng có thể là nguyên nhân tác động gây nên viêm đại tràng cấp tính.
- Lạm dụng thuốc kháng sinh: Trong hệ tiêu hóa chứa cả vi khuẩn có ích và vi khuẩn có hại. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị trong thời gian dài có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường tiêu hóa. Các vi khuẩn có ích trong đường ruột sẽ bị tiêu diệt. Đồng thời, các vi khuẩn gây hại sẽ phát triển mạnh hơn, gây ra viêm đại tràng cấp tính. Đặc biệt, việc sử dụng kháng sinh quá lâu ở trẻ em sẽ khiến cho vi khuẩn dần nhờn thuốc và đại tràng của trẻ yếu đi, có thể dẫn đến bệnh viêm đại tràng cấp tính.
- Nhiễm độc: Viêm đại tràng cấp cũng có thể xuất hiện khi người bệnh bị nhiễm độc Asen, thủy ngân, thuốc diệt cỏ…
- Căng thẳng do áp lực: Người thường xuyên bị áp lực, căng thẳng, chế độ ăn uống thất thường có nguy cơ mắc viêm đại tràng cao hơn.
- Chế độ sinh hoạt không hợp lý như làm việc liên tục không được nghỉ ngơi, gây áp lực lên hệ tiêu hóa.
3. Triệu chứng, biểu hiện của viêm đại tràng cấp tính
Các dấu hiệu bệnh viêm đại tràng cấp tính có thể xuất hiện đột ngột tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
3.1. Viêm đại tràng cấp tính do vi khuẩn
Bệnh gây đi ngoài lỏng nhẹ, đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài ra máu. Có dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc như sốt cao, cơ thể mệt mỏi, rối loạn nước và chất điện giải, dễ dẫn đến trụy tim mạch.
3.2. Viêm đại tràng cấp do virus Rota
Virus Rota là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, sức đề kháng tốt hơn nên số lượng người bị nhiễm virus rota giảm đáng kể. Do đó, các trường hợp bị viêm đại tràng cấp do virus rota cũng không nhiều.
Triệu chứng thường gặp:
- Triệu chứng nôn mửa thường xuất hiện đầu tiên
- Người bệnh có thể bị tiêu chảy liên tục nhiều ngày sau đó (khoảng 4 – 7 ngày)
- Cơ thể lên cơ sốt nhẹ và mất nước
3.3. Viêm đại tràng cấp do ký sinh trùng
- Đại tiện nhiều lần (nặng có thể lên đến 10-15 lần) trong ngày
- Phân có lẫn máu lẫn nhày, đau bụng, phân có lẫn bọt
- Mót rặn
- Không có sốt và đôi lúc hình thành giả u hay gọi là u amip (amoeboma)
- Viêm đại tràng do ký sinh trùng có thời gian ủ bệnh khá lâu (khoảng 2 – 6 tuần), bệnh thường dai dẳng nên dễ tái phát và chuyển sang mãn tính
3.4. Viêm đại tràng cấp do nấm
Viêm đại tràng do nấm hiếm gặp hơn nhưng nếu có thì triệu chứng khá nghiêm trọng. Chủng nấm phổ biến nhất có thể gây hại cho đại tràng là nấm men Candida albicans. Loại nấm này có thể ký sinh trên da, trong miệng, đường tiêu hóa hay âm đạo của phụ nữ.
Chúng gây triệu chứng như tiêu chảy, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của ruột bị suy giảm mạnh dẫn tới suy dinh dưỡng, mất nước.
4. Viêm đại tràng cấp tính có nguy hiểm không?
Bệnh viêm đại tràng cấp tính rất nguy hiểm do yếu tố diễn biến nhanh chóng, gây mất nước và điện giải. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể bị trụy tim mạnh. Khi bị viêm đại tràng cấp do lỵ amip, nếu không có phác đồ điều trị đúng có thể dẫn đến viêm đại tràng mãn tính, nguy hiểm hơn là gây áp xe gan. Ngoài ra, người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết, tắc ruột, thủng ruột, gây viêm phúc mạc, thậm chí là ung thư đại tràng.
Viêm đại tràng cấp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai, bệnh còn gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cả mẹ và con. Người bệnh thường bị đau bụng dọc theo khung đại tràng, rất gần với tử cung nên ít nhiều đều có ảnh hưởng đến thai nhi. Đôi khi, triệu chứng này “che lấp” các biểu hiện đau bụng liên quan đến thai sản như: động thai, sảy thai, rau bong non… Do đó, viêm đại tràng cấp tính ở bà bầu cần được điều trị sớm và cẩn trọng trong phác đồ điều trị.
5. Phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng cấp
Viêm đại tràng cấp tính được chẩn đoán tương đối đơn giản. Trước tiên, các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng của bệnh nhân để đánh giá xem mức độ, tính chất của những triệu chứng này thế nào. Chẳng hạn như:
- Đau bụng
- Tiêu chảy nhiều lần trong ngày
- Phân lỏng có thể nhầy máu
- Có cảm giác buồn ói
- Có thể có sốt cao, cơ thể mệt mỏi, suy kiệt
Nếu triệu chứng mới bùng phát trong thời gian gần đây, mới chỉ có vài ngày thì có thể nghĩ ngay tới viêm đại tràng cấp tính.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ nghiên cứu thêm về tiền sử bệnh tật và sử dụng thuốc, thói quen ăn uống thường ngày của bệnh nhân hay có ai trong gia đình cũng mắc phải các triệu chứng tương tự hay không để chẩn đoán bệnh.
Sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết, để tìm ra tác nhân gây bệnh. Các phương pháp xét nghiệm chủ yếu là:
- Soi phân trực tiếp để tìm vi khuẩn, virus hay kí sinh trùng gây bệnh.
