Viêm phế quản ở trẻ em là một bệnh lý phổ biến, đặc biệt trong mùa lạnh. Bệnh gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết và chăm sóc đúng cách là yếu tố then chốt giúp trẻ nhanh chóng hồi phục.
1. Bệnh viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản cấp là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đối tượng thường mắc phải là trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Bệnh xảy ra do tình trạng viêm cấp của khí quản và các phế quản lớn thường do virus gây ra. Trẻ dễ mắc viêm phế quản nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau khi trẻ mắc một căn bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, ho gà, sởi…
2. Nguyên nhân khiến trẻ em dễ mắc viêm phế quản
Ai cũng có thể mắc viêm phế quản nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh lý này nhất và thường là do một số nguyên nhân sau đây:
- Virus: Đây là nguyên nhân thường gặp gây ra căn bệnh viêm phế quản ở trẻ nhỏ. Do hệ miễn dịch ở trẻ em còn yếu và chưa hoàn thiện nên khi bị các loại virus tấn công sẽ khiến trẻ dễ bị viêm phế quản, đặc biệt là sau khi trẻ mắc các bệnh lý tai – mũi – họng thì những virus, vi khuẩn này lại càng hoạt động và tấn công tích cực. Có thể kể đến như Adenovirus type 1-7, Enterovirus, Parainfluenzae, Influenzae A và B; các loại virus hợp bào hô hấp (RSV), Rhinovirus, Human Bocavirus, Herpes Simplex Virus; vi trùng như S Pneumoniae, M catarrhalis, H Influenzae, Chlamydia Pneumoniae, Mycoplasma Species…
- Ngoài virus thì còn có các yếu tố khiến trẻ bị viêm phế quản tái phát nhiều lần như cơ địa dị ứng, cha mẹ bị hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh xơ nang, suy giảm miễn dịch, môi trường sống có nhiều khói bụi…
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ
Cha mẹ có thể nhận biết bệnh viêm phế quản ở trẻ qua các triệu chứng sau:
- Trẻ bị sổ mũi hay nghẹt mũi, có thể kèm theo khò khè, khó thở.
- Trẻ ho khan hoặc ho có đờm, cơn ho có thể xuất hiện nhiều hơn lúc về đêm hoặc sáng sớm.
- Trẻ bị sốt nhẹ hoặc sốt cao trên 39 độ C.
- Trẻ có thể gặp nhiều triệu chứng đi kèm khác như mệt mỏi, đau cơ, nôn ói, bú kém, đau ngực ở trẻ lớn.
Xem thêm: Biến chứng có thể gặp khi bé bị viêm phế quản thở khò khè
4. Trẻ bị viêm phế quản: Khi nào cần đến gặp bác sĩ ngay?
Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu dưới đây thì cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:
4.1. Trẻ khó thở, tím tái
Do dịch tắc trong thanh quản có thể khiến trẻ khó thở và nếu không xử lý tốt thì tình trạng này sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Để đánh giá mức độ khó thở ở trẻ, cần đặt trẻ nằm yên hoặc ngủ trong vòng 1 phút và đếm nhịp thở. Nên đếm 3 lần để có kết quả khách quan nhất. Tiêu chuẩn đánh giá ngưỡng thở nhanh theo tuổi mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra như sau:
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi: >= 60 lần/phút
- Trẻ từ 2 – 12 tháng tuổi: >= 50 lần/phút
- Trẻ từ 1 – 5 tuổi: >= 40 lần/phút
Nhịp thở càng nhanh thì mức độ khó thở càng cao, càng nguy hiểm. Ngoài ra khi trẻ khó thở sẽ thường kèm theo buổi hiệu tím tái, chân tay lạnh,…
4.2. Sốt cao
Nếu trẻ sốt từ 39 độ C trở lên, không đáp ứng với thuốc thì cần sớm đưa trẻ đi cấp cứu. Cùng với sốt cao trẻ có thể còn bị co giật, mất ý thức.
4.3. Ho, ngủ li bì, bỏ bú
Sốt cao có thể khiến trẻ li bì khó đánh thức, trẻ ho kéo dài không ngừng, trẻ bỏ bú là những dấu hiệu nguy hiểm cần phải xử lý, can thiệp ngay.
5. Cách điều trị viêm phế quản ở trẻ em
Viêm phế quản ở trẻ em thường gặp nhưng nếu điều trị đúng cách sẽ dứt điểm được. Với trường hợp bệnh nhẹ thì bác sĩ có lời khuyên không nên dùng thuốc kháng sinh cho trẻ. Cách tốt nhất để trị bệnh là làm long đờm và cho trẻ ăn uống đầy đủ. chăm sóc đúng cách, cho trẻ nghỉ ngơi thì bệnh có thể tự khỏi sau vài ba ngày.
Với trẻ sơ sinh bị viêm phế quản thì mẹ nên tăng cường cho trẻ bú nhiều hơn. Nếu trẻ đã bước vào tuổi ăn dặm thì cần cung cấp nhiều nước cho trẻ.
Hàng ngày nên rửa vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
Nếu trẻ bị sốt thì cha mẹ chú ý không nên ủ trẻ kỹ quá, nên cho trẻ mặc quần áo rộng rãi và thoáng mát. Để hạ sốt thì có thể chườm nhẹ vùng nách, cổ, bẹn cho trẻ bằng khăn ấm. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ và nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt khi thấy trẻ có biểu hiện bất thường hoặc cơn sốt không giảm.
Xem thêm:
- Trẻ bị viêm phế quản uống thuốc gì để nhanh khỏi?
- Top 7 siro trị viêm phế quản cho bé hiệu quả nhất
- Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà
6. Cách phòng tránh viêm phế quản ở trẻ em
Để giúp phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ em xảy ra nhất là ở thời điểm giao mùa thì cha mẹ cần chú ý:
- Giữ ấm cho trẻ, đeo khẩu trang và bảo vệ trẻ trước những thay đổi của thời tiết và không khí lạnh.
- Giữ cho môi trường sống của trẻ sạch sẽ bằng cách thường xuyên lau chùi nhà cửa, thay ga gối sạch sẽ.
- Với trẻ đã bị dị ứng với phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi nhà,…thì cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh và tránh xa khói bụi, khói thuốc lá…
- Nếu thấy có người mắc bệnh đường hô hấp như người nhà, bạn cùng lớp… thì chủ động cách ly trẻ với người bệnh.
- Chú ý tiêm vacxin cho trẻ như tiêm phế cầu, Hemophilus influenza.
- Với trẻ nhỏ đang bú mẹ thì nên cho bú hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu, chỉ cai sữa ít nhất 18 tháng sau khi sinh.
Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh lý thường gặp cũng dễ tái phát nên cha mẹ cần chú ý điều trị kịp thời, đúng cách để khỏi hẳn và không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ.
Bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo
- [1] Acute Bronchitis in Children. https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/a/acute-bronchitis-in-children.html
- [2] Don’t Ignore These Symptoms of Bronchitis in Children! https://www.vietnammedicalpractice.com/hanoi/en/news/dont-ignore-these-symptoms-bronchitis-children
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn