Loãng xương là một bệnh về xương đặc trưng bởi khối lượng xương thấp và sự phá vỡ cấu trúc của xương khiến xương trở nên dễ gãy, tăng nguy cơ gãy xương ở một người. Đáng báo động là hiện nay độ tuổi bị loãng xương ngày càng trẻ hóa. Xem ngay 8 yếu tố nguy cơ gây loãng xương trong bài viết dưới đây để phòng ngừa bệnh cho bản thân nhé.
1. Loãng xương tiến triển thầm lặng
Bệnh loãng xương (hay còn gọi là bệnh giòn xương) là bệnh xương khớp khá phổ biến. Đây là hiện tượng xương liên tục mỏng dần và mật độ các chất trong xương ngày càng thưa, làm giảm khả năng chịu lực của xương, khiến xương trở nên yếu dần và rất dễ gãy.
Thông thường, bệnh loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau tiền mãn kinh (trên 50 tuổi) và ở nam giới trên 65 tuổi. Tuy nhiên, không chỉ người cao tuổi dễ bị loãng xương mà hiện nay, số lượng người trẻ tuổi mắc bệnh đang tăng lên chóng mặt do nhiều yếu tố như: chế độ ăn thiếu canxi, ít vận động ngoài trời, béo phì…
Loãng xương thường âm thầm diễn ra trong thời gian dài và không có triệu chứng cụ thể. Các biểu hiện lâm sàng của loãng xương có thể xuất hiện đột ngột sau chấn thương nhẹ như bị ngã, đi xe trên đường quá sóc… hoặc xuất hiện từ từ sau đó tăng dần theo thời gian. Người bị loãng xương sẽ cảm thấy đau mỏi cột sống, đau thắt lưng, đau xương đặc biệt là xương chân. Nếu đã xuất hiện các triệu chứng loãng xương kể trên thì có thể khối lượng xương của cơ thể đã giảm từ 30% trở lên. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, cột sống sẽ bị biến dạng, dẫn tới gù lưng, làm giảm khả năng vận động và đi lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh. Do đó, người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh những biến chứng cho sức khỏe.
Xem thêm: Loãng xương là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây loãng xương
Để phòng ngừa và điều trị loãng xương hiệu quả thì trước hết, chúng ta cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Sau đây là các nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ loãng xương thường gặp:
2.1. Yếu tố tuổi tác
Theo thời gian, khi tuổi càng cao thì mật độ xương càng giảm. Do đó, ở người cao tuổi thường có sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và huỷ xương. Đồng thời, chức năng của các tế bào tạo xương bị suy giảm. Mặt khác, trong giai đoạn này cũng diễn ra sự suy giảm hấp thu canxi ở ruột và giảm tái hấp thu canxi ở ống thận. Chính sự kết hợp các yếu tố trên đã khiến người cao tuổi dễ bị loãng xương.
2.2. Yếu tố nồng độ estrogen thấp và mãn kinh
Phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh có tỷ lệ loãng xương cao do ở giai đoạn này, hoạt động của buồng trứng ngừng lại, dẫn tới thiếu hụt nội tiết tố estrogen. Từ đó, dẫn tới các tế bào hủy xương gia tăng hoạt tính, trong khi chức năng điều hòa và hấp thụ canxi bị suy giảm. Sự kết hợp này đã tạo điều kiện thuận lợi để loãng xương phát triển mạnh ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh. Trong một số trường hợp phụ nữ bị cắt bỏ buồng trứng, các chuyên gia cũng nhận thấy khối lượng xương của họ thấp và tốc độ mất xương diễn ra nhanh.
2.3. Yếu tố nồng độ testosterone thấp
Loãng xương thường gặp ở nam giới có mức testosterone thấp, một tình trạng được gọi là thiểu năng sinh dục. Khi nồng độ testosterone ở mức thấp, khối lượng xương sẽ bị mất dần theo thời gian và cuối cùng dẫn đến xương yếu, dễ bị gãy ngay với chấn thương nhẹ.
2.4. Do thuốc men
Một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc nhóm steroids, làm yếu xương. Trong đa số trường hợp, bạn phải uống những loại thuốc này với liều cao trong thời gian dài, làm cho chúng trở thành mối nguy hại cho xương. Đừng dừng thuốc hay đổi liều khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
2.5. Do một số bệnh lý
Một số bệnh lý được xem là yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm: rối loạn tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), đái tháo đường, suy thận, xơ gan, bệnh khớp mãn tính…
- Mắc các bệnh đường tiêu hoá (dạ dày, ruột…) làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D và protid… làm tăng nguy cơ loãng xương.
- Mắc các bệnh nội tiết như cường giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thận, tiểu đường…
- Bị suy thận mãn tính hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày gây rối loạn chuyển hóa và mất canxi qua đường tiết niệu.
- Mắc các bệnh xương khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, thoái hoá khớp…
2.6. Bộ khung cơ thể nhỏ và trọng lượng thấp
Theo các chuyên gia, ở người nhẹ cân thì quá trình mất xương xảy ra nhanh hơn và tần suất bị gãy cổ xương đùi, xẹp đốt sống do loãng xương thường cao hơn. Chiều cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mật độ xương mỗi người. Những người với tầm vóc nhỏ có khối xương thấp và dễ bị loãng xương hơn.
2.7. Di truyền học
Các nghiên cứu khoa học cho thấy cấu trúc của xương cũng chịu ảnh hưởng lớn từ di truyền. Do đó, bố mẹ bị loãng xương hoặc có tiền sử mắc bệnh về xương khớp thì con cũng có nguy cơ bị loãng xương cao.
2.8. Các yếu tố nguy cơ liên quan lối sống
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp bạn duy trì sức khỏe tốt nhất. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới hệ xương khớp của bạn. Nếu bạn có chế độ ăn không đủ canxi thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo xương và quá trình mất xương sau này.
- Vận động: Ít vận động là một trong những yếu tố nguy cơ làm loãng xương. Ít ai biết rằng, sự vận động của các cơ kích thích tạo xương và tăng khối lượng xương.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ loãng xương vì nhiều lý do. Đầu tiên, những hóa chất trong thuốc lá cản trở chức năng bình thường của tế bào xương. Ngoài ra, hút thuốc làm ức chế quá trình hấp thụ canxi ở ruột. Và cuối cùng, hút thuốc cản trở khả năng bảo vệ xương của estrogen.
- Cân nặng: Những người thừa cân, béo phì thì cân nặng sẽ gây áp lực lên xương và các khớp lớn hơn so với người bình thường nên có nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, gout, viêm khớp,…
- Công việc: Những người làm công việc văn phòng, hoặc công việc phải ngồi hoặc đứng quá nhiều, ít có thời gian để vận động thì thường dễ mắc bệnh loãng xương.
Hy vọng thông qua bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ được các yếu tố nguy cơ loãng xương, từ đó giúp bạn có các biện pháp phòng tránh phù hợp.
Bài viết liên quan:
- Cách điều trị bệnh loãng xương hiệu quả nhất
- 9 Cách phòng tránh loãng xương hiệu quả nhất ít ai biết
- Chẩn đoán bệnh loãng xương như thế nào tốt nhất?
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn