Viêm phế quản phổi: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
28 Tháng tám 2024

Lần cập nhật cuối:
14 Tháng chín 2024

Số lần xem:
61

Viêm phế quản phổi là một bệnh lý đường hô hấp phổ biến, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi. Bệnh thường xuất hiện sau khi nhiễm trùng đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm nhiễm và tắc nghẽn phế quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của viêm phế quản phổi.

Những điều cần nắm rõ về hiện tượng viêm phế quản phổi
Những điều cần nắm rõ về hiện tượng viêm phế quản phổi

1. Viêm phế quản phổi là gì?

Phế quản chính là hệ thống đường dẫn khí kết nối từ khí quản cho đến vùng phế nang (có tên gọi khác là nhu mô phổi). Phần phế quản lớp sẽ phân ra thành nhiều nhánh dẫn khí nhỏ và chúng được gọi là tiểu phế quản, khi kết hợp với những phế nang sẽ tạo thành phổi. Các phế nang chính là nơi thực hiện quá trình trao đổi oxy và cả carbon dioxide giữa phổi và các mạch máu. Viêm phế quản phổi là tình trạng viêm khu trú thành từng mảng ở phế quản và phế nang phổi, có thể ảnh hưởng đến các thùy phổi, làm suy yếu chức năng phổi.

Những người mắc bệnh sẽ bị suy yếu các chức năng trao đổi khí ở phổi. Do đó, những vấn đề liên quan đến hô hấp cũng sẽ xảy ra. Với một số tình trạng nghiêm trọng hơn, bệnh có thể trở thành các ổ áp xe (tức là những túi có chứa mủ) nằm ở bên trong phần nhu mô phổi.

Thêm vào đó, vấn đề nhiễm trùng khi không được kiểm soát một cách hợp lý sẽ lan rộng đến nhiều vùng lân cận khác như khoang màng phổi hoặc gây nên chứng nhiễm trùng huyết. Và lâu dần chúng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ các bộ phận khác trên cơ thể. Viêm phế quản phổi thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 65 tuổi.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản phổi

Mắc bệnh viêm phế quản phổi là do đâu?
Mắc bệnh viêm phế quản phổi là do đâu?

2.1. Nguyên nhân gây bệnh

Theo thống kê bệnh viêm phế quản phổi rất phổ biến ở trẻ em, chiếm khoảng 85% tổng số các bệnh về hô hấp ở trẻ dưới 2 tuổi và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh cũng gặp ở người lớn tuổi có hệ miễn dịch  yếu, sức đề kháng suy giảm. Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này là do sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn như Proteus, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Pseudomonas, Haemophilus, Staphylococcus aureus…

Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị viêm phế quản phổi ở trẻ em

2.2. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản phổi

Ngoài nguyên nhân gây bệnh từ virus, vi khuẩn thì bệnh còn có thể xảy ra do một số yếu tố làm tăng nguy cơ như:

  • Tuổi tác: Những người từ 65 tuổi trở lên và trẻ em từ 2 tuổi trở xuống có nguy cơ bị viêm phế quản phổi cao hơn. Các đối tượng này khi mắc bệnh cũng dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn.
  • Tính chất công việc: Người tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm, hóa chất nồng độ cao… hoặc làm việc trong bệnh viện, tiếp xúc với nguồn bệnh dễ mắc bệnh viêm phế quản phổi hơn.
  • Lối sống: Những người có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, ăn uống thất thường hoặc ăn không đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên uống rượu hoặc hút thuốc lá,… dễ mắc các bệnh về phổi hơn so với người bình thường.
  • Sức đề kháng: Những người có sức đề kháng kém và có hệ miễn dịch suy yếu cũng sẽ dễ bị viêm phế quản phổi cũng như các vấn đề bệnh lý khác hơn.
  • Tình trạng sức khỏe: Những người vừa phẫu thuật hoặc vừa bị chấn thương gần đây, người mắc các bệnh hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, hen suyễn, giãn phế quản, người có các vấn đề sức khỏe như bị suy tim, mắc bệnh tiểu đường, mắc bệnh rối loạn tự miễn dịch, người đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, đã hoặc người đang dùng thuốc kháng sinh đều có nguy cơ bị viêm phế quản phổi cao hơn.
  • Thời tiết: Khi thời tiết chuyển lạnh hoặc thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại, độ ẩm thấp khiến hệ miễn dịch dễ suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công dẫn đến viêm phế quản phổi.

3. Triệu chứng viêm phế quản phổi

Người bệnh viêm phế quản phổi có những biểu hiện nào thường thấy?
Người bệnh viêm phế quản phổi có những biểu hiện nào thường thấy?

Người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau, tùy thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh:

  • Ho nhiều, ho dai dẳng, có thể ho ra máu hoặc có dịch nhầy
  • Cảm thấy buồn nôn và có hiện tượng ói mửa
  • Sốt
  • Khó thở, thở gấp
  • Đau tức ngực, đặc biệt là khi ho hoặc thở sâu
  • Đổ mồ hôi
  • Cảm thấy ớn lạnh, rùng mình
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi, uể oải, không có năng lực cho những hoạt động thường ngày
  • Mất vị giác, không cảm thấy ngon miệng khi ăn
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Lú lẫn hoặc mất phương hướng, đặc biệt là ở người lớn tuổi

4. Biến chứng của bệnh viêm phế quản phổi

Bệnh viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
Bệnh viêm phế quản phổi có nguy hiểm không?
  • Suy hô hấp: Quá trình trao đổi oxy và carbon dioxide sẽ kém hơn ở người bệnh viêm phế quản phổi, gây suy hô hấp và khó thở. Người bệnh có thể phải sử dụng máy trợ thở để có thể thở được.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính: Đây là biến chứng nghiêm trọng hơn suy hô hấp. Biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được điều trị.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết hay còn gọi là nhiễm trùng máu là một biến chứng của viêm phế quản phổi do tình trạng viêm, nhiễm trùng gây phản ứng miễn dịch, khiến các cơ quan và mô trong cơ thể bị tổn thương. Biến chứng này có thể dẫn đến suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao ở người bệnh.
  • Áp xe phổi: Áp xe phổi xảy ra khi bệnh viêm phế quản phổi diễn biến nghiêm trọng thì có thể khiến các túi dịch chứa mủ tràn vào bên trong phổi.
  • Các biến chứng khác: Suy thận, suy tim, nhịp tim không đều,… đều có thể là biến chứng khác của bệnh viêm phế quản phổi.

5. Chẩn đoán viêm phế quản phổi

Các phương pháp chẩn đoán viêm phế quản phổi hiện nay
Các phương pháp chẩn đoán viêm phế quản phổi hiện nay
  • Chụp X-quang: Chẩn đoán X-quang ngực có thể cho thấy được tình trạng viêm nhiễm hay khí tích tụ quanh phổi (tràn khí màng phổi).
  • Chụp CT ngực: Chẩn đoán hình ảnh này được chỉ định trong việc chẩn đoán nhờ hình ảnh chụp CT phổi người bệnh, bác sĩ có thể đánh giá chi tiết các mô phổi đang bị tổn thương.
  • Xét nghiệm máu: Nhờ xét nghiệm này bác sĩ sẽ xem được tổng số lượng bạch cầu tăng hay giảm bất thường, từ đó kết luận người bệnh có đang bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay không.
  • Nội soi phế quản: Nội soi phế quản giúp kiểm tra được các đường dẫn khí cũng như tình trạng phổi và các bệnh lý đường hô hấp khác như bị bệnh viêm phế quản, viêm phổi mãn tính, u sùi trong lòng phế quản,…
  • Cấy đờm: Xét nghiệm này có thể giúp phát hiện ra được dịch đờm của người bệnh có nhiễm khuẩn hay không, từ đó xác định tình trạng viêm phế quản phổi.
  • Đo oxy xung: Đây là một kỹ thuật xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn, nhằm đo phần trăm oxy trong dòng máu. Kết quả đo oxy xung càng thấp thì có nghĩa là mức oxy của người bệnh càng thấp, phổi đang bị tổn thương.
  • Khí máu động mạch: Khí máu động mạch có thể hỗ trợ xác định nồng độ oxy trong máu của người bệnh.

6. Điều trị bệnh viêm phế quản phổi

Các biện pháp điều trị bệnh viêm phế quản phổi hiệu quả
Các biện pháp điều trị bệnh viêm phế quản phổi hiệu quả

6.1. Chăm sóc tại nhà

Với người bệnh viêm phế quản phổi nhẹ có thể tự chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà kết hợp nghỉ ngơi và dùng thuốc kê đơn. Bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh dùng một số loại thuốc tùy theo loại nhiễm trùng và mức độ bệnh. Các loại thuốc thường được dùng gồm có:

  • Viêm phế quản phổi do tụ cầu: Cloxacillin, Bristopen, Vancomycin, Cefobid…
  • Viêm phế quản phổi do vi trùng: Chloramphenicol
  • Viêm phế quản phổi do vi khuẩn: Các loại kháng sinh như Ampicillin, Amikacin… chống lại vi khuẩn mẫn cảm gây viêm và nhiễm trùng tại phế quản, phế nang phổi. Đối với trường hợp đã kháng sinh, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Augmentin hoặc Tarcefoksym dạng tiêm.

Sau khi uống thuốc, người bệnh ở nhà tự theo dõi và có thể phục hồi sau 1-3 tuần.

6.2. Khi nào cần đến bệnh viện?

Người bệnh nên đi khám để biết rõ tình trạng bệnh và được chỉ định dùng thuốc tại nhà. Với người bệnh thấy có các dấu hiệu này thì nên đến bệnh viện ngay:

  • Người bệnh trên 65 tuổi
  • Ho ra máu nhiều
  • Khó thở, thở nhanh, thở gắng sức
  • Không thể tự thở mà phải thở máy
  • Đau tức ngực
  • Tụt huyết áp, huyết áp thấp
  • Có dấu hiệu lú lẫn, người lơ mơ
  • Cần hỗ trợ thở
  • Đang điều trị bệnh phổi mãn tính

7. Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi

Cách phòng bệnh viêm phế quản phổi tốt nhất
Cách phòng bệnh viêm phế quản phổi tốt nhất

Cách phòng ngừa bệnh viêm phế quản phổi mà mọi người có thể áp dụng đó là:

  • Nên rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi dụi mắt, động tay vào mắt mũi miệng,  sau khi cầm nắm đồ vật, khi đi vệ sinh xong, khi ra bên ngoài về.
  • Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh hô hấp, cần đeo khẩu trang phòng ngừa, rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Tránh hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào.
  • Tăng sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ và thói quen tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Tiêm vacxin phòng cúm, tiêm phế cầu.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải viêm phế quản phổi, đặc biệt là trong mùa lạnh khi sức đề kháng giảm. Hãy bảo vệ sức khỏe của bạn bằng cách giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng và đi khám ngay khi có triệu chứng. Điều trị sớm viêm phế quản phổi sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo

  • [1] Bronchopneumonia. https://en.wikipedia.org/wiki/Bronchopneumonia
  • [2] Bronchopneumonia: Symptoms, Risk Factors, and Treatment. https://www.healthline.com/health/bronchopneumonia
  • [3] Bronchopneumonia. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/bronchopneumonia
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Trả lời