Hiện nay, số người mắc các bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có viêm đại tràng sigma có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh mà còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có hướng phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1. Viêm đại tràng sigma là gì?
Đại tràng là một bộ phận của hệ thống tiêu hóa trong cơ thể con người. Bộ phận này được chia làm 4 khu vực chính, đó là: ngang, lên, xuống và sigma. Hiểu một cách cụ thể thì sigma là khu vực nằm phía cuối của đại tràng, là cầu nối giữa đại tràng và trực tràng.
Viêm đại tràng sigma là tình trạng lớp niêm mạc tại khu đại tràng sigma bị viêm nhiễm và tổn thương bởi một tác nhân nào đó. Đó có thể là hậu quả của thói quen sống thiếu lành mạnh, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy đã có sự xâm nhập của một loại vi khuẩn/virus/nấm/ký sinh trùng vào cơ thể,…
Bệnh lý này được chia làm 2 giai đoạn: cấp tính và mãn tính:
- Cấp tính: Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường phát bệnh nhanh và đột ngột với các triệu chứng đau quặn bụng, tiêu chảy đến mất nước.
- Mãn tính: Nếu không có phương pháp xử lý kịp thời thì viêm đại tràng sẽ chuyển từ cấp tính sang mãn tính. Lúc này, bệnh sẽ kéo dài dằng dẳng và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân.
2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng sigma
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đại tràng sigma, trong đó có một số nguyên nhân phổ biến sau đây:
- Thói quen ăn uống mất vệ sinh: Vi khuẩn tồn tại cực kỳ nhiều trong các thực phẩm lề phố, kém vệ sinh,… Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên hầu hết các bệnh về đường ruột nói chung và đại tràng nói riêng.
- Do vi khuẩn/virus/ký sinh trùng/nấm: Vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (Shigella), vi khuẩn Campylobacter, vi khuẩn E.coli,…
- Tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị: Trong quá trình điều trị bệnh Crohn hay ung thư, tác dụng phụ của các tia bức xạ có thể khiến đại tràng sigma bị tổn thương, từ đó gây ra các vết loét, viêm nhiễm.
- Do ngộ độc, dị ứng thức ăn: Ngoài ra, người có tiền sử tiền sử mắc rối loạn thần kinh thực vật cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đại tràng sigma bị viêm nhiễm.
- Chế độ sinh hoạt thiếu khoa học: nghỉ ngơi không đúng giờ giấc, sử dụng quá nhiều rượu, bia, thuốc lá, lười vận động, stress, căng thẳng quá độ, bỏ bữa, không nạp đủ chất,… Lâu dài tất cả sẽ bào mòn các tế bào, bộ phận trong cơ thể, đồng thời sản sinh ra bệnh tật.
Ngoài ra, vẫn có trường hợp không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, khi có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến các cơ sở, trung tâm y tế chính thống, chất lượng để thăm khám và tư vấn rõ ràng. Khi biết được nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, bệnh nhân mới có thể bắt đầu thực hiện điều trị được.
3. Viêm đại tràng sigma có triệu chứng như thế nào?
Cũng như các bệnh đại tràng khác, viêm đại tràng xích ma cũng có các triệu chứng sau:
- Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu
- Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy liên tục, dẫn đến mất nước và suy nhược cơ thể; táo bón gây mệt mỏi
- Đau bụng, đau vùng trực tràng: đau bên hố chậu và 2 bên hạ sườn, cơn đau có lúc âm ỉ, có lúc quặn thắt dữ dội. Lúc này, bệnh nhân thường hay xuất hiện tình trạng mót rặn và khi giải quyết xong sẽ thoải mái hơn nhiều
- Khi ấn tay vào hố chậu phát ra âm thanh kêu óc ách
- Sốt
- Người háo nước
- Phân đi dính nhớp, đôi khi lẫn cả máu có màu đỏ hoặc màu xám
- …
4. Bị viêm đại tràng sigma có nguy hiểm không?
Là một bệnh đường ruột bộc phát nhanh và đột ngột, nếu không được điều trị kịp thời, viêm đại tràng sigma có thể biến thành mãn tính cùng với các hệ lụy đi kèm, như:
- Xuất huyết đại tràng: Đại tràng bị chảy máu bên trong, có thể dẫn đến tử vong nếu không cầm máu kịp.
- Thủng đại tràng: Lúc này ổ viêm loét ngày càng sâu và đã ăn mòn niêm mạc.
- Ung thư đại tràng sigma: Các tổn thương do vết loét lâu năm sẽ khiến các tế bào loạn sản, dị sản biến thành ung thư. Lúc này, không thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư đại tràng sigma. Quá trình điều trị chủ yếu giúp giảm triệu chứng và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Vì vậy, phát hiện sớm chính là giải pháp duy nhất giúp rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế tối đa nguy cơ tử vong.
5. Phương pháp chẩn đoán viêm đại tràng sigma
Để xác định bệnh nhân có mắc bệnh viêm loét đại tràng sigma hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi đáp để đánh giá tình trạng bệnh lý. Các câu hỏi bao gồm: mức độ cơn đau bụng, tần suất cơn đau, tính chất phân lỏng hay nát, mô tả cảm giác chướng bụng, thường chướng bụng ở trước bữa ăn, sau bữa ăn hay thời điểm nào,…
Sau đó, để đi đến kết luận bệnh chính xác nhất, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm khác như:
- Nội soi đại tràng: được đánh giá là phương pháp phổ biến và cho kết quả chuẩn xác nhất để bắt bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống nội soi có gắn camera và đèn chiếu sáng trên đầu vào đại tràng của người bệnh. Hình ảnh bên trong đại tràng sẽ được chiếu trên màn hình. Bác sĩ quan sát và chẩn đoán bệnh lý.
- Chụp X – quang đại tràng: thường được chỉ định cho người già, trẻ nhỏ sức khỏe yếu,…không thể thực hiện nội soi.
- Xét nghiệm phân: giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến bệnh là do loại vi sinh vật nào. Bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên do để lên phác đồ đặc hiệu.
- Các phương pháp như chụp CT hoặc MRI.
6. Phương pháp điều trị viêm đại tràng sigma
Đây là một căn bệnh không thể điều trị ngày 1 ngày 2. Bệnh nhân cần kết hợp điều trị và nghỉ ngơi, tẩm bổ cho cơ thể để mau chóng khỏi bệnh. Tùy vào từng trạng thái bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị nội khoa hay ngoại khoa.
6.1. Điều trị nội khoa
Sau khi thực hiện các xét nghiệm liên quan, bác sĩ sẽ dựa vào đó tiến hành lên phác đồ điều trị chuyên biệt. Trong đó, sẽ có một số nhóm thuốc thường hay được chỉ định nhằm giảm bớt triệu chứng và ngăn chặn bệnh tình tiến triển xấu hơn, là:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng sinh, chống nấm, ký sinh trùng
- Thuốc kháng viêm
- Thuốc hạ sốt
- Thuốc làm lành vết loét đại tràng
- Thuốc cầm tiêu chảy
- Thuốc điều trị chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu
- Thuốc tăng cường đề kháng, hỗ trợ miễn dịch
Bệnh nhân nhận thuốc phải sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ phụ trách. Không được tự ý thay đổi liều lượng và loại thuốc. Vì mỗi loại thuốc đều chứa các tác dụng phụ tiềm ẩn, do đó người bệnh cần chú ý khi dùng.
6.2. Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, hoặc thời gian phát hiện đã muộn khiến cho viêm đại tràng sigma có diễn biến phức tạp. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng sigma bị viêm nhiễm. Đây có thể là một cuộc phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở dựa vào giai đoạn bệnh.
Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, không nên quá căng thẳng hoặc lo sợ. Hãy xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường sức đề kháng bằng cách tập luyện thể dục thể thao để đẩy nhanh việc phục hồi sức khỏe.
Sau khi các triệu chứng đã được cải thiện, mọi người vẫn cần tái khám định kỳ 2 lần 1 năm và gặp gỡ bác sĩ ngay nếu thấy cơ thể có điều bất thường (biến chứng sau phẫu thuật) để có hướng giải quyết nhanh chóng.
7. Phòng tránh các vấn đề về đại tràng xích ma
Để đề phòng nguy cơ mắc các bệnh lý về đại tràng xích ma, bạn cần chú ý tới lối sống, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực và chăm sóc sức khỏe.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thực đơn cân bằng, đa dạng. Bổ sung năng lượng phù hợp, trung bình từ 30 – 35 Kcal/kg/ngày. Lượng chất béo không quá 15g/ngày. Uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Duy trì cân nặng ở mức cho phép. Nếu bị thừa cân, béo phì hãy giảm cân theo phương pháp khoa học.
- Tập đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để nâng cao thể trạng
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ. Khi cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường cảnh báo có thể mắc bệnh lý về đại tràng xích ma hãy đi khám sớm để chẩn đoán chính xác bệnh.
Viêm đại tràng sigma có thể không phải là một căn bệnh mới, nhưng vẫn là một căn bệnh nguy hiểm với các biến chứng nặng nề nếu không được chữa trị kịp thời. Hãy bảo vệ bản thân bằng cách sinh hoạt đúng giờ giấc, lành mạnh và đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể hằng ngày.
Bài viết liên quan:
- Bệnh viêm đại tràng sôi bụng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Bệnh viêm đại tràng thiếu máu cục bộ: Nguyên nhân và điều trị
- Viêm đại tràng giả mạc là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn