Cảm cúm là một căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao. Để phòng ngừa bệnh chúng ta có thể sử dụng biện pháp tiêm vacxin. Tuy vacxin cảm cúm mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc tiêm chủng cũng đòi hỏi sự cẩn thận. Bài viết sau sẽ phân tích chi tiết về các loại vacxin cảm cúm cũng như các lưu ý quan trọng để giúp bạn đưa ra quyết định về việc tiêm vacxin cảm cúm một cách an toàn, hiệu quả.
1. Vắc xin cúm là gì?
Vacxin cúm, còn được gọi là vacxin phòng ngừa cúm, là một loại vacxin được sử dụng để bảo vệ con người tránh bị nhiễm khuẩn của virus cúm. Cúm là một bệnh truyền nhiễm do các loại virus cúm gây ra, thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi và đau cơ. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cúm có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Vacxin cúm được phát triển bằng cách sử dụng các thành phần của virus cúm đã bị giết chết hoặc suy yếu, không gây bệnh nhưng vẫn kích thích hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể chống lại virus cúm. Khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm thực sự, hệ miễn dịch sẽ nhận diện và tiêu diệt chúng nhanh chóng, giúp ngăn ngừa bệnh cảm cúm.
2. Tại sao nên tiêm vắc xin cúm?
Tiêm vacxin cúm có vai trò quan trọng, giúp giảm khả năng bị nhiễm bệnh lên tới 80 – 90% cũng như giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80%. Việc tiêm vacxin cảm cúm mang lại một số lợi ích cụ thể như:
- Bảo vệ cá nhân: Vacxin cúm giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể chống lại virus cúm. Điều này giúp người tiêm có khả năng chống lại bệnh cúm mạnh mẽ hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc tình trạng bệnh nhẹ hơn nếu bị nhiễm.
- Bảo vệ cộng đồng: Tiêm vacxin cúm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm trong cộng đồng. Những người tiêm chủng sẽ không chỉ bảo vệ bản thân mình mà còn giúp ngăn virus lây lan đến những người xung quanh, đặc biệt người yếu hơn và dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ có thai,…
- Giảm biến chứng nghiêm trọng: Đối với những người thuộc nhóm rủi ro cao, như người già, trẻ em và những người có hệ miễn dịch yếu, việc tiêm vacxin cảm cúm có thể giúp giảm nguy cơ mắc cúm và các biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
- Giảm tải nhiễm khuẩn: Khi có nhiều người tiêm vacxin cảm cúm, tỷ lệ người nhiễm khuẩn giảm đi đáng kể. Điều này giúp giảm áp lực lên hệ thống y tế và giúp cơ sở y tế tập trung vào các bệnh khác.
3. Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào, tháng mấy trong năm?
Cúm mùa thường diễn ra quanh năm, nhưng mùa cao điểm thường rơi vào mùa xuân và mùa đông. Vì vậy khoảng thời gian thích hợp để tiêm phòng cúm là 2 tuần – 1 tháng trước khi vào mùa cao điểm. Các gia đình được khuyến khích bắt đầu tiêm vacxin từ tháng 9 tháng – tháng 3.
Tuy nhiên, việc tiêm phòng sớm quá có thể làm giảm khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm bệnh cúm vào cuối mùa cúm, đặc biệt là ở những người lớn tuổi.
4. Đối tượng nên tiêm phòng vắc xin cúm?
Các chuyên gia khuyến cáo, ai cũng có nguy cơ mắc cúm, không phân biệt độ tuổi, giới tính,… Đặc biệt, nhóm đối tượng được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm:
- Người trên 65 tuổi;
- Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai;
- Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi;
- Người có các bệnh lý mãn tính: hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…
- Người nhiễm HIV/AIDS;
- Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
5. Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin cúm?
Hầu hết các đối tượng đều được khuyến khích tiêm cúm, tuy nhiên có một số trường hợp không nên tiêm phòng cúm, gồm:
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi;
- Những người bị dị ứng nghiêm trọng, có thể phản ứng quá với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin.
Ngoài ra, những đối tượng nên thận trọng và trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi chích ngừa cúm như:
- Người bị dị ứng với trứng: Những người có tiền sử dị ứng trứng nghiêm trọng (có các triệu chứng khác ngoài phát ban sau khi tiếp xúc với trứng).
- Người mắc Hội chứng Guillain-Barré.
- Người đang cảm thấy sức khỏe không tốt như đang điều trị các bệnh lý nhiễm trùng cấp tính, bị sốt vừa hay sốt cao.
6. Vacxin cúm có tác dụng trong bao lâu?
Vacxin cúm không có hiệu quả ngay lập tức mà phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm, vacxin có thể tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của virus cúm.
Các loại vacxin ngừa cúm thường có hiệu lực bảo vệ rất cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của nó chỉ kéo dài 6 – 12 tháng. Bởi các loại virus cúm có thể thay đổi cấu trúc kháng nguyên liên tục theo chu kỳ năm. Do đó, các loại vacxin tiêm phòng trong năm nay có thể không còn tác dụng phòng ngừa trong năm sau. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế thường khuyến cáo nên đi tiêm phòng cúm mỗi năm một lần để mang lại hiệu quả tốt nhất.
7. Vắc xin phòng cúm có mấy loại? Phòng được những loại virus nào?
Vacxin cảm cúm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus cúm và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Hiện nay, có nhiều loại vacxin cảm cúm được phát triển, sử dụng trên toàn cầu để phòng ngừa bệnh cúm. Dưới đây là một số loại vacxin cảm cúm phổ biến nhất:
7.1. Vắc xin cúm Tứ giá Vaxigrip Tetra (Pháp)
Vaxigrip Tetra là sản phẩm của tập đoàn dược phẩm hàng đầu Sanofi Pasteur (Pháp), được nghiên cứu và đưa vào sử dụng từ năm 2016. Vacxin này có hiệu quả bảo vệ lên đến 80%, chống lại bốn chủng virus cúm gây gánh nặng bệnh tật lớn hiện nay, bao gồm cúm A (A/H3N2, A/H1N1) và cúm B (Yamagata, Victoria). Theo các nghiên cứu mới nhất, tiêm vắc xin cúm cũng có thể cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Vacxin Vaxigrip Tetra có hàm lượng 0,5ml được khuyến cáo tiêm cho các đối tượng như sau:
- Trẻ 6 tháng – dưới 9 tuổi chưa tiêm vacxin cảm cúm: 2 mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần, tiêm nhắc lại 1 mũi mỗi năm.
- Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn chưa tiêm vacxin cảm cúm: Tiêm 1 mũi và tiêm nhắc lại mỗi năm.
7.2. Vắc xin cúm Tứ giá Influvac Tetra (Hà Lan)
Vacxin cảm cúm Tứ giá Influvac Tetra của Hà Lan được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi hãng Abbott. Loại vacxin này có khả năng phòng được 4 chủng virus cúm nguy hiểm, bao gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria) với hiệu quả bảo vệ cao.
Vacxin Tứ giá Influvac Tetra có liều lượng 0,5ml, được chỉ định tiêm 2 mũi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi. Mũi thứ 1 là lần tiêm đầu tiên, mũi tiêm thứ 2 cách mũi tiêm thứ 1 ít nhất 4 tuần và tiêm nhắc lại mỗi năm.
Đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên thì chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất và tiêm nhắc lại mỗi năm.
7.3. Vắc xin tam giá
Vacxin cúm tam giá như Ivacflu-S của Việt Nam và GC Flu của Hàn Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nguy hiểm từ bệnh này. Liều lượng tiêm như sau:
- Vacxin Ivacflu-S: Áp dụng cho đối tượng từ 18 – 60 tuổi, tiêm 1 liều 0,5ml và nhắc lại hàng năm.
- Vacxin GC Flu: Áp dụng cho trẻ từ 36 tháng tuổi và người lớn, tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng (đối với trẻ 36 tháng tuổi – dưới 9 tuổi), tiêm 1 mũi (đối với trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn). Sau đó, mũi tiêm cần được tiêm nhắc lại hàng năm (áp dụng với cả 2 đối tượng trên). Lưu ý, liều lượng trên áp dụng với những đối tượng chưa tiêm ngừa trước đó.
8. Chích ngừa vắc xin cúm có tác dụng gì?
Tiêm vacxin cảm cúm có mục tiêu chính là kích thích hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể chống lại virus cúm. Điều này giúp cơ thể phát triển sự miễn dịch mạnh mẽ và sẵn sàng đối mặt với virus cúm nếu tiếp xúc với chúng trong tương lai.
Khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm thực sự, hệ miễn dịch đã được chuẩn bị sẽ phản ứng nhanh chóng và tiêu diệt virus trước khi chúng kịp gây bệnh.
Không những vậy, vacxin cảm cúm còn có tác dụng bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm, đồng thời giúp giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.
9. Một số tác dụng phụ của vacxin cúm
Vacxin cảm cúm là biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, như mọi loại vacxin khác, nó cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ.
Các phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm vacxin cảm cúm thường ở mức độ nhẹ đến trung bình, tự giảm đi sau 1-2 ngày mà không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Các phản ứng này bao gồm: ban đỏ, sưng, đau, bầm máu và nốt cứng. Ngoài ra, có thể xuất hiện các phản ứng toàn thân như sốt, khó chịu, run rẩy, mệt mỏi, đau đầu, đổ mồ hôi, đau khớp và đau cơ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp vacxin cảm cúm có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: nổi mề đay, phù mạch nhanh; sốt cao, co giật; khó thở, thở rít, tức ngực; đau bụng, buồn nôn hoặc nôn; tụt huyết áp, ngất; và rối loạn ý thức. Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời.
Tổng kết lại, vacxin cảm cúm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của cá nhân và cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm. Việc tiêm chủng sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm từ căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm để tránh gặp phải những tác dụng phụ, cũng như giúp vacxin phát huy hiệu quả tốt nhất.
Bài viết liên quan:
- Mách bạn cách trị cảm cúm tại nhà hiệu quả
- Người bị cảm cúm nên ăn gì để nhanh khỏi bệnh?
Theo dõi DuocPhamVinhGia.Vn trên |
Mọi thắc mắc bạn đọc vui lòng liên hệ để được tư vấn và giải đáp miễn phí : 0896509509 – 19001259 hoặc Email : songkhoe@bacsituvan.vn