- Xét nghiệm máu để đo lượng bạch cầu, nếu bạch cầu tăng thì có thể viêm đại tràng là do nhiễm trùng.
- Bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp ít khi phải dùng tới phương pháp nội soi.
6. Điều trị viêm đại tràng cấp
Viêm đại tràng cấp chủ yếu được điều trị nội khoa bằng kháng sinh. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng tác nhân gây bệnh sẽ có phác đồ điều trị phù hợp.
6.1. Điều trị viêm đại tràng cấp do vi khuẩn C.diff
- Tình trạng nhẹ người bệnh cần chú ý bù nước và điện giải để phòng ngừa tình trạng đi ngoài dẫn đến mất nước.
- Nếu bệnh tiến triển nặng thì cần điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bị biến chứng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng.
6.2. Điều trị viêm đại tràng cấp do vi khuẩn Salmonella
- Tình trạng nhẹ đến mức trung bình: Không cần điều trị. Một số trường hợp thì cần bù nước + điện giải, có thể sử dụng thêm thuốc hạ sốt hoặc thuốc khác để giảm triệu chứng.
- Tình trạng nặng có biến chứng: Phải dùng kháng sinh phù hợp theo phác đồ để điều trị.
6.3. Điều trị viêm đại tràng do vi khuẩn Shigella
- Tình trạng nhẹ: Bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày mà không cần dùng thuốc.
- Tình trạng nặng: Điều trị nội khoa bằng các thuốc như ampicillin, fluoroquinolon hay ciprofloxacin nếu bệnh nhân đi ngoài nghiêm trọng. Kết hợp bù nước và điện giải. Tránh dùng thuốc tiêu chảy vì có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn.
6.4. Điều trị viêm đại tràng cấp do Campylobacter
- Tình trạng nhẹ: Bệnh tự khỏi sau 5 – 7 ngày mà không cần dùng kháng sinh.
- Tình trạng nặng: Có thể phải sử dụng thêm một số loại kháng sinh như azithromycin, macrolide…
6.5. Điều trị viêm đại tràng cấp do vi khuẩn E.coli
- Tình trạng nhẹ: Bù nước và nghỉ ngơi.
- Tình trạng nặng: Bệnh nhân phải nhập viện để truyền máu, lọc thận hoặc thuốc kiểm soát co giật, thuốc điều hòa huyết áp.
6.6. Điều trị viêm đại tràng cấp do virus
Chú ý bù nước và điện giải nhằm tránh mất nước, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày.
6.7. Điều trị viêm đại tràng cấp do trùng amip và nấm
Sử dụng kháng sinh điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
7. Phòng bệnh viêm đại tràng cấp tính
7.1. Thể dục nhiều hơn
Đã rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tập luyện thể dục thể thao không chỉ tăng cường sức khỏe nói chung mà còn giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh viêm đại tràng hiệu quả. Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, tiêu hóa tốt, viêm nhiễm và tổn thương niêm mạc đại tràng cũng được khắc phục tốt hơn. Triệu chứng bệnh khó chịu khi đó cũng giảm đi.
7.2. Sử dụng thuốc điều trị bệnh theo đúng đơn của bác sĩ
Thuốc điều trị viêm đại tràng hiện nay thường được kê rất nhiều loại, phần lớn thuốc sẽ tác động đến hệ miễn dịch, giảm viêm sưng và ngăn chặn nhiễm trùng. Do sử dụng nhiều và liên tục nên không thể tránh các tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều theo toa bác sĩ chuyên khoa kê và đúng giờ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
7.3. Ăn uống đủ chất
Bệnh nhân viêm đại tràng thường gặp vấn đề về dinh dưỡng, khi cơ thể khó hấp thu một số loại Vitamin và khoáng chất như: Acid folic, Vitamin A, D, E, K và Vitamin B12. Ngoài ra, cơ thể cũng phản ứng nhạy cảm hơn với một số nhóm thực phẩm nhất định.
Vì thế, hãy tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lập cho mình một chế độ dinh dưỡng phù hợp, vừa đáp ứng tốt nhu cầu cơ thể vừa dễ hấp thu, đẩy lùi bệnh.
7.4. Giải tỏa căng thẳng
Bệnh viêm đại tràng sẽ càng diễn tiến nặng khi tinh thần căng thẳng, lo âu kéo dài do gánh nặng cuộc sống, việc học hành hay công việc. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng, kể cả người bình thường lẫn bệnh nhân viêm đại tràng nên dành ra một khoảng thời gian nhất định trong ngày để thư giãn, hít thở sâu, giảm căng thẳng mệt mỏi.
7.5. Sử dụng thực phẩm chức năng
Như đã trình bày ở trên, viêm đại tràng khiến cơ thể khó hấp thu dưỡng chất, vì thế bổ sung thêm các sản phẩm men vi sinh giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Tuy nhiên khi lựa chọn sản phẩm để sử dụng bạn nên lựa chọn các sản phẩm có Probiotics (các vi khuẩn có lợi) và Prebiotics (dạng FOS) được phân lập từ Kim chi Hàn Quốc và bào chế bằng công nghệ Lab2pro. Đây là dòng sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên nên rất tốt cho sức khỏe và hoàn toàn không gây ra các phản ứng phụ khi sử dụng.
Hy vọng những kiến thức y học được tổng hợp trong bài viết này đã giúp bạn đọc nắm rõ được triệu chứng bệnh viêm đại tràng cấp. Đừng chủ quan với căn bệnh này bởi nó có thể gây suy nhược sức khỏe của bạn một cách âm thầm và nguy hiểm.
Bài viết liên quan: Phân biệt viêm đại tràng cấp và mãn tính như thế nào?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn