Viêm đại tràng xung huyết là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng niêm mạc ruột già bị phù nề, sưng viêm do tăng lưu lượng máu tuần hoàn. Bệnh lý này thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc hại khuẩn thường trú trong đường ruột phát triển quá mức. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu thêm về căn bệnh này nhé.
1. Viêm xung huyết đại tràng là gì?
Viêm đại tràng xung huyết là hiện tượng niêm mạc đại tràng bị phù nề, sưng viêm do tăng lưu lượng máu trong các mạch máu. Hiện tượng này thực chất là phản ứng của ruột già khi tiếp xúc với độc tố của các chủng vi khuẩn có hại. Tương tự như các bệnh viêm đại tràng khác, viêm đại tràng xung huyết cũng có thể tiến triển cấp hoặc mãn tính.
Lưu lượng máu tăng lên đột ngột ở một số vị trí có thể khiến niêm mạc phù nề, sưng viêm và tăng nhu động bất thường. Ngoài những triệu chứng rối loạn tiêu hóa và đại tiện, viêm đại tràng xung huyết có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được thăm khám – điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng xung huyết
Nguyên nhân khiến niêm mạc đại tràng xuất hiện các tổn thương dạng xung huyết chủ yếu xuất phát từ những thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày, phải kể đến như:
- Lạm dụng kháng sinh chữa bệnh: kháng sinh có thể tiêu diệt hại khuẩn trong đường ruột, nhưng đồng thời cũng sẽ tiêu diệt cả lợi khuẩn. Vì thế, hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, lớp lông nhung bị trơ trọi, bề mặt niêm mạc đại tràng mất đi yếu tố bảo vệ sẽ ngày càng bị viêm và xung huyết nặng hơn.
- Sử dụng nhiều chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá hay các loại đồ uống có cồn khác đều có thể là lý do gây tổn hại niêm mạc đại tràng.
- Ăn nhiều thực phẩm cay nóng, dầu mỡ: Những loại thức ăn này thường kích thích đường ruột bài tiết dịch mật nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn. Nhưng một khi lượng dịch mật sản xuất quá nhiều, axit có trong dịch mật này sẽ làm tổn hại đại tràng, có nguy cơ gây xuất huyết đại tràng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Nhiễm độc tố, hóa chất: Trong một số trường hợp, viêm đại tràng xung huyết có thể xảy ra do nhiễm độc hóa chất và độc tố có trong nước uống, thực phẩm. Tương tự như độc tố từ vi khuẩn, độc tố từ các loại thực phẩm và nước uống có thể gây giãn mạch dẫn đến tăng lưu lượng máu và sưng viêm, phù nề.
- Một số yếu tố, nguyên nhân khác: Ngoài ra, nguy cơ bị viêm đại tràng xung huyết còn có thể tăng lên khi có những yếu tố như hóa xạ trị điều trị ung thư, sử dụng kháng sinh dài hạn (làm tăng chủng hại khuẩn trong đường ruột), hệ miễn dịch suy giảm, tuổi tác cao, sử dụng rượu bia và hút thuốc lá trong thời gian dài.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng xung huyết
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm đại tràng xung huyết:
- Đau bụng quằn quại hoặc đau âm ỉ, một số trường hợp có thể đau dọc theo khung đại tràng
- Thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau dữ dội ở một vị trí cố định (thường là ở vị trí niêm mạc bị xung huyết).
- Rối loạn đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón), đôi khi có thể xen lẽ từng đợt tiêu lỏng và đại tiện táo.
- Thường xuyên cảm thấy buồn đại tiện nhưng không đi được – ngay cả khi mót rặn, tần suất đi tiêu tăng dẫn đến mất nước, cơ thể mệt mỏi và uể oải.
- Đi kèm với một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng, mệt mỏi, suy nhược,…
- Trong trường hợp viêm đại tràng xung huyết phát triển mãn tính, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sụt cân, xanh xao, suy nhược, ăn uống kém.
4. Viêm đại tràng xung huyết có nguy hiểm không?
Trên thực tế, đa phần các trường hợp bị viêm đại tràng xung huyết đều có đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ chăm sóc. Nếu tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm sau 5 ngày và hiện tượng nhiễm trùng sẽ được kiểm soát hoàn toàn sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, viêm đại tràng xung huyết cũng có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu chủ quan và không can thiệp điều trị kịp thời.
Các biến chứng có thể gặp phải khi điều trị viêm đại tràng xung huyết:
- Xuất huyết tiêu hóa dưới
- Bệnh tiến triển mãn tính
- Phình đại tràng
- Ung thư đại tràng
Ngoài ra, viêm đại tràng cũng có thể gây ra một số biến chứng khác như rối loạn điện giải, hạ huyết áp (do mất nước và muối khoáng), thủng ruột, tắc ruột,…
5. Chẩn đoán viêm đại tràng xung huyết thế nào?
Để chẩn đoán viêm đại tràng xung huyết, trước hết các bác sĩ sẽ căn cứ vào những triệu chứng mà bệnh nhân thường gặp phải. Bác sĩ có thể hỏi một số thông tin như là: đau ở đâu, đau nhiều hay đau ít, các triệu chứng đi kèm,…
Sau khi có được thông tin sơ bộ về những triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra những đánh giá ban đầu về bệnh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng để cho kết luận cuối cùng, cũng như đưa ra hướng điều trị thích hợp.
Để chẩn đoán xác định viêm đại tràng xung huyết các bác sĩ chuyên khoa thực hiện cùng với các xét nghiệm y khoa như:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang khung đại tràng có thuốc cản quang
- Soi đại tràng bằng ống mềm,…
6. Điều trị viêm đại tràng xung huyết như thế nào?
6.1. Điều trị bằng thuốc
Trong tất cả các trường hợp, điều trị bảo tồn luôn là lựa chọn ưu tiên. Đối với bệnh viêm đại tràng xung huyết, điều trị bảo tồn chủ yếu là sử dụng thuốc và bù dịch (nếu bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải).
Tùy thuộc vào từng dạng xung huyết mà các bác sĩ chuyên khoa sử dụng thuốc khác nhau để áp dụng chữa bệnh. Một số loại thuốc thuộc nhóm kháng sinh đường ruột như Flagentyl, Biceptol, Flagyl,… và thuốc điều hòa nhu động ruột như Dobridat, Visceralgin, Rekelat…
6.2. Điều trị bằng phẫu thuật
Trong trường hợp viêm đại tràng xung huyết không có đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc đã phát sinh biến chứng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để xử lý. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật như:
- Cắt bỏ đoạn ruột già bị xung huyết (trong trường hợp xung huyết nặng và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn)
- Nội soi cầm máu (khi xảy ra biến chứng xuất huyết tiêu hóa)
- Nội soi khâu lỗ thủng (trong trường hợp thủng ruột)
7. Hướng dẫn cách phòng ngừa viêm đại tràng hiệu quả
Bên cạnh điều trị người bệnh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý:
- Cần bổ sung thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu. Bên cạnh đó, tránh chất kích thích niêm mạc đại tràng như dầu mỡ, rau sống,…
- Không nên uống nhiều rượu bia, ăn những thực phẩm cay nóng, không nên hút thuốc và sinh hoạt lành mạnh. Chế độ ăn nên bổ sung nhiều rau quả và trái cây để bổ sung chất xơ.
- Uống nhiều nước mỗi ngày (1,5 – 2 lít nước/ngày) để hỗ trợ tiêu hóa giúp hoạt động trơn tru hơn.
- Trong trường hợp thiếu hụt men lactase thì không dùng sữa, trong đợt tiến triển khẩu phần ăn cần hạn chế chất xơ, nếu bệnh nhân không ăn được phải truyền dịch.
- Ngoài ra, bạn nên tăng cường vận động, massage bụng thường xuyên giúp phòng bệnh một cách hiệu quả.
Viêm đại tràng xung huyết là bệnh lý đường ruột khá phổ biến. Bệnh có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Do đó, bệnh nhân nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp. Tuyệt đối không chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, thủng và tắc ruột.
Bài viết liên quan:
- Bị viêm đại tràng vi thể: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Bệnh viêm đại tràng thể lỏng: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
- Viêm đại tràng phù nề: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn