Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virut corona có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Căn nguyên của bệnh là do nhiều loại virut gây ra, nhưng trong số đó virut SARS-CoV-2 đang là mối hiểm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu.
Hiện nay, virut SARS-CoV-2 là mối hiểm họa đe dọa sức khỏe nhân loại, khi là nguyên nhân gây ra đại dịch covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Tính đến đầu tháng 5 năm 2021, dịch đã lan tới 240 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, khiến gần 160 triệu người nhiễm và khoảng 3,3 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam đại dịch cũng đang gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, nhiều khu vực bị cách ly xã hội, trường học đóng cửa, nhiều hoạt động bị đình trệ, lực lượng y tế và các tổ chống dịch phải làm việc liên tục, chạy đua với thời gian để dập dịch. Tính đến ngày 11 tháng 5 năm 2021, nước ta đã có hơn 3.500 người mắc và 35 người đã tử vong do covid-19 gây ra.
Người bệnh covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ không có triệu chứng, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trong khi vacxin phòng covid-19 chưa được tiêm chủng một cách rộng rãi, nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
1. Chủng virut corona (CoV)
Virut corona được phát hiện vào những năm 1960, là một họ virut lớn thường lây nhiễm cho động vật hoang dã nhưng đôi khi chúng có thể tiến hóa và lây sang người. Khi virut lây sang người, nó xâm nhập vào một số tế bào và chiếm lấy bộ máy tế bào, chẳng hạn như xâm nhập vào đường hô hấp, gây tổn thương viêm đặc hiệu ở đường hô hấp. Đồng thời virut chuyển hướng hoạt động bộ máy tế bào để phục vụ cho nó, tạo ra virut mới (biến đổi gen), nhân lên và đặc biệt nguy hiểm là lây nhiễm cho người khác.
Có bảy chủng virut corona lây nhiễm cho người đã được biết tới đó là:
- Virut corona 229E ở người (HCoV-229E)
- Virut corona OC43 (HCoV-OC43)
- SARS-CoV gây ra đại dịch SARS năm 2002, 2003
- Virut corona ở người NL63 (HCoV-NL63, New Haven)
- Virut corona ở người HKU1
- MERS-CoV: gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông do virut corona
- SARS-CoV-2: là một virut corona chủng mới, ban đầu có tên là 2019-nCoV và được gọi không chính thức là virut Vũ Hán, được phát hiện đầu tiên gây bệnh viêm phổi trên người ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Ngày 11 tháng 2 năm 2020 Ủy ban quốc tế về phân loại virut (ICTV) đặt tên chính thức là SARS-CoV-2, là tác nhân gây viêm đường hô hấp cấp khiến hàng triệu người nhiễm bệnh và làm số ca tử vong tăng lên từng ngày. Hiện chủng virut này đang gây ra đại dịch covid-19 ảnh hưởng trên toàn thế giới.
2. Tranh cãi về nguồn gốc virut SARS-CoV-2
Virut SARS-CoV-2 gây ra một loạt tranh cãi về nguồn gốc xuất xứ của nó. Có rất nhiều giả thuyết đặt ra về nguồn gốc thực sự của chủng virut corona mới này. Các giả thuyết đưa ra có thực sự SARS-Cov-2 xuất phát từ dơi như Trung Quốc công bố hay xuất phát từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán?
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thời còn đương chức liên tục công kích, khẳng định trước truyền thông virut corona chủng mới thực tế là xuất phát từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc, ông liên tục gọi SARS-CoV-2 là “virut Trung Quốc” (Chinese virus). Đồng quan điểm với Mỹ, Úc cũng liên tục đưa ra yêu cầu cần điều tra nguồn gốc thực sự của chủng virut này dẫn đến căng thẳng lớn với Trung Quốc.
Giả thuyết người thợ mỏ Mặc Giang và nguồn gốc của virut corona 2019. Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể đã xuất hiện và gây ra ba cái chết cho các công nhân mỏ ở Trung Quốc từ năm 2012.
Trước áp lực của nhiều quốc gia, Tổ chức y tế thế giới cuối cùng cũng có quyết định đến đưa các chuyên gia đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc thực sự của SARS-CoV-2.
Hiện tại, theo một số nghiên cứu vật chủ trung gian của virut là dơi hoặc tê tê.
3. Các vụ dịch do virut corona gây ra
3.1. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)
SARS là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng ở người gây ra bởi một loại virut mang tên SARS-CoV, một chủng của virut corona. SARS-CoV được xác định vào năm 2003, được cho là một loại virut lây nhiễm từ một ổ động vật chưa chắc chắn, có lẽ là dơi, lây sang các động vật khác (cầy hương) rồi lây nhiễm sang người. Lần đầu tiên ghi nhận bệnh lây nhiễm sang người là ở tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc vào cuối năm 2002, lan đến HongKong.
Sau đó trong thời gian từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003, dịch SARS bùng phát ở HongKong, lan tỏa ra toàn cầu và gần như trở thành một đại dịch, với 8422 người nhiễm và khoảng 774 trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Theo Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tử vong khoảng 10,9%. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, SARS từ HongKong lây lan ra 37 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam vào đầu năm 2003.
Bệnh cảnh lâm sàng của SARS nói chung khá nặng, biểu hiện ban đầu có thể sốt cao 38 độ C hoặc hơn, ho, hắt hơi, xổ mũi, chảy nước mũi, dần dần dẫn đến khó thở, tím môi, tím đầu chi, rồi nhanh chóng suy hô hấp, suy đa tạng, tử vong.
Mặc dù gần đây không ghi nhận những ca mắc mới, nhưng không như một số loài virut đã bị xóa sổ, SARS-CoV vẫn tồn tại tiềm ẩn trong thiên nhiên (quần thể động vật hoang dã) và có khả năng bùng phát thành dịch bất cư lúc nào.
3.2. Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)
Vào tháng 9 năm 2012, một loại virut corona mới đã được xác định, ban đầu được gọi là Novel Coronavirus 2012, và bây giờ được đặt tên chính thức là virut corona gây hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV).
Bản cập nhật của Tổ chức y tế thế giới vào ngày 28 tháng 9 năm 2012 tuyên bố rằng virut dường như không dễ dàng truyền từ người sang người. Tuy nhiên, vào ngày 12 tháng 5 năm 2013, một trường hợp lây truyền từ người sang người ở Pháp đã được Bộ Xã hội và Y tế Pháp xác nhận. Ngoài ra, các trường hợp lây truyền từ người sang người đã được Bộ Y tế Tunisia báo cáo.
Hai trường hợp được xác nhận liên quan đến những người dường như đã mắc bệnh từ người cha quá cố của họ, người bị bệnh sau chuyến thăm Qatar và Ả Rập Saudi. Mặc dù vậy, có vẻ như virut gặp khó khăn khi lây lan từ người sang người, vì hầu hết các trường hợp bị nhiễm bệnh không lan truyền virut này.
Thống kê đến ngày 30 tháng 10 năm 2013, đã có 124 trường hợp và 52 người tử vong ở Ả Rập Saudi. Vào tháng 5 năm 2014, hai trường hợp nhiễm MERS-CoV duy nhất của Hoa Kỳ đã được ghi nhận, cả hai xảy ra ở những nhân viên chăm sóc sức khỏe làm việc ở Ả Rập Saudi và sau đó đi du lịch đến Hoa Kỳ đã được điều trị ở Indiana và một ở Florida. Cả hai người này đã được nhập viện tạm thời và sau đó xuất viện.
Vào tháng 5 năm 2015, một vụ dịch MERS-CoV đã xảy ra ở Hàn Quốc, khi một người đàn ông đi du lịch đến Trung Đông, về nước đã đến 4 bệnh viện khác nhau trong khu vực Seoul để điều trị bệnh. Điều này gây ra một trong những vụ dịch MERS-CoV lớn nhất bên ngoài Trung Đông. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-CoV.
Tính đến tháng 12 năm 2019, có 2.468 trường hợp nhiễm MERS-CoV đã được xác nhận bằng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, 851 trong số đó là tử vong, tỷ lệ tử vong khoảng 34,5%.
3.3. Đại dịch covid-19
Đại dịch covid-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là SARS-CoV-2, một chủng virut corona mới. Hiện dịch bệnh đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Xuất hiện vào cuối năm 2019, với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc, chủ yếu với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng virut corona mới.
Thời điểm đó được Tổ chức y tế thế giới tạm đặt tên là 2019-nCoV, virut mới có trình tự gen giống với SARS-CoV lên tới gần 80%, sau đó ngày 11 tháng 2 năm 2020 được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2. Virut này được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã như rắn, dơi… lây sang người do việc buôn bán tại chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán.
Các ca nghi nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán vào ngày 9 tháng 1 năm 2020. Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông Nhật Bản.
Ban đầu các quan chức y tế Trung Quốc và ngay cả Tổ chức y tế thế giới đều cho rằng không có bằng chứng virut lây từ người sang người, do những người nhiễm bệnh được báo cáo đều liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam. Nhưng với sự bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020, thì sự lây nhiễm từ người sang người đã được xác nhận.
Ngày 23 tháng 1 năm 2020, chính phủ Trung Quốc quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và hoạt động xuất – nhập khẩu đều bị tạm dừng. Đến 31 tháng 1 năm 2020 Tổ chức y tế thế giới tuyên bố sự bùng phát dịch viêm phổi do virut corona chủng mới từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, dịch đã lan ra 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với hơn 126.000 người nhiễm bệnh. Chính vì thế mà ngày 11 tháng 2 năm 2020 Tổ chức y tế thế giới chính thức đặt tên dịch là “covid-19”, và đến ngày 11 tháng 3 năm 2020 thì đưa ra tuyên bố gọi “covid-19” là “đại dịch toàn cầu”.
Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu. Các biện pháp bao gồm hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học, đóng cửa các cơ sở dịch vụ ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.
Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như phong tỏa toàn bộ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, phong tỏa để kiểm dịch toàn bộ tại Italia, các biện pháp giới nghiêm khác nhau ở Trung Quốc, và Hàn Quốc, các phương pháp sàng lọc tại các sân bay và nhà ga, hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động du lịch tới những khu vực, vùng, quốc gia có nguy cơ nhiễm dịch bệnh ở mức cao, cấm các chuyến bay từ các vùng hoặc quốc gia có dịch…
Theo số liệu của Tổ chức y tế thế giới, tính đến đầu tháng 5 năm 2021, đại dịch covid-19 đã lan đến 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó gần 160 triệu người nhiễm và khoảng 3,3 triệu người đã tử vong, đứng đầu về số ca nhiễm là Hoa Kỳ, tiếp theo là Ấn Độ, Brazil.
Đại dịch vẫn đang gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội trên toàn thế giới. Những ảnh hưởng của đại dịch covid-19 hiện nay bao gồm thiệt hại về sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị với những người nhiễm, việc truyền bá thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu về nguồn gốc virut…
4. Sự lây truyền bệnh
Ban đầu virut tồn tại ở động vật hoang dã (có thể là dơi, rắn), rồi lây từ động vật sang người. Sau đó, virut nhân trong cơ thể người, gây ra bệnh cảnh viêm đường hô hấp cấp tính, rồi tiếp tục lây lan từ người sang người. Con đường lây truyền giống như những loại virut gây cảm cúm, bao gồm:
- Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virut sang người khỏe mạnh.
- Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người có SARS-CoV-2 khiến virut truyền từ người này sang người khác.
- Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virut, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng của mình.
- Trường hợp hiếm hoi, virut có thể lây lan qua tiếp xúc với phân của người nhiễm bệnh.
- Thời gian gần đây, nhiều báo cáo cho thấy virut có những biến thể và có thể lây nhiễm trong không khí, khiến cho dịch bệnh lây lan rất nhanh.
Ban đầu, các nhà khoa học dự đoán hệ số lây nhiễm cơn bản (R0) của covid-19 khoảng từ 2 – 4, tức là 1 người bị nhiễm bệnh có thể lây cho 4 người khác. Nhưng các biến thể có thể làm tăng khả năng lây nhiễm lên hơn 70%, thậm chí biến thể Nam Phi có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn từ 20 – 200% so với chủng ban đầu, được coi là chủng có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay.
Ngoài ra, theo Tổ chức y tế thế giới, biến thể B.1.617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020 mang 2 đột biến quan trọng là L452R và E484Q giúp virus lây lan nhanh hơn và tăng khả năng đề kháng với kháng thể và vacxin. B.1.617 được cho là nguyên nhân làm số ca bệnh covid-19 tăng khủng khiếp ở Ấn Độ hiện nay.
5. Biểu hiện triệu chứng của nhiễm covid-19
Những người nhiễm covid-19 đã có một loạt các triệu chứng được báo cáo, từ không có triệu chứng, tới các triệu chứng nhẹ, tiếp đến những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong.
5.1. Thời gian ủ bệnh
Từ 2-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày, nhưng cũng có những báo cáo cho rằng thời gian ủ bệnh lên đến 21 ngày, tuy nhiên vấn đề này còn tranh cãi và đang được nghiên cứu thêm.
5.2. Khởi phát
Triệu chứng hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy.
5.3. Diễn biến
- Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
- Khoảng 14% số trường hợp diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
- Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7-8 ngày.
- Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
5.4. Thời kỳ hồi phục
Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, người bệnh sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Chưa có bằng chứng khác biệt về các biểu hiện lâm sàng của covid-19 ở phụ nữ mang thai.
Ở trẻ em, đa số trẻ mắc covid-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho, hoặc các biểu hiện viêm phổi.
Một số trẻ mắc covid-19 có tổn thương viêm đa cơ quan tương tự bệnh Kawasaski, với các biểu hiện như sốt, ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
>> VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP NẶNG DO VIRUT CORONA CHỦNG MỚI (Covid-19) – PHẦN 2
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn