Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt trong mùa đông và khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường khởi phát do nhiễm virus và gây ra tình trạng viêm nhiễm tại các tiểu phế quản, khiến trẻ khó thở, ho và có thể sốt. Dưới đây là thông tin chi tiết về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mà cha mẹ có thể tham khảo để chăm sóc, phát hiện và điều trị đúng cách tránh biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhà mình.
1. Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là gì?
Tiểu phế quản có nhiệm vụ kiểm soát luồng không khí trong phổi. Khi bị nhiễm trùng hoặc tổn thương, bộ phận này có thể bị sưng lên hay tắc nghẽn và ngăn chặn oxy lưu thông. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản nhất. Trẻ mắc viêm tiểu phế quản sẽ có biểu hiện ốm trong khoảng từ 7 đến 10 ngày, đây là thời điểm bệnh lây lan nhanh và mạnh nhất.
2. Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
2.1. Virus hợp bào hô hấp
Đây là loại virus chính dẫn tới đa số các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Khi trẻ bị nhiễm loại virus này sẽ bị viêm, tích tụ chất nhầy và sưng đường thở.
2.2. Virus Adeno
Virus Adeno là nguyên nhân gây ra khoảng 10% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em, loại virus này chủ yếu nhắm vào màng nhầy ở mũi, họng của trẻ.
2.3. Virus cúm
Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị mắc virus cúm, gây viêm ở phổi, mũi và cổ họng. Do trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên khi mắc cúm rất nguy hiểm.
Ngoài các nguyên nhân này thì còn có những yếu tố nguy cơ khiến trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản là:
- Trẻ không được bú sữa mẹ sau khi sinh
- Sinh non
- Mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh
- Hệ miễn dịch yếu
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
- Ở nơi đông người có virus tồn tại như nhà trẻ
- Người trong gia đình nhiễm virus và lây nhiễm cho trẻ
- Hít phải mùi của các hóa chất như amoniac, thuốc tẩy, clo
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Gặp phản ứng bất lợi với thuốc
Nếu tình trạng viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn nghiêm trọng và không được điều trị thì trẻ sơ sinh có thể tử vong – tình trạng này tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra mà không có lý do.
3. Triệu chứng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh không có các dấu hiệu đặc trưng bởi các triệu chứng của bệnh khá giống các bệnh viêm đường hô hấp khác. Có thể nhận biết qua các dấu hiệu như:
- Ho, có thể có đờm hoặc không đờm
- Sốt cao hoặc nhẹ, sốt cơn hoặc liên tục, cũng có trẻ không bị sốt
- Viêm long hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi
- Có đờm ở cổ, đờm tiết ra nhiều, có thể có màu xanh, vàng hay trắng
- Thở khò khè, thở nhanh
- Phổi có tiếng kêu lách tách hoặc tiếng rít khi nghe qua ống nghe
- Da xanh tái vì thiếu oxy (hội chứng xanh tím da)
- Co rút liên sườn
- Cánh mũi phập phồng
- Trẻ biếng ăn…
Cha mẹ cần lưu ý là các triệu chứng ban đầu của viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày. Sau 3-5 ngày, các triệu chứng này càng ngày càng rõ rệt và nặng hơn. Tình trạng khó thở sẽ khiến trẻ thường xuyên quấy khóc, bỏ bú, da nhợt nhạt dần trở thành suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
4. Các giai đoạn phát triển của viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Các triệu chứng ban đầu như sổ mũi, ho sốt nhẹ khá giống với cảm lạnh và kéo dài trong 1 – 2 ngày khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản. Các triệu chứng này sẽ phổ biến và tăng lên về sau. Từ 3 – 5 ngày kế tiếp sẽ thấy trẻ ho nhiều lên, tình trạng khó thở, thở rít xuất hiện. Trẻ sẽ ho nhiều hơn kèm theo khò khè và nguy cơ bị khó thở (thở nhanh hơn, thở co kéo lồng ngực). Tình trạng này sẽ khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú và đi dần tới thở mệt, da tái và tím. Diễn tiến suy hô hấp nặng, nếu không cấp cứu kịp thời trẻ sẽ bị ngừng thở. Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có triệu chứng tương tự hen suyễn, trẻ thở khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, nếu chăm sóc tốt sẽ giảm dần ho sau 14 ngày rồi khỏi hẳn.
5. Cách điều trị trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản
Cách điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ sơ sinh phụ thuộc vào từng triệu chứng bệnh của trẻ:
5.1. Hạ sốt
Trường hợp trẻ sơ sinh bị sốt cao, cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ để tránh biến chứng có thể gặp do sốt cao. Loại thuốc hạ sốt được dùng cho trẻ gồm 2 loại là paracetamol và ibuprofen. Lưu ý là chỉ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao từ 38,5 độ C trở lên và có chỉ định của bác sĩ. Để hỗ trợ giảm sốt nhanh thì cha mẹ có thể lau cho trẻ bằng khăn ấm, cho trẻ bú nhiều hoặc uống nhiều nước để giúp hạ sốt.
5.2. Điều trị ho
Trẻ sơ sinh bị ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ… cha mẹ có thể thực hiện một số cách an toàn như massage gan bàn chân, ngực, lưng cho trẻ, ho mật ong pha với nước để trẻ uống… Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, không nên dùng thuốc giảm ho vì ho được coi như một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn ra ngoài. Tình trạng ho nhiều sẽ kéo dài trong tuần đầu tiên và giảm dần rồi tự khỏi.
5.3. Chữa sổ mũi, nghẹt mũi
Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày, duy trì độ ẩm trong phòng ngủ để trẻ bớt khô mũi… Tuyệt đối không nên dùng các thuốc kháng histamin và các thuốc chống sung huyết mũi vì nhóm thuốc này nguy cơ tác dụng phụ cao, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi.
5.4. Làm loãng đờm
Có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm trên thị trường như acetylcystein, bromhexin, carbocistein… nhưng những thuốc này lại có hiệu quả khá hạn chế ở trẻ em. Uống đủ nước sẽ giúp làm loãng đờm hiệu quả nên cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, uống đủ nước mới làm giúp thuốc mới phát huy tác dụng.
5.5. Khí dung thuốc giãn phế quản
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản khí dung (ventolin) khi đưa trẻ tới cơ sở y tế để khám để điều trị hiện tượng khò khè do co thắt phế quản. Nếu tình trạng khò khè có cải thiện sau lần khí dung đầu tiên thì bác sĩ mới quyết định việc có nên khí dung lần tiếp theo hay không.
5.6. Thuốc kháng virus
Việc sử dụng thuốc kháng virus cần có sự đồng ý của bác sĩ vì loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng thường quy trong điều trị bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, chỉ cân nhắc sử dụng khi nguyên nhân gây bệnh do virus cúm.
5.7. Liệu pháp kháng sinh
Bác sĩ sẽ quyết định trẻ có cần sử dụng liệu pháp kháng sinh hay không khi trẻ gặp các biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi…
6. Phòng tránh bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh
Do virus gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh có thể lây lan nhanh chóng từ người này sang người khác nên cách tốt nhất và hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của virus là thường xuyên khử khuẩn, rửa tay bằng xà bông và đeo khẩu trang khi cha mẹ có dấu hiệu của các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ngoài ra để phòng ngừa viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh, cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau:
- Tránh cho trẻ sơ sinh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu viêm đường hô hấp, cảm lạnh, đặc biệt nếu trẻ sinh non và dưới 2 tháng tuổi.
- Xịt khử khuẩn, vệ sinh, rửa tay cẩn thận trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Cha mẹ nên che miệng, mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi, sau đó bỏ vào thùng rác và rửa tay sạch sẽ bằng cồn.
- Không cho trẻ mút tay, ngậm đồ chơi vì virus gây bệnh có thể dính trên chúng qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói chuyện với người bệnh.
- Vệ sinh sát khuẩn đồ chơi của trẻ thường xuyên, giữ cho không gian sống thông thoáng.
- Tránh cho trẻ khỏi khói bụi, khói thuốc lá và các hóa chất độc hại.
- Giữ ấm cơ thể trẻ nhất là khi trời lạnh, thay đổi thời tiết.
- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất như kẽm,vitamin C… để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho trẻ.
- Cho trẻ bú đủ, bổ sung đủ nước cho trẻ.
- Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để đảm bảo độ ẩm trong phòng của trẻ.
- Cho trẻ tiêm phòng vacxin đúng lịch và đầy đủ các mũi cúm, phế cầu, HiB,… theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
7. Khi nào nên đưa bé đến bác sĩ?
Nếu cha mẹ không kịp thời kiểm soát và điều trị cho trẻ thì bệnh viêm tiểu phế quản có thể khiến trẻ ngưng thở, nhất là đối với trẻ sinh non và trẻ sơ sinh trong 2 tháng đầu tiên. Trẻ có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng và cần phải thở với sự hỗ trợ của máy thở trong suốt quá trình điều trị. Nếu trẻ sinh non, bị suy giảm miễn dịch hay có các bệnh về tim, phổi bẩm sinh thì cha mẹ càng nên theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản ở bé sơ sinh. Khi thấy trẻ có các biểu hiện dưới đây thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Thở kèm theo tiếng khò khè
- Nhịp thở nhanh và nông trên 60 nhịp/phút
- Thở gấp, xương sườn dường như bị lõm vào trong khi trẻ hít vào
- Trẻ mệt mỏi, uể oải, lờ đờ
- Thở nhanh khi bú, bú kém, bỏ bú
- Da nhợt nhạt, xanh xao, môi và móng tay tím tái
- Thấy có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng như khô miệng, khóc không ra nước mắt, uống nước và đi tiểu ít hơn bình thường…
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý hô hấp cần được theo dõi sát sao và điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo sức khỏe cho bé.
Bài viết liên quan:
- Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị
- Viêm tiểu phế quản bội nhiễm ở trẻ nhỏ: Mẹ cần làm gì?
- Trẻ em bị viêm tiểu phế quản bao lâu thì khỏi?
Nguồn tham khảo
- [1] Bronchiolitis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bronchiolitis/symptoms-causes/syc-20351565
- [2] Pediatric Bronchiolitis. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519506/
- [3] Bronchiolitis. https://kidshealth.org/en/parents/bronchiolitis.html
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn