Xơ vữa động mạch là tình trạng mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch, khiến động mạch bị thu hẹp, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Bệnh sẽ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Cùng tìm hiểu về xơ vữa động mạch để điều trị đúng cách, tránh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm.
1. Xơ vữa động mạch là gì?
Động mạch là những mạch máu đưa máu từ tim đi khắp cơ thể, được lót bằng một lớp tế bào mỏng gọi là nội mô, cho phép máu lưu thông dễ dàng qua các động mạch. Xơ vữa động mạch là tình trạng động mạch hình thành các mảng vữa và xơ cứng khi lớp nội mạc bị tổn thương do các yếu tố nguy cơ (như người bệnh có hút thuốc hoặc có lượng chất béo, cholesterol trong máu cao, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường…) đã tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong thành động mạch. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hầu hết các động mạch trong cơ thể như các động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, mạc treo và thận. Các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong.
2. Ai có nguy cơ bị xơ vữa động mạch
Những đối tượng dưới đây là người có nguy cơ bị xơ vữa động mạch:
- Người trên 55 tuổi
- Nam giới (phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thì nguy cơ tương đương như nam giới)
- Tiền sử gia đình có người bị xơ vữa động mạch
- Hút thuốc lá
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Rối loạn mỡ máu
- Đái tháo đường
- Lối sống ít vận động
- Thường xuyên căng thẳng tâm lý
- Nồng độ axit uric máu cao
- Ăn nhiều muối
- Chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa
3. Triệu chứng nhận biết bệnh xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi ở giai đoạn nặng. Lúc này tình trạng hẹp động mạch nặng khiến lưu lượng máu bị gián đoạn, không thể vận chuyển đến các cơ quan và mô. Bệnh tim mạch cũng vì thế mà phát triển. Các triệu chứng còn tùy thuộc vào động mạch nào bị ảnh hưởng và tình trạng xơ vữa động mạch trung bình hay nặng, cụ thể là:
- Xơ vữa động mạch não: Thường gặp là xơ vữa động mạch não giữa. Giai đoạn đầu thiếu máu não gây rối loạn chức năng hưng phấn và ức chế. Sau đó gây ra các cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Nặng nhất là tắc mạch não gây đột quỵ thiếu máu cục bộ. Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm tàn tật và tử vong.
- Xơ vữa động mạch mắt: Thiếu máu nuôi võng mạc gây rối loạn thị lực, giảm thị lực và mù lòa.
- Xơ vữa động mạch cảnh: Khi xơ vữa hẹp dưới 70% thường không gây triệu chứng. Khi hẹp 70-99% gây ra các triệu chứng thần kinh nặng nề.
- Xơ vữa động mạch mạc treo tràng trên, mạc treo tràng dưới, động mạch thượng vị (các động mạch cung cấp máu cho ruột): Gây thiếu máu, loét, thủng, rối loạn chức năng vùng nuôi dưỡng tương ứng. Triệu chứng thường thấy là đau dữ dội sau bữa ăn, sụt cân và tiêu chảy.
- Xơ vữa động mạch thận: Gây hẹp động mạch thận. Ban đầu không có triệu chứng, khi bệnh nặng gây tăng huyết áp, cực kỳ mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, sưng bàn tay hoặc chân. Ở bệnh nhân tăng huyết áp thường dẫn đến suy thận.
- Xơ vữa động mạch vành: Thường động mạch vành trái xơ vữa nhiều hơn động mạch vành phải. Gây ra cơn đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Các triệu chứng thường gặp: đau thắt ngực, đổ mồ hôi lạnh, chóng mặt, cực kỳ mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, buồn nôn.
- Xơ vữa động mạch chủ: Gây phình hoặc phình bóc tách động mạch chủ. Nặng nhất là gây vỡ động mạch chủ dẫn đến tử vong.
- Xơ vữa động mạch chi dưới: Gây cơn đau cách hồi, nhức, nặng và chuột rút ở chân khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Nặng hơn gây hoại tử đầu chi.
4. Biến chứng
Tùy vào loại động mạch bị xơ vữa mà biến chứng cũng khác nhau.
- Bệnh động mạch vành: Nếu động mạch vành bị xơ vữa, gây hẹp tắc, sẽ dẫn tới các cơn đau ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim.
- Bệnh động mạch cảnh: Xơ vữa động mạch thu hẹp các động mạch gần não, gây ra cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc nhồi máu não, tai biến mạch máu não.
- Bệnh xơ vữa động mạch ngoại biên: Là hiện tượng các động mạch ở chân hoặc ở tay bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn khiến người bệnh kém nhạy cảm với nhiệt và lạnh, làm tăng nguy cơ bị bỏng hoặc tê cóng. Trong một vài trường hợp hiếm, việc thiếu máu đến cánh tay hoặc chân có thể gây chết mô (hoại tử).
- Phình mạch: Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Một số trường hợp cấp cứu y tế có thể xảy ra đau và nhói ở khu vực phình mạch. Còn lại hầu hết những người bị chứng phình động mạch không có triệu chứng.
- Bệnh thận mạn tính: Động mạch dẫn đến thận bị thu hẹp do xơ vữa động mạch và điều này ngăn cản lượng máu giàu oxy đến thận, gây ra bệnh thận mạn. Đây là tình trạng chức năng thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không thể đào thải các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu.
Xem thêm: Hậu quả của xơ vữa động mạch mà bạn cần phải biết
5. Khi nào cần gặp bác sĩ
Bệnh xơ vữa động mạch rất phổ biến, có khoảng 50% người có sức khỏe tốt trên 40 tuổi có nguy cơ mắc chứng xơ vữa động mạch nghiêm trọng và nguy cơ này sẽ tăng dần theo tuổi tác. Hầu hết những người trên 60 tuổi đều có thể gặp tình trạng xơ vữa động mạch nhưng thường không có các triệu chứng rõ ràng trong khi bệnh lý này là nguyên nhân cơ bản của bệnh tim mạch cũng như yếu tố nguy cơ gây đau tim và đột quỵ, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó theo chuyên gia thì những người ở độ tuổi từ 40-74 hoặc có các yếu tố nguy cơ dưới đây nên đi khám sức khỏe 1-2 lần/năm, thực hiện kiểm tra tầm soát nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh tim mạch, đó là:
- Người thừa cân, béo phì
- Người hút thuốc lá hoặc từng hút thuốc
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch
- Người huyết áp cao
- Người rối loạn mỡ máu
6. Cách chẩn đoán xơ vữa động mạch
Để chẩn đoán xơ vữa động mạch, bác sĩ sẽ tiến hành:
- Chụp mạch vành: Đây là thủ thuật sử dụng các ống thông chuyên dụng để bơm thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng. Nhờ các hình ảnh này mà bác sĩ sẽ đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, bóc tách, huyết khối… Phương pháp này được đánh giá là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành.
- Siêu âm Doppler: Phương pháp này nhằm đánh giá lưu lượng máu, xác định tình trạng thu hẹp của các mạch máu ở bụng, cổ hoặc chân.
- Đo vận tốc sóng mạch: Đây là phương pháp so sánh các phép đo huyết áp ở cổ chân và ở cánh tay giúp xác định bất kỳ sự co thắt nào trong lưu lượng máu. Sự khác biệt đáng kể có nghĩa là các mạch máu bị thu hẹp do xơ vữa động mạch.
- Ghi hình tưới máu cơ tim: Phương pháp được tiến hành ghi hình ở trạng thái nghỉ và trạng thái gắng sức, nhằm phát hiện, đánh giá, tiên lượng tình trạng tưới máu cơ tim, một số bệnh cơ tim (cardiomyopathy) như phì đại cơ tim, dãn cơ tim.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): là một kỹ thuật sử dụng tia X-quang, quét theo chiều cắt ngang quả tim, có thể xem liệu có vôi hóa mạch vành hay không, có thể gợi ý vấn đề tim mạch trong tương lai.
7. Phương pháp điều trị xơ vữa động mạch
Để điều trị xơ vữa động mạch tùy từng tình trạng bệnh mà có thể bao gồm các phương pháp như thay đổi lối sống, thuốc và phẫu thuật.
7.1. Thay đổi lối sống
Một trong những yếu tố quan trọng giúp ngăn sự tích tụ mảng bám gây xơ vữa động mạch là thay đổi lối sống. Người bệnh nên áp dụng các thói quen sau để có một lối sống lành mạnh:
- Chọn thực phẩm tốt cho tim mạch: Một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim ưu tiên trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế chất béo bão hòa, muối, đường. Người bệnh có thể tham khảo kế hoạch ăn uống DASH (phương pháp tiếp cận chế độ ăn uống để ngừng tăng huyết áp).
- Hoạt động thể chất thường xuyên: Thói quen tập thể dục sẽ giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cholesterol trong máu cao, tăng huyết áp, thừa cân và béo phì. Người trưởng thành nên tập 150 phút trở lên mỗi tuần đối với những hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần đối với những hoạt động thể chất mạnh mẽ. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về mức độ hoạt động thể chất phù hợp với bản thân.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Kiểm soát cân nặng có thể giúp người bệnh kiểm soát một số yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch vành như cholesterol trong máu cao, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao.
- Hạn chế uống rượu bia: Nam giới không nên uống quá 2 ly rượu/ngày, phụ nữ không nên uống quá 1 ly/ngày.
- Kiểm soát căng thẳng: Học cách kiểm soát căng thẳng, tập thư giãn, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất.
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Người tiếp xúc với môi trường khói thuốc hoặc hút thuốc thụ động cũng tăng 20-30% nguy cơ xơ vữa động mạch. Một số nghiên cứu cho thấy nicotine và hương liệu được tìm thấy trong các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng có thể gây hại cho tim, phổi.
- Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành nên ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày, ngủ sâu giấc giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.
7.2. Dùng thuốc
Các loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị chứng xơ vữa động mạch có:
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu nhằm giảm khả năng kết dính của các tiểu cầu trong máu với nhau, gây ra cục máu đông.
- Thuốc chống đông máu để giảm khả năng đông máu, làm loãng máu.
- Thuốc giảm cholesterol để làm giảm chất béo (lipid) trong máu, đặc biệt là cholesterol lipid tỷ trọng thấp (LDL).
- Thuốc hạ huyết áp: Một số nhóm thuốc hoạt động theo những cách khác nhau để giảm huyết áp.
7.3. Nong mạch vành
Thủ thuật này được áp dụng để khôi phục lưu lượng máu của động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc hẹp do xơ vữa. Đây là một thủ thuật can thiệp qua da, bác sĩ sẽ tiếp cận vào hệ thống động mạch vành thông qua động mạch quay ở cổ tay hay động mạch đùi dưới nếp bẹn. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Một ống thông dẫn đường sẽ đi trước và đi vào lỗ động mạch vành trái và phải. Một lượng thuốc cản quang sẽ được bơm vào ống thông giúp bác sĩ có thể dễ dàng quan sát thấy đoạn động mạch bị tắc hẹp. Nếu tình trạng tắc hẹp khu trú và chỉ xảy ra ở đoạn gần, bác sĩ sẽ đưa bóng vào tại vị trí đoạn động mạch bị hẹp, sau đó bơm hơi với mức áp lực phù hợp. Sau khi bóng căng lên, mảng xơ vữa sẽ bị ép sát vào thành mạch. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa stent vào và bung ra tại vị trí này. Stent là một giá đỡ bằng kim loại, giúp duy trì khả năng tái lưu thông của dòng máu vừa được giải phóng lâu dài.
7.4. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) là phương pháp mổ bắc cầu trên những động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc được áp dụng khi người bệnh không phù hợp đặt stent. Bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn ống ghép bằng tĩnh mạch hoặc động mạch làm “cầu nối” đến phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Có thể dùng đoạn tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay hay động mạch vú trong bên trong thành ngực để làm đoạn mạch ghép.
8. Phòng ngừa xơ vữa động mạch
Không thể phòng ngừa tuyệt đối bệnh xơ vữa động mạch nhưng có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm ảnh hưởng của bệnh:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, cholesterol, muối, đường.
- Tập thể dục thường xuyên 30 phút mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần.
- Giữ cân nặng hợp lý.
- Nên bỏ thuốc lá.
- Học cách quản lý các tình trạng gây căng thẳng trong cuộc sống.
- Ngủ đủ giấc từ 7-9 tiếng mỗi ngày.
- Kiểm tra sức khỏe hàng năm tại các cơ sở y tế uy tín.
- Kiểm soát bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và các bệnh mạn tính khác.
Người bệnh xơ vữa động mạch có thể chọn dùng thêm sản phẩm hỗ trợ điều trị và dự phòng bệnh. Đầu tiên là viên uống omega-3 có chứa Omega-3 dạng Triglyceride với hàm lượng EPA và DHA cao, sử dụng nguyên liệu tinh chế nhập khẩu trực tiếp từ Na Uy. Omega-3 sẽ giúp giảm mảng bám trong lòng mạch và giúp mạch máu khỏe mạnh. Theo các nghiên cứu thì Omega-3 chứa EPA và DHA cao sẽ giúp giảm hình thành các mảng xơ vữa động mạch – đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Ngoài omega-3 thì người bệnh nên dùng thêm sản phẩm giúp tăng cường lưu thông máu nhờ có chứa các thành phần các vitamin nhóm B (B1,B2, B6), Chondroitin, Cao Blueberry, Ginkgo Biloba. Viên uống được chuyên gia khuyên dùng giúp ngăn ngừa nguy cơ bị tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành,…
Xơ vữa động mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, cần dự phòng sớm và điều trị triệt để, đúng cách tránh biến chứng không mong muốn.
Nguồn tham khảo
- [1] Atherosclerosis. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/atherosclerosis
- [2] Arteriosclerosis / atherosclerosis. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/arteriosclerosis-atherosclerosis/symptoms-causes/syc-20350569
- [3] Atherosclerosis. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16753-atherosclerosis-arterial-disease
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn