Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị

Tham vấn Y khoa:
Bs Vũ Văn Lực

Ngày đăng:
9 Tháng chín 2024

Lần cập nhật cuối:
14 Tháng chín 2024

Số lần xem:
26

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em là một bệnh lý được cha mẹ quan tâm. Bệnh thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi, nhất là các trẻ từ 3-6 tháng tuổi. Nếu không được điều trị khỏi hẳn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Cùng tìm hiểu nguyên tắc điều trị bệnh lý này trong bài viết dưới đây.

Cha mẹ cần biết điều gì khi trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản cấp?
Cha mẹ cần biết điều gì khi trẻ nhỏ bị viêm tiểu phế quản cấp?

1. Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em là gì?

Viêm tiểu phế quản cấp là khi tiểu phế quản (các ống thở nhỏ của phổi) bị viêm nhiễm cấp tính. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ dưới 2 tuổi, nhất là các trẻ từ 3-6 tháng tuổi và có thể khiến một số vùng phế quản tổn thương sâu, tạo các cơn co thắt – tắc nghẽn và co thắt ở các tiểu phế quản, gây xẹp phổi hoặc ứ khí phế nang, khiến trẻ tử vong.

Xem thêm: Trẻ em bị viêm tiểu phế quản: Nguyên nhân, dấu hiệu và điều trị

2. Nguyên nhân trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em chủ yếu do virus khác nhau:

  • Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV): Đa số trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp do sự xâm nhập của RVS, chiếm khoảng từ 30-50% . Chủng virus này phát triển mạnh trong môi trường lạnh, ẩm và dễ tạo thành dịch bệnh.
  • Virus Adeno: Trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp do chủng virus này gây ra thường sẽ mắc bệnh nặng hơn, bệnh khó điều trị và kéo dài hơn. Ngoài ra, bệnh còn có khả năng chuyển biến thành viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (type 3,7,21).
  • Virus cúm và á cúm: Đây là cũng là một nguyên nhân phổ biến gây viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ, chiếm khoảng 25% tổng số trẻ bị bệnh.
  • Một số chủng virus khác: Parainfluenza virus, Rhinovirus, Human Metapneumovirus, Enterovirus,…
Những tác nhân nào là yếu tố gây ra bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ?
Những tác nhân nào là yếu tố gây ra bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ?

Ngoài các nguyên nhân này thì trẻ còn có thể bị viêm tiểu phế quản cấp do một số nguyên nhân khác nữa, đó là:

  • Trẻ sinh non (sinh sớm hơn 36 tuần tuổi, đặc biệt trước 32 tuần tuổi)
  • Trẻ nhẹ cân (cân nặng khi mới chào đời của trẻ dưới 2.5kg)
  • Trẻ bị suy hô hấp sơ sinh
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi
  • Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh như: bệnh tim (khuyết tật tim, bệnh tim bẩm sinh làm tăng áp lực động mạch phổi), bệnh phổi (dị tật đường hô hấp, xơ nang, loạn sản phế quản phổi,…)
  • Trẻ gặp một số vấn đề về cơ, thần kinh (Hội chứng Down, Hội chứng Werdnig – Hoffman)
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch
  • Trẻ sống trong khu vực đang bùng phát dịch bệnh viêm tiểu phế quản cấp, đặc biệt là bệnh do virus RSV gây ra
  • Trẻ mắc các bệnh gan, mật mạn tính (da vàng, ứ mật bẩm sinh)
  • Trẻ có tiền sử mắc bệnh do virus gây ra (viêm mũi họng, amidan, viêm VA,…)

3. Triệu chứng viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

Bé bị viêm tiểu phế quản cấp thường có những biểu hiện nào?
Bé bị viêm tiểu phế quản cấp thường có những biểu hiện nào?

Trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp dễ nhầm với cảm lạnh thông thường do triệu chứng ban đầu của hai bệnh tương tự nhau. Khi trẻ bắt đầu phát bệnh, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi, ho và sốt nhẹ (trẻ có thể sốt hoặc không sốt). Sau 1-2 ngày hoặc hơn, trẻ bắt đầu gặp khó khăn khi hô hấp, thở khò khè. Bên cạnh đó, một số trẻ có thể bị viêm tai giữa và gặp khó khăn khi ăn uống.

Cha mẹ cần lưu ý với những trẻ dưới 3 tháng tuổi, có các bệnh lý bẩm sinh, sinh non, hệ miễn dịch kém,… bị bệnh viêm tiểu phế quản cấp thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ điều trị kịp thời. Đặc biệt là khi thấy trẻ có xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Nhịp thở tăng nhanh và nông (trên 60 nhịp/phút)
  • Co lõm ngực khi trẻ hít vào
  • Ngủ li bì, khó đánh thức, hôn mê
  • Từ chối uống nước, có biểu hiện mất nước
  • Da, môi và móng tay tím tái

4. Chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

Các biện pháp tốt nhất được dùng để chẩn đoán viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ
Các biện pháp tốt nhất được dùng để chẩn đoán viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

Khi bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm tiểu phế quản cấp trẻ em sẽ hỏi cha mẹ về tiền sử bệnh của trẻ như trẻ có những triệu chứng gì, có sốt không, bắt đầu ho và sổ mũi từ khi nào… hay trẻ có mắc bệnh lý bẩm sinh nào không, gia đình có người hút thuốc không… Bác sĩ có thể thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng sau để chẩn đoán và xác định mức độ viêm tiểu phế quản của trẻ:

  • Chụp X-quang phổi
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm PCR
  • Xét nghiệm CRP
  • Xét nghiệm khí máu động mạch…

5. Phác đồ điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

5.1. Nguyên tắc điều trị viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ

Nguyên tắc chữa trị viêm tiểu phế quản cấp cho bé
Nguyên tắc chữa trị viêm tiểu phế quản cấp cho bé

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị viêm tiểu phế quản cấp, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và dựa vào nguyên tắc sau:

  • Điều trị các triệu chứng xuất hiện ở trẻ
  • Ngăn chặn các nguy cơ xuất hiện biến chứng
  • Bù nước và lượng điện giải đã mất do bệnh gây ra
  • Cung cấp oxy, hỗ trợ việc hô hấp… nếu trẻ khó thở

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp do virus gây ra không dùng kháng sinh điều trị vì không có tác dụng. Việc điều trị cần kết hợp thực hiện nhiều biện pháp điều trị các bệnh lý khác nhau. Cha mẹ không được tự ý cho trẻ uống thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ. Và tùy vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh viêm tiểu phế quản của trẻ mà có thể điều trị tại nhà hoặc có thể nhập viện ngay để được điều trị tích cực.

5.2. Các biện pháp điều trị cụ thể

5.2.1. Điều trị ngoại trú

Điều trị ngoại trú cho bé đang mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp
Điều trị ngoại trú cho bé đang mắc bệnh viêm tiểu phế quản cấp

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản cấp ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại nhà sau khi đã được bác sĩ khám bệnh.Bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ tại nhà:

  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm ho theo chỉ định của bác sĩ, thường là các thuốc ho thảo dược, dạng siro phù hợp với trẻ, không dùng thuốc giảm ho dextromethorphan, thuốc kháng histamin, thuốc co mạch, long đờm, á phiện,… Không dùng thường quy các thuốc giãn phế quản, corticoid, không chỉ định kháng sinh.
  • Vệ sinh mũi, miệng bằng nước muối sinh lý.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng và cho trẻ bú như bình thường nếu trẻ đang ở độ tuổi bú mẹ.
  • Cho trẻ uống đủ nước.
  • Tái khám định kỳ sau khi hết đơn thuốc hay khi thấy bệnh trở nên nghiêm trọng.

5.2.2. Điều trị nội trú

Với trường hợp hen tiểu phế quản ở trẻ có dấu hiệu, triệu chứng tồi tệ thì cần nhập viện điều trị. Trong đó bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp sau:

Điều trị nội trú cho trẻ bị bệnh viêm tiểu phế quản cấp
Điều trị nội trú cho trẻ bị bệnh viêm tiểu phế quản cấp

Điều trị hỗ trợ

  • Hỗ trợ hô hấp:
    • Cho trẻ nằm đầu cao, hút đờm thường xuyên để giúp trẻ thông thoáng đường thở.
    • Tùy trường hợp có thể chỉ định thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn, CPAP.
    • Sử dụng thuốc giãn phế quản: Salbutamol khí dung 1-2 lần cách nhau 20 phút, liều lượng 0.15mg/kg/lần, tối thiểu 2.5mg/lần, tối đa 5mg/lần. Đánh giá đáp ứng của trẻ sau 1 giờ, nếu đáp ứng dùng tiếp thuốc sau 4-6 giờ, nếu không đáp ứng thì ngưng thuốc.
    • Sử dụng nước muối ưu tường 3% cho những bệnh nhân khò khè lần đầu, không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
  • Cung cấp đủ dinh dưỡng, nước, điện giải:
    • Chia sữa, thức ăn trẻ thành nhiều bữa nhỏ, giảm số lượng sữa mỗi lần bú nhưng tăng số lần bú để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ. Cần cho trẻ bú cần thận nếu trẻ thở nhanh >60 lần/phút vì nguy cơ hít sặc cao. Nếu trẻ bú, ăn quá ít, không đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu, bác sĩ có thể chỉ định đặt ống thông dạ dày, gavage sữa chậm hoặc dinh dưỡng tĩnh mạch một phần.
    • Nuôi ăn qua sonde dạ dày sẽ được chỉ định trong các trường hợp: Trẻ nôn ói liên tục sau khi ăn; thở nhanh 70-80 lần/phút; khi trẻ ăn/bú SpO2 giảm dưới 90% dù có được thở oxy; kém phối hợp các động tác mút-nuốt-hô hấp, tăng rõ rệt công hô hấp khi ăn uống, bú.
    • Nuôi ăn bằng đường truyền tĩnh mạch khi trẻ mất nước, suy hô hấp nặng hoặc khi nuôi ăn bằng đường tiêu hóa không đủ (<80ml/kg/ngày).
    • Nuôi ăn qua ống thông dạ dày.
    • Một số trường hợp sẽ nuôi ăn qua sonde.

Điều trị biến chứng

Sẽ dùng kháng sinh điều trị khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt cao đột ngột, kéo dài, các triệu chứng lâm sàng diễn biến xấu nhanh trong 24-48 giờ, kết quả xét nghiệm công thức máu có bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế, CRP >20mg/l, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm đông đặc phổi, cấy đờm (+), cấy máu (+). Lựa chọn kháng sinh sử dụng ban đầu như trong điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Thời gian điều trị kháng sinh từ 7-10 ngày.

Theo dõi trong thời gian điều trị

Trẻ cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian điều trị, các dấu hiệu sinh niệu như thân nhiệt, mạch, nhịp thở, tím tái, SpO2 được theo dõi 1-2 giờ/lần trong 6 giờ đầu. Nếu tình trạng trẻ có cải thiện, theo dõi 4-6 giờ/lần. Việc theo dõi này là để phát hiện sớm biến chứng suy hô hấp và dấu hiệu bội nhiễm nếu có.

6. Cách phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em

Phòng bệnh viêm tiểu phế quản cấp như thế nào?
Phòng bệnh viêm tiểu phế quản cấp như thế nào?

Để phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Giữ không gian sống và vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ, thoáng mát, ấm áp vào mùa đông.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, khói thuốc lá, với người đang mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh về đường hô hấp.
  • Tập cho trẻ thói quen vệ sinh tay bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh.
  • Tiêm phòng vacxin đầy đủ và đúng lịch cho trẻ.

Viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ nhỏ tuy là một bệnh phổ biến nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Việc theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe của bé, cùng với việc tuân thủ chỉ dẫn từ bác sĩ, sẽ giúp bé nhanh chóng phục hồi và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

Bài viết liên quan:

Nguồn tham khảo

  • [1] Pediatric Bronchiolitis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519506/
  • [2] Bronchiolitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bronchiolitis/symptoms-causes/syc-20351565
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên   

 

Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 089650950919001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn

    Đăng ký nhận tư vấn miễn phí - Toàn bộ thông tin Vinh Gia cam kết giữ kín.

    Trả lời