Sốt xuất huyết và Zika đều do virus gây ra, lây lan sang người qua vết đốt của muỗi vằn và rất nguy hiểm. Chúng có những biểu hiện khá giống nhau nên việc phân biệt 2 loại bệnh này không đơn giản khi không may mắc phải. Hãy cùng tìm hiểu cách phân biệt sốt xuất huyết và Zika trong bài viết dưới đây.
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền virus từ người bệnh sang người lành. Chúng thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, tủ quần áo…, chích hút máu người cả ngày lẫn đêm, lây nhiễm virus Dengue. Biểu hiện thường gặp nhất là sốt cao, có thể đi kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, phát ban, đau sau hốc mắt, cơ và xương khớp.
2. Bệnh do virus Zika là gì?
Virus Zika (ZIKV) là một virus RNA (arbovirus) lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Virus Zika có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản và West Nile virus. Nhiễm virus zika được gọi là sốt Zika, thường không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, tương tự như dạng rất nhẹ của bệnh sốt xuất huyết.
3. Cách phân biệt sốt xuất huyết và virus zika
Sốt xuất huyết và virus Zika có biểu hiện gần giống nhau như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Tuy nhiên, giữa chúng cũng có những điểm khác biệt giúp chúng ta dễ dàng nhận biết.
3.1. Về biểu hiện lâm sàng
Theo các chuyên gia, biểu hiện lâm sàng bệnh do virus Zika thường nhẹ hơn sốt xuất huyết, 80% không có biểu hiện bệnh. Trong khi đó sốt xuất huyết thường nặng hơn, từ ngày thứ 2 có thể chảy máu chân răng, chảy máu cam; nặng hơn có thể chảy máu nội tạng, trụy mạch, sốc, nguy cơ tử vong rất cao.
3.2. Cách thức lây truyền
Muỗi là tác nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika qua vết đốt. Cụ thể:
- Sốt xuất huyết do muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn cái hút máu người bệnh nhiễm virus Dengue, virus sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Sau đó virus đến cư trú tại tuyến nước bọt của muỗi, lúc này chúng có thể gây bệnh sốt xuất huyết trong suốt thời gian sống còn lại vì thế chỉ cần một con mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho nhiều người lành.
- Bệnh do virus Zika lây truyền từ muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) qua đường muỗi đốt. Khi muỗi hút máu người đang bị nhiễm virus Zika, virus sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi và ủ bệnh sau 10 ngày. Sau đó muỗi có thể truyền virus cho người khác qua các vết đốt. Có một số cho rằng virus có thể lây qua đường truyền máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con, tuy nhiên rất hiếm.
3.3. Đối tượng dễ mắc bệnh
Tất cả các đối tượng đều có thể mắc sốt xuất huyết và Zika. Tuy nhiên, đối tượng có nguy cơ mắc cao nhất là sống trong vùng có muỗi Aedes.
3.4. Triệu chứng bệnh
Đa số các bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết và zika thường có triệu chứng tương tự nhau nên dễ gây nhầm lẫn.
- Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường sốt cao, đau nhức cơ, đặc biệt có biểu hiện xuất huyết dưới da, chảy máu mũi.
- Bệnh nhân mắc virus Zika thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt nhẹ hơn so với sốt xuất huyết.
3.5. Độ nguy hiểm
Sốt xuất huyết thường khá nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng dẫn đến tử vong, còn sốt do virus Zika thì ít lo ngại hơn.
4. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và virus zika
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và virus Zika.
- Phòng muỗi đốt, khi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, chống muỗi.
- Diệt muỗi bằng dụng cụ vợt, xịt hóa chất.
- Loại bỏ loăng quăng bằng cách đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, chậu rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa thường xuyên.
- Những người đang sinh sống ở vùng dịch bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với bạn tình trong ít nhất 28 ngày để phòng để phòng lây nhiễm virus khi từ vùng dịch trở về.
- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh bị lây nhiễm và khám thai định kỳ.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.
Việc phân biệt sốt xuất huyết và Zika là rất quan trọng để điều trị đúng cách và ngăn ngừa biến chứng. Hãy luôn giữ vệ sinh môi trường, dùng biện pháp chống muỗi và theo dõi sức khỏe thường xuyên để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các bệnh nguy hiểm này.
Bài viết liên quan:
- Sự khác nhau giữa bệnh sốt rét và sốt xuất huyết cách phòng và điêu trị
- Mách bạn cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban để điều trị hiệu quả
- Bệnh sốt xuất huyết và sốt siêu vi khác nhau chỗ nào?
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn