Viêm phế quản mãn tính: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
30 Tháng tám 2024

Lần cập nhật cuối:
13 Tháng chín 2024

Số lần xem:
95

Viêm phế quản mãn tính rất nguy hiểm nên người bệnh hãy điều trị kịp thời chớ để bệnh chuyển từ cấp tính sang mãn tính. Dưới đây là những điều cần biết về bệnh trong đó có cả những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người bệnh.

Hiểu rõ về hiện tượng viêm phế quản mãn tính
Hiểu rõ về hiện tượng viêm phế quản mãn tính

1. Viêm phế quản mạn tính là gì?

Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi một viêm phế quản cấp tính nhưng không được điều trị dứt điểm gây tái đi tái lại nhiều lần, dẫn đến việc các ống phế quản bị tổn thương nghiêm trọng tạo ra nhiều đàm, gây ho và khó thở. Viêm phế quản mãn tính có biến chứng trở thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) vô cùng nguy hiểm, khó điều trị, để lại nhiều hậu quả lâu dài, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

2. Triệu chứng viêm phế quản mãn tính

Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm phế quản mạn tính
Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm phế quản mạn tính

Các triệu chứng viêm phế quản mãn tính có tần suất và mức độ nghiêm trọng khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Người bệnh có thể nhận biết qua các triệu chứng đặc trưng như:

  • Ho dai dẳng kéo dài.
  • Khạc đờm.
  • Khó thở, thở khò khè.

Đờm thường có màu xanh, vàng, trắng và theo thời gian, lượng chất nhầy này sẽ tăng dần lên do sự sản xuất chất nhầy trong phổi và tích tụ lại trong các ống phế quản làm hạn chế luồng không khí. Đây chính là nguyên nhân gây ra việc khó thở, có thể đi kèm với thở khò khè ở người bị viêm phế quản mạn tính. Triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài ra còn có các dấu hiệu, triệu chứng khác như mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, tức ngực, tắc nghẽn xoang hoặc hôi miệng. Da và môi của người bệnh giai đoạn sau thường xanh xao, nhợt nhạt do thiếu oxy trong máu. Một số trường hợp còn có thể dẫn tới hiện tượng phù ngoại biên, sưng ở chân và mắt cá chân.

3. Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính

Viêm phế quản mãn tính do những nguyên nhân nào?
Viêm phế quản mãn tính do những nguyên nhân nào?

3.1. Hút thuốc lá thường xuyên (chủ động và thụ động)

Khói thuốc lá được xem là nguyên nhân gây bệnh, ảnh hưởng không tốt đến phổi và phế quản. Các nghiên cứu cho thấy trong khói thuốc lá có chứa một số chất làm tiêu diệt lông mao bên trong phổi, gây tổn thương nghiêm trọng và khi những tổn thương này kéo dài sẽ khiến bệnh viêm phế quản mãn tiến triển nguy hiểm hơn. Không chỉ người hút thuốc mà người thường xuyên hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh (hút thuốc thụ động) cũng dễ bị viêm phế quản mạn tính.

3.2. Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm

Những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc trực tiếp với các chất kích thích phổi như công nhân xây dựng, công nhân làm việc ở mỏ than, xưởng dệt vải… sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản mạn tính. Do đó các chất thải độc hại như khí công nghiệp, chất thải hóa học, khí độc… được xem là những yếu tố nguy hiểm gây kích thích đến phổi, dẫn đến tình trạng viêm phế quản mạn tính. Người làm ở môi trường này cần áp dụng các biện pháp để tự bảo vệ sức khỏe, trang bị đồ bảo hộ đạt chất lượng tốt trong suốt quá trình lao động.

3.3. Sức đề kháng kém

Người lớn tuổi và trẻ sơ sinh là đối tượng có sức đề kháng yếu hay những người hay bị cảm lạnh, mắc một số bệnh cấp hoặc mạn tính làm suy giảm hệ miễn dịch rất dễ bị virus tấn công, có nguy cơ cao nhiễm bệnh viêm phế quản mãn tính. Do sức đề kháng kém mà người bệnh thường không đủ sức chống chọi các tác nhân gây bệnh khiến bệnh viêm phế quản cấp tính tái đi tái lại nhiều lần,  từ đó trở nên nghiêm trọng hơn và dẫn tới tình trạng viêm phế quản mạn tính.

4. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính

Những ai dễ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính nhất?
Những ai dễ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính nhất?

Ai cũng có thể mắc bệnh lý này nhưng những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bao gồm:

  • Người nghiện hút thuốc lá: Theo thống kê, có hơn 90% người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính có tiền sử hút thuốc lá vì trong khói thuốc lá có chứa một số chất triệt tiêu lông mao bên trong phổi, gây tổn hại phổi nghiêm trọng.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với nguồn không khí độc hại: Công nhân xây dựng, công nhân làm việc ở mỏ than, xưởng dệt vải… là đối tượng dễ mắc bệnh ký này do môi trường ô nhiễm, thường xuyên hít phải bụi bẩn, khí độc hoặc tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích đường hô hấp như bông gòn, bụi vải, khói hoá học…
  • Người có sức đề kháng yếu, người có tiền sử mắc bệnh mạn tính gây ra tình trạng suy giảm hệ thống miễn dịch.
  • Người cao tuổi có nguy cơ nhiễm trùng cao.

5. Các biến chứng viêm phế quản mạn tính

Biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm phế quản mạn
Biến chứng nguy hiểm có thể gặp khi bị viêm phế quản mạn

Bệnh viêm phế quản mạn tính nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể phát triển thành khí phế thũng, tâm phế mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay suy hô hấp, cụ thể là:

  • Tình trạng khí phế thũng thường xuất hiện dưới dạng trung tâm tiểu thùy, thường gặp ở những người hút thuốc lá nhiều năm.
  • Tăng áp động mạch phổi dẫn đến tâm phế mạn: Đây là hậu quả của sự giảm thông khí phế nang làm giảm oxy phế nang gây co mạch và phá hủy các đường mạch máu phổi.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, tâm phế mạn và suy hô hấp là những vấn đề nặng nề và nguy hiểm thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh.

6. Chẩn đoán viêm phế quản mãn tính

Các biện pháp chẩn đoán viêm phế quản mãn tính
Các biện pháp chẩn đoán viêm phế quản mãn tính

6.1. Kiểm tra chức năng phổi

Đây được xem là phương pháp có giá trị chẩn đoán cao, có khả năng loại trừ những nguyên nhân gây ra các cơn ho kéo dài thường xuất hiện trong bệnh giãn phế quản, viêm phổi… Nếu kiểm tra cho kết quả bình thường, nhu mô phổi không bị tổn thương, người bệnh sẽ được chẩn đoán mắc bệnh viêm phế quản mạn tính. Nếu thấy có hình ảnh rối loạn thông khí tắc nghẽn, người bệnh sẽ được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

6.2. Chụp x-quang phổi

Thông qua phim chụp X-quang phổi, bác sĩ có thể quan sát được tình trạng phổi của người bệnh, nhận thấy được những dấu hiệu như các mạch máu, ống dẫn khí, tổ chức kẽ phế quản dày lên. X-quang phổi còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định, phân biệt và loại trừ những khả năng do các bệnh lý gây tổn thương nhu mô phổi như viêm phổi kẽ, lao phổi, ung thư phổi; bệnh lý giãn phế quản… có cùng triệu chứng là những cơn ho kéo dài.

7. Điều trị bệnh viêm phế quản mãn tính

Các phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính
Các phương pháp điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính

Các phương pháp điều trị sẽ giảm các triệu chứng của bệnh:

  • Thuốc: Thuốc giãn phế quản thường được bác sĩ chỉ định người bệnh dùng nhờ có tác dụng mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp người bệnh có thể thở một cách dễ dàng hơn.
  • Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh sử dụng một loại máy hô hấp giúp đưa thuốc vào cơ thể. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc theophylline nhằm xoa dịu các lớp cơ ở đường thở, giúp người bệnh có thể thở dễ dàng hơn.
  • Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm dạng hít hoặc viên nén, giúp mở đường thở nếu việc sử dụng hai loại thuốc trên đều không hiệu quả.
  • Phục hồi chức năng phổi là phương pháp bao gồm các bài tập thể dục, các bài tập về hô hấp và chế độ dinh dưỡng phù hợp với những người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính sẽ giúp người bệnh nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và giúp quá trình thở được diễn ra dễ dàng hơn.
  • Có thể sử dụng các thiết bị làm sạch chất nhầy, giúp người bệnh có thể ho ra chất lỏng dễ dàng hơn.
  • Liệu pháp oxy giúp người bệnh viêm phế quản mãn tính thở tốt hơn.

8. Cách phòng tránh bệnh viêm phế quản mãn tính

Nên phòng ngừa viêm phế quản mãn tính như thế nào?
Nên phòng ngừa viêm phế quản mãn tính như thế nào?

Muốn phòng tránh bệnh viêm phế quản mãn tính cần lưu ý:

  • Bỏ hút thuốc lá: Thuốc là là nguyên nhân gây ra bệnh viêm phế quản mãn tính nói riêng cũng như các bệnh lý về phổi nói chung, dẫn đến suy giảm chức năng của hệ hô hấp và thậm chí là ung thư phổi. Việc bỏ hút thuốc lá sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho bạn và cả những người xung quanh – hút thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
  • Nên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi để tránh nguy cơ xâm nhập của những tác nhân gây hại đến đường hô hấp.
  • Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh đường hô hấp bằng cách súc họng hay nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, xịt rửa mũi thảo dược…
  • Tiêm phòng các bệnh như vacxin phòng bệnh viêm phổi, vacxin cúm, vacxin  ho gà… cũng sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản mãn tính.

Viêm phế quản mãn tính là bệnh lý hệ hô hấp rất nguy hiểm, có thể biến chứng dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và suy hô hấp thậm chí người bệnh còn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư phế quản, ung thư phổi hoặc lao phổi. Do đó hãy điều trị ngay khi thấy các dấu hiệu của bệnh viêm phế quản tránh để bệnh chuyển sang mãn tính nhé.

Bài viết liên quan: Bệnh viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi – Đừng chủ quan!

Nguồn tham khảo

  • [1] Chronic Bronchitis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24645-chronic-bronchitis
  • [2] Chronic Bronchitis. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/chronic-bronchitis
  • [3] Chronic Bronchitis. https://medlineplus.gov/chronicbronchitis.html
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Để lại một bình luận